Dịch tả heo châu Phi không gây bệnh cho người

08/03/2019 - 17:00

PNO - Trước tình hình dịch tả heo châu Phi hiện đã lây lan sang gần 10 tỉnh thành Việt Nam, nhiều người tiêu dùng lo ngại việc heo bệnh có thể được tuồn bán ra thị trường.

Mới đây, Bộ NN&PTNT vừa có công văn đề nghị Bộ TT&TT xử lý trang Đầm Bầu Thời Trang Mami vì đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán thịt heo nhiễm dịch tả heo châu Phi và kêu gọi tẩy chay vì có thể lây sang người.

Nội dung công văn ghi rõ: trang fanpage có tên "Đầm Bầu Thời Trang Mami" đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán heo nhiễm dịch tả heo châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt heo vì có thể lây lan sang người. Tuy nhiên, khi kiểm tra và xác minh, các ảnh trên ảnh fanpage này là lấy lại từ nhiều báo điện tử. Đây là hình ảnh về bệnh sán dây ở heo xảy ra tại Bình Phước vào tháng 11/2018.

Trước đó, trang Trang Đầm Bầu Thời Trang Mami đưa hình ảnh dẫn chứng miếng thịt mua về luộc cắt ra có đốm dịch trắng, cùng chia sẻ: “Nguyên miếng thịt mua về luộc cắt ra mới thấy chứ nếu thịt xay ra làm giò, chả, nem hoặc xay sẵn bán thì không thể phát hiện” và cho biết xóa sổ thịt heo khỏi thực đơn vì lo ngại heo bệnh ở vùng có dịch được tuồn sang vùng không có dịch bán giá rẻ… Thông tin trên gây hoang mang cho người tiêu dùng. 

Dich ta heo chau Phi khong gay benh cho nguoi
Người tiêu dùng nên chọn mua thịt heo ở những địa điểm uy tín được nhà nước kiểm soát nguồn gốc, an toàn chất lượng.

Thực tế, theo các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, dịch tả heo châu Phi không gây bệnh cho người. “Dịch tả heo châu Phi không gây bệnh cho người, nhiều người nhầm cho rằng ăn heo mắc dịch bệnh này sẽ gây dịch tả cho người là không đúng. Virus này chỉ gây xuất huyết cho heo đi kèm với tả. Bệnh này có nguồn gốc từ châu Phi nên gọi là dịch tả lợn châu Phi”, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM - khẳng định. 

Cũng theo bà, nguy cơ bệnh ở người chỉ xảy ra khi ăn phải thịt heo bệnh đã chết. “Nguy hiểm là khi heo chết, nếu chúng ta không kịp thời phát hiện để tiêu huỷ, cô lập vùng dịch mà để người dân tự xoay xở, đặc biệt là một số người tiếc của nên có thể tìm mọi cách để bán heo bệnh ra thị trường thì sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng. Vì heo chết do dịch bệnh thì sẽ sinh ra nhiều virus khác, tạo ra nhiều mầm bệnh khác"- bà Phạm Khánh Phong Lan lo ngại. 

Thực tế, ở góc độ người tiêu dùng, rất khó để nhận biết được heo bị nhiễm bệnh trong trường hợp người bán cố tình tuồn ra thị trường. Theo Bác sĩ Trần Văn Ký – Hội Khoa học Kỹ Thuận ATTP Việt Nam, heo bị bệnh phải tiêu hủy, tuyệt đối không ăn. Để tránh mua nhầm heo bệnh, người tiêu dùng nên chọn mua thịt heo ở những địa điểm uy tín, heo có nguồn gốc rõ ràng, được nhà nước kiểm soát chặt chẽ, như mua trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi… 

“Về cảm quan nhìn bằng mắt thường, người tiêu dùng chỉ nên mua thịt heo có màu hồng tươi, khô ráo; khối thịt rắn chắc, các thớ thịt đều; ấn tay vào miếng thịt có độ đàn hồi cao. Tuyệt đối không mua thịt heo có màu sẫm, chảy nước, mất tính đàn hồi; miếng thịt nhìn không căng bóng…”, BS Trần Văn Ký lưu ý.

Ngày 8/3, Đội Quản lý ATTP chợ đầu mối Bình Điền (thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM) phát hiện ông Bùi Văn Thoản (TP.HCM) chở 1.170 kg thịt heo có biểu hiện bệnh lở mồm long móng đưa vào chợ tiêu thụ.

Cụ thể, khoảng 6g ngày 8/3, lực lượng kiểm tra phát hiện một số heo làm sẵn nói trên bị long móng, có mụn nước, xuất huyết. Đoàn kiểm tra cho biết, ông Thoản không khai nguồn gốc số thịt heo, chỉ nói có người nhờ bán giùm, giao số thịt này cho một tiểu thương đang kinh doanh trong chợ đầu mối Bình Điền.

Toàn bộ số heo trên không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch nên Đội Quản lý ATTP chợ đầu mối Bình Điền đề xuất Ban Quản lý ATTP TP.HCM phạt hành chính tổng cộng trên 47 triệu đồng với ông Thoản; đồng thời buộc tiêu hủy số thịt heo.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI