“Dịch giã thế này, đi đâu?”

06/08/2021 - 16:52

PNO - Mùa dịch căng thẳng, anh chị vẫn ngồi yên trong nhà và chỉ ra cửa lúc thật cần thiết đó thôi. Giữ cho mình cũng là giữ cho người. Và những việc chị làm, thật may có anh ủng hộ, chung tay.

Đó là câu chồng chị hay dùng, kèm cái nhăn mặt và với âm điệu hơi cao khi thấy chị nháo nhác trước cửa. Anh nói, đang mùa dịch thế này, mọi người phải ở trong nhà, đồ ăn thì có gì ăn nấy, không thì muối mè cả tuần cũng đâu có sao, càng có cơ hội giảm cân. 

Nhưng chị lại nghĩ khác anh. Anh có con tr​​ai để cùng cày game, cùng học tiếng Anh, vi tính… hai cha con hợp tính nhau nên làm gì cũng dễ. Nhà ba người, chị bị thừa ra, ngoài cái bếp, chị đâu có gì để làm, coi ti vi hoài cũng chán.

Nên khi có người trong chung cư đề nghị quyên góp nấu cháo gửi vào các bệnh viện dã chiến hay cho những chốt trực, chị xung phong một chân nấu cháo. 

Cái nồi to đùng và bao gạo đã được chuyển đến trước cửa nhà chị. Mỗi sáng chị sẽ nhận được bịch rau củ, thịt xương tươi rói. Gần trưa, khi cháo nấu xong, chị mang ra cửa khi có mấy tiếng gõ cửa làm… ám hiệu. Sẽ có người mang đi, chia phần, đóng hộp và phân phát.

Mùa dịch căng thẳng, anh chị vẫn ngồi yên trong nhà và chỉ ra cửa lúc thật cần thiết. Giữ cho mình cũng là giữ cho người. Và những việc chị làm, thật may có anh ủng hộ, chung tay.
Mùa dịch căng thẳng, anh chị vẫn ngồi yên trong nhà và chỉ ra cửa lúc thật cần thiết. Giữ cho mình cũng là giữ cho người. Và những việc chị làm, thật may có anh ủng hộ, chung tay.

Chị kỹ lắm, nấu cho người phải kỹ hơn cho mình. Cháo này có thể dành cho người bệnh, người mệt mỏi không ăn nổi cơm. Chị cẩn thận rang gạo rồi mới nấu. Nồi cháo ngoài xương còn có thịt bằm, cà rốt, khoai tây cắt nhỏ. Có hôm còn thêm nấm…

Ngoài nấu cháo, chị còn có tay muối dưa. Chị muối thêm mấy hũ dưa gửi xuống, dưa cải, dưa bắp cải, gỏi dưa leo… được đóng vào những bịch nhỏ xinh, ăn thêm với cháo hẳn dễ ăn, nhất là với những người nhạt miệng.

Anh thấy chị vất vả, ngày đêm lách cách cũng không can ngăn gì. Làm được gì cho ai thì làm, giúp được ai thì giúp, anh có cấm cản khó khăn gì. Nhưng anh chỉ muốn chị ở yên trong nhà.

Những người tình nguyện, có người nay bận chút công chuyện nhà, người thấy không khỏe, người đứt tay lúc bào rau củ… nên mỗi ngày đều có lời nhắn cần thêm người phụ để những phần cháo nóng sớm được đưa đến tay người nhận.

Nghe vậy là chị nhao nhao đòi đi. Anh phải làm dữ chị mới chịu ngồi ở nhà. Chị ngồi nhà mà có vẻ không phục, mặt bí xị vì gần hai tháng nay chị không được ra khỏi nhà rồi. 

Nói anh ích kỷ cũng được. Anh không muốn chị ra đường, dù biết chị tù chân tù cẳng, vì chị có một mớ bệnh trong người, lỡ ra nhiễm bệnh, cha con anh sẽ ra sao? Mọi người đều biết chuyện chị mà, có ai trách đâu? 

Nhưng chị “ngoan” không lâu, dần dà chị quay qua cãi anh. Chị nói anh có biết để nấu nồi cháo cần bao nhiêu thời gian, bao nhiêu người đóng góp công sức, vật lực không? Anh thấy nồi cháo ngon lành thế nào, nhưng khi đưa đến tay người dùng đã lạnh tanh thì còn ý nghĩa gì?

Nghe chị cãi, anh có chút… choáng váng. Đó giờ chị luôn hiền lành, chăm chồng chăm con chu đáo. Nay bỗng đâu chị nổi xung khiến anh kinh ngạc. Và trong lúc xúc động, anh cũng cao giọng: “Vậy thì để anh đi. Anh múc cháo vụng về thì dán niêm phong miệng ly chắc được chứ. Vụng nữa thì anh phụ rửa nồi niêu. Còn em, cứ phải ở yên đó!”.

Và anh thay quần áo, đeo khẩu trang, bao tay, đeo kính chống giọt bắn, xách theo bình nước rửa tay rồi xuống dưới.
Không biết bị lây không khí của mọi người hay sao mà hôm sau anh nói con đọc sách trước, anh ra phụ chị gọt cà rốt, nhặt hành ngò. Đến giờ hẹn, anh đã thay quần áo xong, cùng khiêng nồi cháo ra cửa thang máy.

Những bữa cơm của nhà anh chị dạo này muộn hơn, do anh về trễ. Chị nghe mấy người nói chồng chị có chút vụng về nhưng nhiệt tình, chẳng nề hà gì. Ban đầu lóng ngóng nhưng mấy ngày sau trơn tru hẳn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người ta còn mách là anh nói xấu chị. Anh nói: “Vợ em xấu người nhưng khéo léo, em mê mấy hũ dưa cà của bả”. Anh còn nhiệt tình mời, khi nào thích ăn dưa chua cứ lên nhà là có. Hoặc mua dưa về nhờ “bả” muối cũng được. 

Chị nghe mà vui. Mùa dịch căng thẳng, anh chị vẫn ngồi yên trong nhà và chỉ ra cửa lúc thật cần thiết đó thôi. Giữ cho mình cũng là giữ cho người. Và những việc chị làm, thật may có anh ủng hộ, chung tay.

Lúc anh chị ở trong nhà với mâm cơm nóng và cái giường êm cùng những giấc thẳng thì bao nhiêu người cả tháng nay chưa về nhà, cả tháng nay chưa có giấc ngủ sâu nào, và chắc hẳn họ đang thèm lắm được ngồi quây quần bên gia đình.

Tắm xong, anh ngồi vào bàn ăn. Con trai bỗng nói dạo này ba về trễ hoài, vậy mà hôm trước ba la mẹ… Chị tủm tỉm cười, anh nhìn con, hình như anh ngượng ngùng… 

Thái Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI