Dịch tả châu Phi quét sạch các trại heo

13/05/2019 - 11:15

PNO - Hiện đã là tháng thứ tư kể từ khi xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên ở tỉnh Hưng Yên. Tại Việt Nam, ở vùng có dịch hay không có dịch, chủ trại heo lẫn người kinh doanh thịt heo đều lao đao.

Người nuôi, người bán đều… méo mặt

Những ngày qua, hầu như hôm nào, ông Lê Trung Cương - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Hội, H.Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình - cũng phải đến các trại heo bị nhiễm bệnh tả, chỉ đạo mang đi tiêu hủy. Ông Cương xót xa: “Tại xã, có ba khu trại của một trang trại nuôi gần 1.000 con heo cả nái lẫn thịt, trong đó có gần 600 con nhiễm dịch. Thời gian đầu, khi có những con nái nặng hơn hai tạ nhiễm bệnh, anh em khiêng đi tiêu hủy xong, về nhà rã rời chân tay. Nhưng rồi heo chết liên tục, anh em gần như ngày nào cũng phải khiêng”.

Dịch tả heo châu Phi đã làm đảo lộn đời sống của bà con ở khắp các địa phương, kể cả những tiểu thương bán thịt ngoài chợ. Quang Phục là một trong hai xã nóng nhất về dịch tả heo châu Phi ở H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng. Quầy thịt của bà Nguyễn Thị Thía vắng hoe. Chán nản, bà Thía chẳng buồn đuổi mấy con ruồi như những ngày đắt hàng. Bà nói, bình thường, mỗi ngày bà bán được cả con nhưng giờ chỉ dám đi lấy về 5kg. Mặt méo xệch, bà trỏ xuống phản thịt: “Bán từ sáng đến trưa mới được gần 1kg, dăm bữa nửa tháng nữa mà vẫn thế thì tôi phải bỏ nghề thôi, chứ buôn bán thế này, nuôi riêng cái miệng tôi còn khó”. 

Dich ta chau Phi quet sach cac trai heo
Nhiều chuồng trại đã bị dịch tả heo châu Phi biến thành “chuồng không, trại trống”

Bên chợ Đông Quy (xã Toàn Thắng, H.Tiên Lãng), quầy thịt của bà Nguyễn Thị Thủy cũng lâm cảnh tương tự: “Trước đây, mỗi ngày, tôi bán hết veo một con, giờ chỉ bán 1/4 con mà vẫn không hết. Có nhiều người là khách quen mà cả tháng không thấy họ mua. Mời mua thì họ bảo sợ”.

Nhà anh Hợi - ở thôn Hoàng Đông, xã Quang Phục - vừa là hộ chăn nuôi, vừa là nơi thu mua heo thịt của các trại khác, mỗi tháng đến cả trăm con. Từ ngày có dịch đến nay, anh Hợi không dám nhập heo nữa. Anh nghỉ mua bán trong hai tuần để tập trung nuôi, hy vọng giá heo sẽ hồi phục, vớt vát được đồng nào hay đồng nấy. Nhưng chi phí nuôi heo cao, mà khi gọi, thương lái chê heo to quá, họ chỉ mua heo dưới một tạ thôi. Anh Hợi đành tự mổ heo nhà mình mang bán, mà mỗi ngày chỉ bán được nửa con, giá đang từ 80.000 - 90.000 đồng/kg giờ rớt xuống chưa đến 60.000 đồng/kg. Hiện với mỗi tạ heo, nhà anh Hợi lỗ 1 triệu đồng. 

Nhà ông Phạm Thái Học - ở xã Tiên Minh, H.Tiên Lãng - có trang trại heo lớn thứ tư TP.Hải Phòng, trại nuôi hiện đại theo mô hình khép kín. Hơn 10 năm nuôi heo, kinh tế gia đình ông rất khá nhưng 3 năm nay tuột dốc không phanh. Ông Học nhẩm tính, chỉ riêng năm 2017, lúc giá heo hơi rớt xuống 20.000 đồng/kg, nhà ông mất tới 5,7 tỷ đồng, tháng nào cũng lỗ hơn 500 triệu đồng. Hiện ông đang nuôi 150 con heo nái và 1.700 con heo thịt. Bây giờ, xã ông vẫn nằm trong vùng an toàn, chưa có dịch, mỗi tháng ông vẫn xuất được 300 con heo thịt nhưng mỗi lần xuất, phải lấy 30 mẫu mang đi xét nghiệm, kiểm dịch. “Mỗi mẫu mất 500.000 đồng, tổng cộng tốn 15 triệu đồng/tháng, chưa kể giá heo chỉ bằng 2/3 lúc không có dịch”.

Đau lòng nhìn heo sắp đẻ bị tiêu hủy

Những ngày này, cũng như nhiều trại khác trong vùng, trại heo nhà ông Học luôn đóng kín cổng để phòng ngừa dịch. Ông Học thống kê: “Mỗi ngày tốn 2,5 tấn thức ăn cho heo, mất 30 triệu đồng, chưa kể lương công nhân”. Trang trại của ông Học có nguồn tiêu thụ nhưng trước đây, bán được 45.000 đồng/kg hơi thì có lãi, hiện giờ giá chỉ còn 40.000 đồng/kg. Theo ông, giá này vẫn hòa vốn, nhưng ông còn phải trả lãi cho khoản vay ngân hàng 8 tỷ đồng. “Hết khủng hoảng thừa, đến dịch lở mồm long móng, giờ lại tả heo châu Phi. Nghề nuôi heo như thế này, kể như không còn gì để mất nữa” - ông Học ôm đầu, đôi vai rũ xuống đầy tuyệt vọng.

Dù rẻ và lỗ vốn, nhưng nhà ông Học, anh Hợi vẫn bán được heo. Nhà chị Lê Thị Hương - ở H.Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa - nuôi đàn heo thịt 28 con từ tháng 11/2018 đến nay, mỗi con đã 80kg nhưng vẫn phải nuôi vì nằm trong vùng có dịch nên không ai mua. Chị tiết lộ, nhà chị không bán nhưng các hộ khác vẫn lén mổ heo mang bán quanh làng. Theo chị, muốn bán được, phải lấy mẫu xét nghiệm, nếu an toàn thì chi cục thú y ra thông báo “chuồng an toàn”, nhưng nhiều hộ ngại khâu thủ tục, không làm. Mỗi mẫu xét nghiệm, hộ nuôi tốn 520.000 đồng, trong khi nuôi nhiều tháng chỉ lãi được 500.000 đồng/con nếu tính giá 42.000 đồng/kg heo hơi, còn hiện tại giá ở đây chỉ 35.000 đồng/kg. Nhà ông Huy gần đó còn thảm hơn. Lẽ ra heo nhà ông xuất chuồng trước tết nhưng vướng dịch lở mồm long móng nên ông cố nán lại, chờ giá lên. “Không ngờ lại dính dịch tả heo châu Phi nên phải nuôi đến giờ, mỗi con đã 1,5 tạ. Hằng ngày, nhà tôi chỉ dám vớt bèo về cho lợn ăn” - ông Huy ngán ngẩm.

Nhiều địa phương đã cố gắng tìm phương án tiêu thụ heo thịt cho các hộ chăn nuôi, nhưng chưa hiệu quả, do dịch đang bùng phát ở nhiều nơi khiến người tiêu dùng ngại mua thịt heo. Chi cục Thú y TP.Hải Phòng cho biết, một số phòng giáo dục đề nghị đưa thịt heo vào thực đơn của học sinh nhưng phụ huynh không đồng ý. Công nhân ở các khu công nghiệp cũng nói nếu bữa cơm có thịt heo, họ sẽ nghỉ việc. 

Ông Phạm Văn Suốt - Chủ tịch UBND xã Quang Phục, H.Tiên Lãng - cho biết, xã đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, phát tờ rơi, lập các chốt chặn kiểm soát dịch bệnh, phun thuốc khử trùng… nhưng vẫn không ngăn được dịch. Chỉ hơn ba tuần sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, dịch tả heo châu Phi đã lây lan ở 9/14 thôn của xã. Gần 600 con heo bị tiêu hủy, có khi trong ngày, có đến 15 hộ phát sinh dịch. “Khi đến tiêu hủy heo bệnh, chúng tôi rất đau lòng khi chứng kiến cảnh vợ chồng chủ chuồng ôm nhau khóc như mưa. Có những con heo nái sắp đến ngày sinh sản mà vẫn phải đem đi tiêu hủy, đến mình là người ngoài mà cũng thấy xót xa, huống gì hộ chăn nuôi” - ông Suốt tâm sự. 

Dịch tả heo châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút ASF gây ra,  lây lan nhanh trên loài heo với tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh lây trong các đàn heo thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của heo bệnh. Đường lây truyền của vi-rút dịch tả heo châu Phi rất phức tạp: chim chóc, côn trùng, chuột đều có thể là vật chủ trung gian lây lan bệnh; con người, các phương tiện vận chuyển cũng có thể là nguồn lây bệnh. Trong điều kiện bình thường, vi-rút gây bệnh tả heo châu Phi tồn tại trong thịt heo tươi sống tới 105 ngày, trong thịt heo muối 180 ngày, heo xông khói 300 ngày, trong thịt heo đông lạnh 3 năm, trong huyết heo 18 tháng, trong nội tạng heo 105 ngày và trong phân heo 11 ngày. Tại Việt Nam, ổ dịch đầu tiên được phát hiện đầu tháng 2/2019 ở tỉnh Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra hơn 20 tỉnh, thành. Đến nay, do dịch này, cả nước đã tiêu hủy trên 85.000 con heo.

 Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI