Dịch tả heo châu Phi: Người tiêu dùng có sẵn sàng ăn thịt đông lạnh?

27/05/2019 - 06:08

PNO - Nhiều doanh nghiệp tỏ ra thận trọng trong việc cấp đông thịt heo, phòng trường hợp thiếu hụt nguồn cung thịt, sau dịch tả heo châu Phi.

Doanh nghiệp lo rủi ro

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến nay, dịch tả heo châu Phi (ASF) đã xuất hiện ở 42 tỉnh thành, 265 huyện, 2.904 xã, với tổng số heo bị tiêu hủy là hơn 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn heo cả nước. Dù lượng heo tiêu hủy được đánh giá là không lớn, với diễn biến hiện tại (người chăn nuôi nhiều nơi lo nhiễm dịch, ồ ạt bán tháo heo, những trại nhiễm ASF không tái đàn…), Bộ NN-PTNT đánh giá nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt heo rất cao.

Dich ta heo chau Phi: Nguoi tieu dung co san sang an thit dong lanh?
Các doanh nghiệp cho rằng, biện pháp cấp đông thịt heo để bình ổn thị trường, sau khi kết thúc dịch tả heo châu Phi, là không khả thi.

Những doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài như CP, GreenFeed… cũng cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn thịt, sau khi dịch bệnh kết thúc. Các doanh nghiệp này hiện cũng gặp khó trong việc đưa heo giống vào tái đàn.  Trong những cuộc họp gần đây, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và TP.HCM nhiều lần đề cập đến phương án thu mua thịt heo để cấp đông, nhằm giảm bớt thiệt hại cho ngành chăn nuôi, hạn chế tình trạng người nuôi heo bán tháo và ổn định thị trường.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thực phẩm, phương án cấp đông thịt heo trong thời điểm hiện nay không khả thi. Đại diện doanh nghiệp giết mổ, chế biến thịt heo lớn nhất nhì tại TP.HCM cho hay, việc cấp đông thịt heo đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn về kho lạnh, máy móc bảo quản và dù hiện giá heo hơi đã giảm khá nhiều, nếu cấp đông và bảo quản thịt trong thời gian dài, sẽ khiến giá thành thịt tăng cao.

Khi không còn dịch ASF, chắc chắn giá heo và thịt heo sẽ tăng và các nhà kinh doanh sẽ tìm cách nhập thịt heo đông lạnh từ các nước. Giá thịt nhập khẩu thấp hơn nhiều so với thịt trong nước nên các doanh nghiệp cấp đông thịt trong nước lo không thể cạnh tranh nổi. Thêm vào đó, điều các doanh nghiệp giết mổ, chế biến thịt heo lo lắng thực sự là đại bộ phận người tiêu dùng trong nước vẫn giữ thói quen tiêu dùng thịt nóng (thịt tươi) và cấp đông thịt vẫn được doanh nghiệp xem là rủi ro.

Ông Randolph Reinecker Zoerb, Phó tổng giám đốc sản xuất - đào tạo của Công ty GreenFeeed Việt Nam, cho rằng: virus AFS có sức đề kháng rất cao, có thể tồn tại trong thịt đông lạnh một thời gian dài, nên nếu việc cấp đông thịt không được quản lý và giám sát tốt, có thể trở thành một cách “bảo quản mầm bệnh” lâu dài tại Việt Nam.

Trục lợi từ heo nhiễm bệnh

Cuối tuần qua, tại Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi ở các tỉnh phía Nam do Bộ NN-PTNT tổ chức, cơ quan chức năng đã cảnh báo: ngoài thói quen sử dụng thức ăn thừa từ các quán ăn, nhà hàng để nuôi heo, nhiều đầu mối kinh doanh thịt còn kiếm lời bất chính bằng cách giết mổ và tiêu thụ heo bệnh, khiến ASF có xu hướng bùng phát và lan rộng tại nhiều tỉnh.

Ông Bạch Đức Lữu - Phó cục trưởng Cục Thú y - cho hay, có những cơ sở giết mổ lậu chuyên gom heo bệnh, heo chết với giá rẻ, chỉ 10.000 - 12.000 đồng/kg, để giết mổ, đưa vào các quán ăn tiêu thụ, làm lây lan dịch bệnh. Theo ông Lữu, công tác kiểm soát giết mổ tại nhiều tỉnh phía Nam vẫn chưa làm tốt, tình trạng giết mổ lậu vẫn diễn ra thường xuyên.

Ông Võ Văn Chánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - thừa nhận, những ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên ở Đồng Nai xuất phát từ hoạt động vận chuyển, giết mổ heo bị nhiễm bệnh. Ông Chánh cho hay, công an Đồng Nai đã khởi tố vụ giết mổ heo chết nhiễm tả heo châu Phi và lực lượng công an sẽ xử lý các điểm giết mổ lậu trên địa bàn.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, trong nhiều vụ việc liên quan đến chống dịch tả heo châu Phi, cơ quan thú y phải nhờ đến lực lượng công an. Tại phía Bắc, tình trạng vận chuyển, tiêu thụ heo bệnh còn phổ biến. Heo chết không được tiêu hủy đúng kỹ thuật mà được đem vất ra bãi rác, sông ngòi... khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Ông Tiến cho rằng, việc xử lý theo hướng hình sự trong công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi mới đảm bảo tính răn đe.

Hiện khu vực Đông và Tây Nam bộ, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 29 xã của 16 huyện thuộc 8 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên  Giang. Tổng số heo mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy là 4.840 con.

Sức tiêu thụ thịt heo tại TP.HCM đã phục hồi

Theo ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - bình quân mỗi ngày, thị trường TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Tuy nhiên, sau khi dịch tả heo châu Phi bùng phát tại các tỉnh Đông và Tây Nam bộ, sức tiêu thụ thịt đã giảm còn khoảng 8.000 con/ngày (20%). Trước tình hình này, ngoài việc kiểm soát chặt chất lượng nguồn heo và thịt heo ra vào thành phố hàng ngày, chính quyền TP.HCM còn phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức giao lưu trực tuyến, giải đáp thắc mắc của người dân. Sức tiêu thụ thịt heo tại TP.HCM hiện đã trở lại mức 10.000 con/ngày.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI