Dịch giả Quế Sơn: "Lụa" là những nỗi niềm sâu thẳm, không nói nên lời…

18/03/2021 - 14:35

PNO - Tiểu thuyết "Lụa" của nhà văn Alessandro Baricco được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam lần đầu năm 2000. Tác phẩm này từng tạo cảm hứng cho nhà soạn nhạc Yves Prin viết vở opéra Soie (Lụa, 2010), và đạo diễn điện ảnh François Girard (Canada) dựng thành phim "Silk" (Lụa, 2007).

Tại Việt Nam, nhạc sĩ Quốc Bảo cũng sáng tạo vở thanh xướng kịch (oratorio) mang tên Lụa, trình diễn vào năm 2013. Và sau hai thập niên, tác phẩm đã trở lại với bản dịch trọn vẹn như nguyên tác, do Phanbook và nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Người gắn bó với bản dịch Lụa trong suốt 20 năm qua là dịch giả Quế Sơn. 

Dịch giả Quế Sơn - người đã  gắn bó với Lụa suốt hai thập kỷ Ảnh nhân vật cung cấp
Dịch giả Quế Sơn - người đã gắn bó với Lụa suốt hai thập kỷ. Ảnh nhân vật cung cấp

Phóng viên: 20 năm trước, khi lần đầu tiếp cận bản thảo Lụa, tâm trạng của ông thế nào? Và bây giờ, được dịch trọn vẹn đúng nguyên tác, cảm giác của ông ra sao?

Dịch giả Quế Sơn: Việc dịch Lụa của tôi hơn 20 năm trước bắt đầu từ chuyện yêu thích, và tự nguyện làm. Khi đó tôi dịch mà không hề biết ai sẽ ấn hành nó, không có trước một hợp đồng với nhà xuất bản nào cả, vì thế tôi dịch trong tâm thế rất thoải mái, không có áp lực nào. Cũng xin nói cho chính xác là lần này tôi không “dịch lại”, mà chỉ đối chiếu, rà soát bản dịch cũ với bản tiếng Ý năm 2013 rồi chỉnh sửa kỹ lưỡng.

Ấn bản cũ có số phận hẩm hiu cho tới khi tuyệt bản, và nó cũng theo dòng đời mà tự nhiên chìm vào quên lãng. Không ngờ 20 năm sau, Lụa lại ra mắt bạn đọc lần nữa, một cách tươm tất và toàn vẹn. 20 năm là thời gian rất dài trong một đời người, làm sao tôi không thể không vui mừng?

Tôi yêu thích Lụa vì nó có những phẩm chất mà độc giả có thể cảm nhận theo cách riêng của mỗi người. Tác phẩm mở ra nhiều cảnh trí, khơi gợi nhiều chủ đề, tô điểm nhiều sắc thái mà vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn. 

* Điều bất ngờ với người đọc trong bản dịch mới này là bức thư của Hélène đã được chuyển ngữ trọn vẹn. Và có lẽ đó mới chính là điều đẹp đẽ (lẫn đau đớn) đến cuối cùng của một câu chuyện?

- Tôi nghĩ không hẳn thế. Bức thư đó trong ấn bản cũ bị cắt xén, điều này cũng được nói minh bạch cho độc giả biết trong phần Lời giới thiệu: “Vì lý do thuần phong mỹ tục, Nhà xuất bản Trẻ đã lược bỏ bớt những chỗ quá đáng trong bảy trang thư này”. Những chỗ cắt đó giờ được tái lập đầy đủ, và tôi chỉ đổi một vài từ.   

* Nếu so với những tác phẩm khác ông từng chuyển ngữ, thì điều gì từ Lụa thử thách người dịch nhất?

- Chuyển ngữ cuốn sách nào cũng có những khó khăn, trở ngại riêng. Với Lụa, thử thách lớn nhất đối với tôi đến từ lối viết độc đáo của tác giả, như nhà văn Hải Miên nhận xét: “Với Lụa, thế giới không vinh danh một mối tình tay ba làm tan nát cõi lòng, mà thế giới vinh danh một thành tựu về văn phong, thứ văn phong lạ lẫm, giàu nhạc tính, tinh tế, mơ hồ và mờ ảo, vô cùng đặc sắc, chỉ xuất hiện cùng với Baricco…” .

* Năm 2007, tiểu thuyết Lụa được chuyển thể thành phim nhưng không chuyển tải hết được thông điệp, ý nghĩa mà tác phẩm muốn gửi gắm. Theo ông, điều gì khiến Lụa có một sức nặng đặc biệt - mà có lẽ các loại hình nghệ thuật khác khó thể chuyển tải hết những giá trị?  

- Sự tương quan giữa văn học và điện ảnh là một vấn đề lớn, được bàn cãi nhiều, khó mà nói vắn tắt. Phim Lụa của đạo diễn Girard đã thất bại, theo giới phê bình quốc tế, vì nhiều lý do, trong đó có việc chọn sai diễn viên nam chính để gánh vác câu chuyện từ đầu đến cuối, kịch bản nhiều chỗ lỏng lẻo, mù mờ, nhịp phim phần lớn uể oải, gây chán, nên dù có nhiều hình ảnh đẹp cũng không thể cứu vãn được. Sự thất bại này rõ ràng đến từ đạo diễn, không phải từ ngôn ngữ điện ảnh.

Nhiều danh tác văn học một thời tưởng chừng không thể chuyển thể được, như Đi tìm thời gian đã mất (M. Proust), Cái trống thiếc (G. Grass) hay Chết ở Venice (T.Mann)… Vậy mà cuối cùng vẫn trở thành những tác phẩm điện ảnh quan trọng, với các đạo diễn tên tuổi Raoul Ruiz, Volker Schlondorff, Luchino Visconti.

“Tất cả những câu chuyện đều có âm nhạc riêng. Chuyện này có âm nhạc trắng” - nhà văn Alessandro Baricco đã thổ lộ như vậy. Âm nhạc trắng - đó là cái phần im lặng ngoài lời, phần vô ngôn và vô thanh, “không có tên gọi thật” mà Baricco cố tình để mỗi độc giả tự cảm nhận. Tôi nghĩ những nỗi niềm sâu thẳm, không nói nên lời, không có tên gọi đó, ngôn ngữ điện ảnh vẫn có thể chuyển tải được nếu người “điều khiển” ngôn ngữ này đứng ở tầm cỡ khác.

* Xin cảm ơn ông. 

Lục Diệp (thực hiện)


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI