Dịch MERS tiến sát Việt Nam

04/06/2015 - 07:22

PNO - PN - Trước tình hình hội chứng viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona (MERS-CoV) xuất hiện ở Hàn Quốc và Trung Quốc, ngày 2/6, Bộ Y tế đã họp khẩn với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và nông nghiệp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dich MERS  tien sat Viet Nam

Phòng cách ly dành cho bệnh nhân MERS tại Trung tâm Y tế Quốc gia ở Seoul ngày 1/6 - Nguồn: AFP

Bệnh lây nhiễm từ lạc đà

PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, MERS là dịch bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Không chỉ dừng lại ở khu vực Trung Đông, nơi có tới 85% số ca bệnh, MERS đã xuất hiện ở Trung Quốc hồi tháng Năm và đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, vi-rút gây bệnh hiện chưa có biến thể, minh chứng là các chùm ca bệnh chủ yếu tập trung trong các cơ sở y tế, lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình mà chưa lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ và bùng phát thành đại dịch. Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, hiện trên thế giới đã có 1.167 ca mắc bệnh, 479 người tử vong tại 26 quốc gia.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, các nhà khoa học hiện chưa có hiểu biết đầy đủ về MERS, song qua phân tích gen, vi-rút này có nguồn gốc từ dơi và ổ chứa là lạc đà. Những người tiếp xúc gần với nguồn nhiễm vi-rút hay ăn thịt lạc đà, sử dụng các sản phẩm từ lạc đà đều có nguy cơ lây nhiễm cao. Thời gian ủ bệnh thường từ 2-14 ngày.

Điều khiến các chuyên gia y tế lo lắng là khó có thể nhận biết bệnh nhân nhiễm MERS do triệu chứng lâm sàng của bệnh gồm ho, sốt cao, giống các bệnh viêm đường hô hấp khác. Hơn nữa, trên thế giới hiện vẫn chưa có vắc-xin hay thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này.

Tăng cường giám sát tại cửa khẩu

Trước diễn biến bệnh tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo lắng: “Hoạt động giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc diễn ra thường xuyên nên việc xâm nhập bệnh vào Việt Nam là hoàn toàn có thể”.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm soát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên nếu bệnh xâm nhập vào Việt Nam để khống chế kịp thời. Việc giám sát tại các cửa khẩu cần được tăng cường bằng cách kiểm tra đồng bộ, đo thân nhiệt hành khách. Việc kê tờ khai y tế được lập tức triển khai tại các sân bay đối với các hành khách đến từ Hàn Quốc và Bahrain - nơi có diễn biến dịch MERS phức tạp.

Tại các cơ sở y tế, khi bệnh nhân có triệu chứng cảm cúm, các bác sĩ cần khai thác tiền sử bệnh nhân, xem xét các bệnh nhân này có tiếp xúc hay đi qua vùng dịch hay không. Đồng thời phải giám sát chặt chẽ các trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng. Người bệnh khi có dấu hiệu ho, sốt, cần chủ động cung cấp thông tin với y bác sĩ để tránh lây lan ra cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo: “Người dân nên hạn chế đi du lịch, công tác tại các quốc gia có dịch. Với các hành khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc, phải có biển thông báo lớn ở sân bay để yêu cầu khai báo”.

Tại cuộc họp, Cục Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, sẽ có văn bản gửi tới các doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Trung Đông để khuyến cáo về tình hình dịch bệnh. Được biết, Việt Nam có khoảng hơn 20 ngàn lao động tại khu vực này.

Về vấn đề lây nhiễm vi-rút từ lạc đà, ông Đàm Xuân Thành - Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) khẳng định, Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu các sản phẩm từ lạc đà như thịt, sữa. Cục sẽ thông tin rộng rãi, nghiêm cấm việc xách tay các sản phẩm này về Việt Nam.

H.ANH

7 biện pháp phòng chống dịch

Văn phòng Đáp ứng tình trạng khẩn cấp (EOC), Cục Y tế dự phòng vừa ra văn bản khuyến cáo tới người dân các biện pháp để chủ động phòng chống dịch bệnh MERS:

1. Hạn chế đi tới các quốc gia đang có dịch bệnh tại khu vực Trung Đông khi không cần thiết. Trước khi đi du lịch cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

2. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

5. Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi, nếu đã tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng.

6. Những người trở về từ khu vực Trung Đông, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38°C, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm MERS.

7. Thường xuyên cập nhật thông tin và cách phòng chống dịch bệnh MERS của Bộ Y tế trên website:

http://vncdc.gov.vn và các thông tin chính thống khác.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI