edf40wrjww2tblPage:Content
Trẻ bị mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy
Nhiều trẻ phải thở oxy
8g sáng 11/2, trước phòng 101 của Khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM có đến ba bác sĩ (BS) đang tái khám cho 32 trẻ nằm điều trị nội trú do bệnh sởi. Bé trai Ng.V.T. (19 tháng tuổi, quê Thái Bình tạm trú tại TP.HCM) bị nổi phát ban khắp người, riêng phần lưng nổi ban chi chít, đỏ rực. Bệnh nhi nhập viện trước đó năm ngày, ban đầu chỉ sốt cao, ho, sổ mũi, họng đỏ và hai ngày sau mới nổi ban. Hiện bé T. tiếp tục được điều trị viêm phổi do di chứng của bệnh sởi gây ra.
Chị Lan, người nhà của bé T. sốt ruột nói: “Không phải tôi sợ tác dụng phụ của vắc-xin mà không chích ngừa cho cháu, nhưng đến tháng chích ngừa thì cháu bị bệnh, đến khi hết bệnh tôi lại quên mất”. Khi tái khám bé Tr.Ng.T.V. (ba tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), BS cho biết bé bị sởi nhẹ, nổi ban ít do đã được chích ngừa đầy đủ.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi Đồng 1 khẳng định: Sau nhiều năm chỉ xuất hiện các ca bệnh lẻ tẻ thì bệnh sởi bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 11/2013. Lúc đó, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận một lúc sáu trẻ mắc bệnh. Hiện mỗi ngày, có thêm từ bốn-bảy trẻ nhập viện. Các trẻ mắc bệnh sởi đang nằm ở Khoa Nhiễm đều có triệu chứng sốt cao, biến chứng viêm phổi, viêm tai; đặc biệt có đến sáu trẻ đang phải thở oxy.
Tương tự, tại BV Nhi Đồng 2 đang có 21 trẻ bị bệnh sởi đang điều trị. BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cho biết, những trẻ chích ngừa đầy đủ vắc-xin sởi sẽ khó mắc bệnh; nếu bị bệnh thì chỉ bị rất nhẹ. Và hiện nay ngành y chưa thể xét nghiệm tìm được nồng độ kháng thể của trẻ sau chích ngừa để biết trẻ đó có đủ khả năng không mắc bệnh sởi.
Từ đầu năm đến nay, ở miền Bắc có ba ca mắc sởi tử vong. Theo ghi nhận của chúng tôi tại BV Xanh Pôn (Hà Nội) vào chiều 11/2, số trẻ vào khám sởi tiếp tục tăng từng ngày. Tính đến ngày 11/2, Khoa Nhi tổng hợp, BV Xanh Pôn đã tiếp nhận tổng cộng 124 ca sởi vào điều trị. Qua tiến hành xét nghiệm với 68 mẫu bệnh phẩm, xác định được 33 ca dương tính với sởi. Theo BS Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, trên thực tế số bệnh nhân sởi còn cao hơn nhiều, nhưng qua khám sàng lọc, những trường hợp nhẹ được chỉ định điều trị ngoại trú, trường hợp nặng mới cho nhập viện. Tất cả 124 ca sởi nhập viện tại BV Xanh Pôn đều có biến chứng, trong đó 90% bị biến chứng viêm phổi. 80% là bệnh nhi dưới năm tuổi. Các bệnh nhân này đều chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi trước đó.
Tại BV Nhi Trung ương từ tháng 10/2013 đến nay, ghi nhận hơn 200 bệnh nhi mắc sởi đến khám. Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi có gần 50 ca sởi đang phải nằm viện điều trị. Trong đó, nhiều ca có biến chứng viêm phổi, viêm não. Trong số 50 trẻ bị sởi đang nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương có tới 27 trẻ dưới chín tháng tuổi. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 181 ca sốt phát ban nghi sởi. Hà Nội có khoảng 700.000 trẻ em dưới năm tuổi, trong số này có khoảng 35.000-40.000 trẻ có nguy cơ mắc bệnh sởi.
Trẻ bệnh sởi đang điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy
Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng mắc sởi. Thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho thấy, nếu tháng 12/2013 chỉ có 39 bệnh nhân đến trị bệnh sởi thì tháng 1/2014 lên đến 72 ca. Ngày 11/2, Khoa Nội A có đến 20 bệnh nhân mắc sởi đang nằm điều trị nội trú. Khoa này cũng đang điều trị cho chị Q.N. (31 tuổi, nhân viên Khoa Xét nghiệm, BV Bệnh Nhiệt đới).
Chị N. kể: “Lúc đầu tôi chỉ bị đau họng, ăn không được, tiêu chảy, ói nên nghĩ bị cảm lạnh hoặc do siêu vi. Do đó, người nhà đã cho xông hơi, uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh không hết. Bốn ngày sau thì ban nổi khắp người, mắt đau nhức mới biết mắc bệnh sởi “. BV này cũng đang điều trị cho một bé trai ngụ huyện Cần Giờ mới sáu tháng tuổi (chưa đủ tuổi chích ngừa) đã bị bệnh sởi.
Phụ huynh lo ngại tai biến do vắc-xin
BS Trương Hữu Khanh thẳng thắn: “Dịch bùng phát trở lại, ngoài nguyên nhân trẻ không được chích ngừa do mắc bệnh hoặc phụ huynh e ngại những vụ tử vong liên quan đến vắc-xin, còn do trẻ được chích không đủ liều (trẻ bỏ chích nhắc lại lúc 18 tháng tuổi, lúc năm-sáu tuổi) và do nhân viên tư vấn sai, khuyên phụ huynh trẻ đến 12 tháng tuổi mới chích ngừa”.
BS Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM lý giải: Ở các nước phát triển, do nguồn bệnh sởi không nhiều và dựa vào các nghiên cứu, các nhà sản xuất đã tạo ra vắc-xin sởi dành chích cho trẻ lúc 12 tháng tuổi thì sẽ tạo kháng thể tốt. Tuy nhiên, do tình hình bệnh sởi ở Việt Nam nhiều hơn các nước, khả năng bao phủ vắc-xin chưa nhiều, nhiều trẻ bị sởi trước 12 tháng tuổi nên Tổ chức Y tế Thế giới mới triển khai chích vắc-xin cho trẻ ngay từ lúc chín tháng tuổi. Từ đó chương trình tiêm chủng quốc gia đặt hàng sản xuất vắc-xin cho phù hợp với lứa tuổi. Một BS thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia lo âu: “Chúng tôi triển khai tiêm
vắc-xin xuống tận trạm y tế phường/xã nhưng họ không đưa con đến chích thì không thể quản lý được. Tôi mong Bộ Y tế có biện pháp quản lý các cơ sở tư nhân tuân thủ hướng dẫn rõ ràng trong tiêm chủng và phải có vắc-xin sởi dạng dịch vụ cho phù hợp với tình trạng bệnh ở Việt Nam”.
Theo BS Nguyễn Ngọc Vinh, cách phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là chích vắc-xin ngừa bệnh; còn việc đeo khẩu trang không có tác dụng ngăn phát tán mầm bệnh vì đây là loại siêu vi, lọt qua được các khe của khẩu trang. Ở những gia đình có người mắc bệnh sởi, cần phải cách ly và chích ngừa nhanh chóng. Tuy nhiên, vắc-xin sởi sau hai tuần tiêm chủng mới tạo ra kháng thể.
BS Trương Hữu Khanh cảnh báo: một số bệnh nhi trở nặng do người nhà tự ý điều trị theo kinh nghiệm dân gian. Người nhà thường quan niệm sai lầm khi kiêng gió, kiêng ăn đối với người bị sởi. Bản thân người bệnh sởi rất biếng ăn, dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng nặng, sức đề kháng yếu, khiến bệnh lâu hết. Bệnh sởi khiến nhiệt độ cơ thể tăng, không thoát nhiệt được, nếu bị trùm mền, kín gió khiến trẻ sốt, co giật.
Mai Anh - Văn Thanh