Nhiều trẻ không tiêm chủng do bị bỏ lọt thông tin
|
Bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - Ảnh: Phạm An |
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tổ chức sáng 28/11 ở Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Thượng - Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, tình hình dịch bệnh tay chân miệng, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết có xu hướng ổn định. Tuy nhiên, bệnh sởi và sốt phát ban vẫn còn phức tạp. Tích lũy từ đầu năm tới nay, khu vực phía Nam ghi nhận 16.500 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.
Một số địa phương có ca nhiễm sởi, nghi sởi cao gồm Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương. Tỉ lệ tiêm phòng sởi của khu vực phía Nam, theo ông Nguyễn Vũ Thượng đã đạt được độ bao phủ cao. Điển hình như TPHCM, báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, thành phố đã sử dụng 300.000 liều vắc xin ngừa sởi mua từ nguồn ngân sách địa phương và đã tiêm được 100% các đối tượng dựa trên hệ thống thông tin tiêm chủng.
Viện Pasteur TPHCM cũng chỉ ra, ngoài TPHCM, số ca mắc mới có giảm nhưng ở các tỉnh, thành khác khu vực phía Nam, con số này lại đang tăng. Ông Nguyễn Vũ Thượng đặt vấn đề: “Phải chăng, số đối tượng trong diện tiêm chủng chưa được các địa phương quản lý hết, khiến nhiều người nguy cơ cao, thường di cư mắc bệnh?”. Báo cáo dịch bệnh của TPHCM trong tuần 44 mới đây cho thấy, trong số 50 trẻ mắc sởi từ 1-10 tuổi có 27% bệnh nhi không được người thân đồng thuận cho tiêm, 23% trẻ không có trong hệ thống thông tin tiêm chủng.
Là địa phương “mới nổi” trong bản đồ dịch sởi của cả nước, đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông tin, đầu tháng 9/2024, thời điểm học sinh mới nhập học, tỉnh chỉ ghi nhận từ 10-14 ca, tuy nhiên tới cuối tháng Chín đã ghi nhận khoảng 20 ca, đầu tháng Mười khoảng 40 ca. Con số này tiếp tục tăng lên đầu tháng Mười một là khoảng 80 ca và đỉnh dịch là ngày 21/11 có hơn 100 ca. Tỉnh đã ghi nhận 1 ca tử vong liên quan tới bệnh sởi.
Điều đáng nói, Đồng Nai đã được Bộ Y tế cấp hơn 100.000 liều vắc xin ngừa sởi và triển khai được hơn 90%. Nhận định về nguyên nhân tăng nhanh, Sở Y tế Đồng Nai cho rằng có khoảng trống về miễn dịch. Trong các trường hợp mắc sởi có tới 80 - 90% số ca chưa được tiêm chủng, tức có nhiều trẻ ngoài cộng đồng nằm trong diện di cư, chưa có thông tin trên hệ thống dữ liệu tiêm chủng của địa phương.
Từ thực tế trên, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ tích cực rà soát bổ sung các đối tượng tiêm chủng, đồng thời đề xuất trích nguồn dự phòng của tỉnh để tiêm mở rộng phòng sởi. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Vũ Thượng khẳng định, nếu chỉ dựa vào hệ thống thông tin tiêm chủng sẽ bị bỏ sót đối tượng tiêm chủng. Ông đề nghị các địa phương rà soát, bởi nếu đối tượng nguy cơ nằm ngoài diện tiêm chủng thì số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng.
Dự kiến, tới đây, Viện Pasteur TPHCM sẽ tổ chức họp trực tuyến phòng, chống bệnh sởi với 20 tỉnh phía Nam. Qua đó, đánh giá tình hình, rà soát số vắc xin tồn… để có biện pháp ứng phó hiệu quả.
Sẽ có thêm hơn 200.000 liều vắc xin phòng sởi
|
Bệnh nhi mắc sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Phạm An |
Một trong những vấn đề đáng lưu ý trong diễn biến dịch sởi hiện nay là số ca mắc trong độ tuổi từ 6-9 tháng đang có xu hướng tăng. Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, số ca mắc sởi dưới 6 tháng tuổi chiếm 6,61%; trẻ từ 6-9 tháng (13,56%); trẻ từ 9-18 tháng chiếm 22,94%…
Ông Vương Ánh Dương - Phó cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho hay đã nhận được công văn của Sở Y tế TPHCM và Bệnh viện Nhi Trung ương về tình hình nhập viện của các bệnh nhi bị sởi và đề xuất trong công tác chuyên môn. Theo đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ ngày 1/9 - 11/11 đã tiếp nhận 195 ca dương tính với sởi. Số ca trong tháng Chín và tháng Mười lần lượt là 41 và 91 ca. Riêng trong 11 ngày của tháng Mười một ghi nhận 64 ca. Trong số này, số trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi chiếm 31,6%.
Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng - phân tích, trẻ sau sinh vẫn còn miễn dịch được truyền từ mẹ nhưng thực tế cho thấy nhóm trẻ này vẫn đang mắc sởi cao. Do đó, phải kiểm tra lại công tác phòng, chống nhiễm khuẩn ở các bệnh viện, cơ sở y tế. Khi bệnh nhân mắc sởi nhập viện, nếu không quản lý cẩn thận sẽ gây ra lây nhiễm chéo cho trẻ em.
Ông cũng thông tin, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo hỗ trợ cho Việt Nam hơn 200.000 liều vắc xin sởi tiêm chủng cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi. Các địa phương cần đánh giá lại các nguy cơ để tính toán kỹ khi triển khai tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ lứa tuổi này.
Lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng cho biết đã có công văn về phòng, chống lây nhiễm sởi gửi các đơn vị. Ngay trong ngày 28/11, cục sẽ chỉ đạo về vấn đề chẩn đoán điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo trong các bệnh viện để hạn chế lây nhiễm, đặc biệt với nhóm trẻ từ 6-9 tháng tuổi.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trăn trở trước tình trạng nhiều phụ huynh tại TPHCM không cho con đi tiêm chủng. Bà đề nghị Viện Pasteur TPHCM phối hợp với Sở Y tế TPHCM đánh giá, xác định chính xác nguyên nhân để có giải pháp kịp thời. Đồng thời, các đơn vị tăng cường truyền thông để người dân nắm tình hình dịch bệnh, hiểu đúng hiệu quả của việc tiêm chủng và đưa con em đi tiêm đầy đủ.
Qua báo cáo của các địa phương, bà Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý việc có nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đủ mũi. Sở y tế các tỉnh, thành cần tiếp tục phối hợp với sở GD-ĐT rà soát tiêm chủng ở các trường học; mở rộng, rà soát thêm các đối tượng tiêm chủng trong vùng, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa hoặc di cư.
Bà cũng yêu cầu Cục Y tế dự phòng khẩn trương hoàn thiện và trình, ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025. Kế hoạch này phải có sớm để các địa phương chủ động, lên phương án phòng, chống dịch, không để xảy ra tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động bố trí kinh phí mua sắm vắc xin tiêm chủng. Nếu có khó khăn, không bố trí được ngân sách, các địa phương cần liên hệ sớm với Bộ Y tế để có thể được xem xét hỗ trợ từ các nguồn tài trợ.
Huyền Anh