Dịch kéo dài, học sinh cũng bất ổn tinh thần

28/09/2021 - 06:04

PNO - Trong bối cảnh dịch giã kéo dài nhiều tháng liền, áp lực phải ở trong bốn bức tường và học online (trực tuyến), thiếu tương tác với bạn bè, thầy cô khiến học sinh dễ rơi vào trạng thái stress (căng thẳng).

Đừng nghĩ trẻ không stress

Tiến sĩ Phạm Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục sức khỏe và Tâm lý y học, Trường đại học Y Dược TP.HCM; Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thông tin, việc đóng cửa do dịch tạo ra cảm giác sợ hãi, bất lực, lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi người theo cách chưa từng có. So với người lớn, đại dịch có thể tiếp tục gây ra những hậu quả bất lợi lâu dài hơn đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Trong đó trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần; trẻ kém may mắn về kinh tế; trẻ bị tác động do cách ly và tách biệt với cha mẹ là những đối tượng chịu nhiều tác động nhất. Với những em đã có sẵn sự tổn thương thì sẽ rất dễ suy sụp.

Xã hội vẫn quan niệm chỉ có người lớn đối mặt với những khó khăn về tài chính, áp lực công việc mới chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, còn trẻ em chỉ có học và chơi sẽ ít gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Trong khi thực tế lại khác, đối tượng này còn gặp nhiều tổn thương khó giãi bày, khó được thấu cảm và chữa lành hơn. Nhất là trong bối cảnh học online, các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng internet, mạng xã hội càng gia tăng khiến trẻ có xu hướng bắt buộc sử dụng internet, dễ tăng nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến hoặc bị lạm dụng. 

Đừng bỏ quên cảm xúc người học trong đại dịch - ẢNH: PHÚC TRẦN
Đừng bỏ quên cảm xúc người học trong đại dịch - ẢNH: PHÚC TRẦN

Đó là chưa kể, có rất nhiều học sinh đang sống trong những gia đình không hạnh phúc, vốn đã chịu nhiều tổn thương. Lúc này, thầy cô, bạn bè đều ở xa, không thể ở bên cạnh đồng hành, chia sẻ, chỉ có thể tranh thủ những buổi cô không bận dạy, trò không bận học online để trò chuyện và lắng nghe cảm xúc của các em. 

Thông tin tại hội nghị trực tuyến “Chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ em bị tác động từ dịch COVID-19” do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức mới đây, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Lê An, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bác sĩ gia đình Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng cần lưu ý nhiều hơn trong việc chăm sóc trẻ em bị mất người thân do dịch COVID-19. Con số này trong đại dịch không hề nhỏ và các em phải chịu tổn thương quá lớn. Mỗi trường hợp phải cần đến những cách tiếp cận khác nhau, thời gian tiếp cận khác nhau, đòi hỏi thầy cô phải có kiến thức về sức khỏe tâm thần, sự đầu tư, đi sát, đeo đuổi về cả thời gian, cảm xúc và sự chăm sóc. Sự can thiệp kịp thời của giáo viên sẽ giúp các em bớt tổn thương. 

Cần sự can thiệp kịp thời

Theo tiến sĩ Phạm Phương Thảo, để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ, nhất là trong đại dịch, giáo viên cần giúp cha mẹ tương tác một cách có xây dựng với trẻ như trao đổi về dịch, giáo dục trẻ về thói quen vệ sinh và giãn cách xã hội, tham gia vào các hoạt động vui chơi sáng tạo trong nhà, hiểu về trách nhiệm xã hội của bản thân… 

Giai đoạn này, cách tiếp cận của giáo viên với học sinh cần phải thay đổi thông qua phụ huynh, để phụ huynh hiểu những khó khăn của trẻ khi học tập trong môi trường tại nhà, từ đó có sự thấu hiểu và đồng hành. Trong đó, chú ý đến những trẻ kém may mắn, khó khăn hoặc không có điều kiện học trực tuyến, đảm bảo các em được tiếp cận việc học và giáo dục kỹ năng sống. Với những đứa trẻ xem nhà không phải mái ấm, thầy cô cần đồng hành giúp học sinh biết thương yêu bản thân. Có thể chỉ cần lắng nghe các em khóc, để các em biết rằng khi mình cần luôn có người kế bên.

Để chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ thì phải “kéo” cha mẹ vào cuộc, nhất là thời điểm trẻ ở nhà 24/24 như hiện nay. Cha mẹ cũng cần được tham vấn về vai trò của mình đối với sức khỏe tâm thần của con trẻ. Môi trường gia đình an toàn mà cha mẹ cung cấp là rào chắn bảo vệ trẻ mạnh mẽ nhất trong đại dịch. Biện pháp ứng phó và thực hành của cha mẹ trong đại dịch sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch và kể cả sau đó. 

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết, lãnh đạo các trường phải nắm bắt tâm lý học sinh, nhu cầu nguyện vọng của giáo viên để báo cáo, đề xuất giúp sở kịp thời trình thành phố có chế độ chính sách phù hợp cho giáo viên, học sinh, nhất là học sinh chịu nhiều tổn thương trong dịch COVID-19.

“Với tình hình hiện nay, các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện; hiệu trưởng các trường cần chỉ đạo, kiện toàn đội ngũ tổ tư vấn tâm lý để giúp học sinh vượt qua những sang chấn tâm lý, những khó khăn mà các em có thể gặp khi giãn cách, cách ly, khi là F0 hay khi học trực tuyến tại nhà, xa hơn là khi đi học trực tiếp trở lại”, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh. 

Thanh Thanh - Đỗ Đỗ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI