Dịch sốt xuất huyết đe dọa nhiều quốc gia

10/04/2024 - 05:50

PNO - Năm 2000, có khoảng 500.000 ca sốt xuất huyết (SXH) được ghi nhận trên thế giới, trong đó có 19.685 ca tử vong. Đến năm 2019, căn bệnh đã lây nhiễm cho 5,2 triệu người, khiến 30.000 người tử vong. Đáng lo ngại là số ca tử vong đang tăng lên.

Ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á, các quần đảo Thái Bình Dương và Nam Mỹ, dịch SXH thường xuất hiện theo chu kỳ từ 3-5 năm và đã trở thành mối đe dọa thường kỳ.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, ở Brazil đã có hơn 1 triệu trường hợp mắc bệnh và khoảng 300 ca tử vong do SXH - mức độ lớn nhất từng được ghi nhận ở nước này. Argentina có hơn 163.000 ca bệnh trong quý I/2024, trong đó có 129 trường hợp tử vong. Peru tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi hơn 31.000 ca bệnh được ghi nhận trong 2 tháng đầu năm 2024. Ở Đông Nam Á, Singapore cũng đang chứng kiến sự gia tăng nhanh số ca nhiễm SXH. Theo Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA), đã có hơn 5.000 ca SXH trong 3 tháng đầu năm 2024, tăng rất cao so với 2.360 ca cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 25/3, đã có 7 người tử vong do nhiễm SXH tại đảo quốc này.

Patricia Tambunan nhập viện tại Trung tâm Y tế Rumah Sakit Tebet, Jakarta, Indonesia  điều trị sốt xuất huyết vào tháng 2/2024 - ẢNH: PATRICIA TAMBUNAN (CNA)
Patricia Tambunan nhập viện tại Trung tâm Y tế Rumah Sakit Tebet, Jakarta, Indonesia điều trị sốt xuất huyết vào tháng 2/2024 - Ảnh: Patrica Tambunan (CNA)

Khi Benjamin Loh - một doanh nhân 36 tuổi người Singapore - bị sốt đến 40 độ C vào tháng 7/2023, anh tưởng mình tái nhiễm COVID-19. Sau khi xét nghiệm máu, bác sĩ nhắn tin cho anh với nội dung: “Tốt nhất là anh nên đến bệnh viện ngay”. Số lượng tiểu cầu của anh Loh giảm còn 20.000/micro lít máu (mức bình thường nằm trong khoảng từ 150.000-450.000 tế bào/micro lít máu). Loh phải nhập viện điều trị gần 1 tuần vì SXH, căng mình chống chọi với những cơn đau nhức, buồn nôn và sốt cao.

Gần đây, hàng chục ngàn người trên khắp khu vực Đông Nam Á đã nhiễm SXH với hàng trăm trường hợp tử vong. Điều này buộc Chính phủ Singapore, Malaysia và Indonesia đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp diệt trừ muỗi và nâng cao ý thức cộng đồng. SXH cũng đã lan đến những nơi chưa từng ghi nhận dịch bệnh như Pháp, Ý và Chad.

Ở Đông Nam Á, dịch SXH gia tăng do nhiều yếu tố, trong đó có hiện tượng El Nino khiến thời tiết nóng hơn. Tiến sĩ Riris Andono Ahmad - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y học nhiệt đới thuộc Đại học Gadjah Mada, Indonesia - giải thích: “Khi nhiệt độ tăng, muỗi trưởng thành nhanh hơn, đẻ trứng nhanh hơn. Trứng nở nhanh hơn và số lượng muỗi đốt người cũng tăng lên”. Ngoài ra, sự gia tăng các ca SXH cũng do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dẫn đến việc quản lý chất thải, trữ nước không đúng cách, tạo cơ hội cho muỗi vằn Aedes sinh sản.

Một số quốc gia đã thả muỗi đực được lai tạo đặc biệt có chứa vi khuẩn Wolbachia để chống lại bệnh SXH. Khi những con muỗi này giao phối với muỗi cái, trứng của chúng sẽ không nở. Bên cạnh các phương pháp khoa học như trên, các chiến lược phòng ngừa truyền thống vẫn là chìa khóa then chốt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng: đổ các thùng chứa nước, đóng cửa các khu vực trữ nước, nuôi cá để diệt ấu trùng muỗi, dọn vệ sinh và sử dụng thuốc chống muỗi.

Tại Malaysia, chính phủ đang thử nghiệm lâm sàng một số loại thuốc có sẵn cho bệnh SXH. Singapore đầu tư vào các chiến lược giáo dục khác nhau trong nhiều thập niên, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về bệnh SXH. Vắc xin Dengvaxia ngừa SXH dành cho nhóm đối tượng từ 12-45 tuổi cũng được cấp phép sử dụng ở Singapore từ năm 2016. Sản phẩm đòi hỏi phải tiêm 3 liều trong 12 tháng và có hiệu quả đến 4 năm sau liều thứ ba. Dù vậy, vắc xin không được khuyến nghị cho những người chưa từng bị nhiễm SXH.

Ngọc Hạ (theo CNA, VOX, Washington Post, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI