Rời Nhật Bản về nước, từ bỏ tương lai sáng sủa theo quan điểm của nhiều người để đi bán sách rong và truyền cảm hứng về văn hóa đọc, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, dịch giả Nguyễn Quốc Vương có nhiều cơ hội sống trải trong một nền văn hóa đọc hãy còn manh nha như ở Việt Nam.
“Bắt cóc” anh trong những ngày anh quần quật đi nói chuyện về sách, cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu từ việc ở Nhật, báo in vẫn sống tốt, ngày ra ba số, mỗi số phát hành triệu bản và mỗi năm, học sinh Nhật mượn qua thư viện công khoảng 200-300 triệu bản sách. Nguyễn Quốc Vương nói: Sở dĩ như vậy vì người Nhật có một nền tảng văn hóa đọc vững.
Gầy dựng văn hóa đọc bây giờ là lội ngược dòng nước
Phóng viên: Ở Nhật, người ta gầy dựng điều đó ra sao, thưa anh?
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Nhật Bản là nước có nền kinh tế công thương phát triển sớm. Người kinh doanh cần năng lực đọc, viết và tính toán; do vậy, việc đọc đối với họ là chuyện sống còn. Các trường hoặc các gia đình có điều kiện muốn con buôn bán giỏi hoặc gia nhập tầng lớp thượng lưu lựa chọn giáo dục con bằng việc đọc sách. Sách rất gần gũi trong các sinh hoạt hằng ngày của người Nhật. Từ thế kỷ XVI-XVIII, ở Nhật đã có lực lượng thị dân coi sách là hàng hóa. Họ bỏ tiền ra mua sách về thường xuyên để giải trí và để học. Đa số các gia đình đều có thư viện riêng.
Số liệu về văn hóa đọc của học sinh Nhật hiện nay tương đối khả quan. Tỷ lệ các trường có giờ đọc sách đầu tuần, đầu buổi sáng ở tiểu học gần đạt 100%. Mỗi năm, học sinh Nhật mượn qua thư viện công khoảng 200-300 triệu bản sách. Đọc sách cho trẻ dưới sáu tuổi trở thành nhận thức thường thức của toàn dân. Trường mầm non nào cũng coi việc này là đương nhiên. Tuy nhiên, họ vẫn đẩy mạnh văn hóa đọc vì cảm nhận rõ áp lực của văn hóa nghe nhìn. Ở Nhật cũng có cả trăm tổ chức khuyến đọc và phát triển văn hóa đọc có pháp nhân độc lập trong đó có những tổ chức khổng lồ với mạng lưới toàn quốc như Hiệp hội thư viện trường học, Liên minh chấn hưng văn hóa đọc…
* Việt Nam thì sao?
- Việt Nam đi lên từ một nền xã hội thuở ban đầu chỉ có nông dân và nho sĩ. Một bộ phận nho sĩ thuộc tầng lớp trên có đọc sách nhưng là sách thánh hiền, đọc sách để đi thi, tầng lớp ấy cũng rất nhỏ. Còn lại, đại đa số nông dân xa lạ với sinh hoạt chữ viết, sinh hoạt văn hóa đọc. Pháp xâm lược Việt Nam đồng thời cũng mang theo một cơn gió mới về văn hóa, song, điều đó chỉ diễn ra hầu hết ở các đô thị nhỏ. Thời điểm đó, Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng một nền văn hóa đọc tốt. Chúng ta cũng chớp lấy thời cơ để phát triển văn hóa đọc nhưng bất thành.
Bởi lẽ, mang tiếng là sang Việt Nam khai hóa văn minh nhưng chính quyền thực dân lại ra sức tịch thu và cấm người Việt đọc sách. Trong khi đó, tầng lớp thị dân, lực lượng công chức nhỏ, yếu, manh mún. Tôi nghĩ, Việt Nam đã mất cơ hội ở giai đoạn tốt nhất - 30 năm đầu thế kỷ XX - để phát triển văn hóa đọc để khi công nghệ vào, chúng ta giống như người khổng lồ trên đất sét. Rồi sau đó, chiến tranh, mưu sinh, kinh tế thị trường, giáo dục, thi cử, bằng cấp cuốn cả xã hội theo, quên mất câu chuyện văn hóa đọc. Đó là điều đáng tiếc.
|
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương bán sách rong ngay dưới một khu chung cư |
* Tôi tưởng, lúc nào cũng có thể gầy dựng văn hóa đọc?
- Pháp và Nhật đều có một giai đoạn cận đại đầu thế kỷ XX phát triển văn hóa đọc rất tốt. Nhờ nền tảng đó, khi công nghệ vào, văn hóa đọc của họ không chết được. Trong những năm gần đây, chúng ta đã nỗ lực rất lớn để xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhưng cần phải nỗ lực gấp nhiều lần hơn nữa nếu không văn hóa đọc sẽ chết bởi văn hóa nghe nhìn. Đây là thời của văn hóa nghe nhìn, thiên về giải trí. Muốn có nền tảng vững, có chiều sâu thì phải là văn hóa đọc. Chúng ta hình như đang lội ngược dòng nước. Chúng ta phải ý thức rất cao, nỗ lực rất lớn may ra mới có thể cải thiện tình hình.
Văn hóa đọc là một trong những trụ cột của đổi mới giáo dục
* Trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân mới đây, anh có gửi ba kỳ vọng đến tân bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có việc xây dựng văn hóa đọc. Vì sao lại là văn hóa đọc?
- Ở ta, mọi người thường quan niệm học sinh đến trường chỉ để học. Chữ “học” được hiểu một cách rất hẹp: học nội dung trong chương trình, sách giáo khoa, thi đỗ là xong. Thực ra, chữ “học” rất rộng. Ngoài học kiến thức trong nhà trường, học sinh còn phải được chơi, được kết bạn, tương tác với giáo viên, hưởng thụ không khí văn hóa xung quanh. Vậy mà nhìn đi nhìn lại, trường học Việt Nam hầu hết đều như các trung tâm luyện thi, trong khi hệ thống thư viện trong nhà trường thì “chết lâm sàng”.
|
“Văn hóa đọc không phải là câu chuyện mang tính thời điểm của tháng Tư” |
Trong luật giáo dục Nhật có ghi rất rõ, đại ý văn hóa đọc là nền tảng cơ bản nhất của con người có văn hóa và giáo dục; thiếu nó, xem như bạn không biết cách học. Nếu trường học không có thư viện hoạt động tốt, nếu đất nước có một hệ thống thư viện không hoạt động, nghĩa là văn hóa có vấn đề.
* Ý anh muốn nói văn hóa đọc là cốt lõi của đổi mới giáo dục?
- Là một trong những trụ cột cơ bản nhất. Chúng ta cải cách gì đi nữa mà giáo viên lẫn học sinh không đọc sách, thì làm sao có thể có dữ liệu để suy ngẫm, lựa chọn? Khi chỉ có một lựa chọn, ta không cần suy nghĩ. Người ta chỉ suy nghĩ và có tư duy phản biện khi có hai sự lựa chọn trở lên. Cho nên, giáo viên giỏi không chỉ biết dạy đúng - sai đơn thuần mà còn phải cung cấp cho học sinh nhiều lựa chọn, nhiều thông tin để học sinh suy ngẫm và đưa ra phán đoán thông qua thảo luận và tranh luận.
Nếu để ý sẽ thấy học sinh Việt Nam thông minh, nhanh nhẹn, có thể giải được một đề bài rất giỏi, nhưng khi biến những hiểu biết thành một sản phẩm hoặc phải giải quyết một vấn đề thực tiễn thì lại lúng túng.
|
Khuyến đọc ngay từ gia đình, Nguyễn Quốc Vương nói, nếu bố mẹ đọc sách, tự nhiên, con cái cũng ảnh hưởng theo |
* Ngoài văn hóa đọc, anh cũng kêu gọi chấn hưng giáo dục nghệ thuật và thể dục - thể thao trong nhà trường?
- Mọi cải cách, đổi mới giáo dục đều phải hướng đến việc xây dựng nên một con người lành mạnh. Không chỉ có kiến thức, mà còn có sức khỏe và tâm hồn. Nếu không có nền tảng, không có văn hóa - nghệ thuật, không có triết học, văn chương… việc học hết phổ thông chỉ giống như một cuộc trả bài. Dẫn đến việc, khi học hết phổ thông, học sinh Việt không đi xa được; càng lên cao, càng đuối.
Tôi biết rất nhiều gia đình có điều kiện chỉ cho con học tiếng Anh, toán hoặc một số môn thi nhưng quên mất, kể cả những bộ môn có vẻ thời thượng đó, cũng cần cảm xúc, động lực, triết lý dẫn đường. Những điều đó lại đến từ trải nghiệm cuộc sống, văn chương, nghệ thuật, suy nghiệm sâu sắc trong tư duy. Các nhà khoa học lớn trên thế giới đều là những người rất yêu văn chương, có nền tảng văn hóa đọc rất tốt.
* Phải chăng điều đó bắt nguồn từ sự thực dụng trong tư duy của đa số người Việt?
- Là cách nói nhẹ cho một chữ khác: “thiển cận”. Chúng ta chỉ nhìn thấy những lợi ích ngắn hạn có thể thấy được và lượng hóa được bằng những con số mà quên mất giá trị nằm trong một hệ sinh thái của giá trị mô hình.
Không có sự đọc, không có sự suy ngẫm, cứ sống bằng chủ nghĩa kinh nghiệm thì thật nguy bởi dễ bị đánh lừa bởi chính mình.
Văn hóa đọc không phải là câu chuyện mang tính thời điểm
* Tháng Tư là tháng sách. Ở đâu, người ta cũng nói/bàn về văn hóa đọc. Theo quan sát của anh, phong trào văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay ra sao?
- Đó là những mảng màu đan xen. Có nơi, người ta tổ chức tốt. Ngược lại, có nơi, vì áp lực từ nhiều phía, cũng bắt tay làm văn hóa đọc nhưng vì không có nền tảng nên rơi vào chủ nghĩa hình thức, làm cho có.
Tôi cho rằng văn hóa đọc không phải là câu chuyện mang tính thời điểm của tháng Tư, mà phải là việc hằng ngày ở mỗi gia đình, mỗi trường học, mỗi cơ quan, mỗi đất nước. Với hiện trạng văn hóa đọc ở Việt Nam, chỉ còn cách thay đổi dần dần. Bước đầu, có thể mang tính cưỡng chế; lâu dần tạo thành thói quen. Theo cảm nhận của tôi, mấy năm trở lại đây, tình hình đã có những thay đổi khá tích cực.
* Anh từng bỏ thời gian để đi điền dã hệ thống thư viện địa phương. Anh thu được những gì?
- Nhìn chung, hệ thống thư viện công là một thách thức lớn cho công cuộc gầy dựng lại văn hóa đọc. Hoạt động thư viện yếu, thiếu người quản lý; nếu có, quản lý cũng chưa đủ tầm, đủ tâm, không hiểu biết về sách.
Thực ra, xây một thư viện chất lượng cao không khó, vấn đề là độc giả có đến đọc không, có làm hoạt động khuyến học định kỳ không, có những biện pháp để độc giả coi đó là một không gian hoạt động, chia sẻ không?
Chưa kể, có những thư viện công được rót kinh phí để mua sách. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý tài chính, người ta thích mua những cuốn sách chiết khấu cao, dẫn đến mua toàn sách rác (sách kém chất lượng, sách không có bản quyền hoặc sách lậu). Chất lượng sách thư viện thấp, lộn xộn.
Hệ thống thư viện ở trường học cũng thế. Khi đi tìm trường học cho con mình, tôi chủ yếu được người ta giới thiệu chương trình Tây, chương trình Mỹ, ngoại ngữ này, trải nghiệm nọ… Tôi vào thư viện nhà trường thì thấy sách vở lèo tèo, tổng số sách chưa bằng 1/3 số lượng sách ở nhà mình, lại toàn sách luyện thi, giải bài tập, sách tham khảo…
|
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương trong một lần giao lưu với phạm nhân về văn hóa đọc |
* Theo một thống kê gần đây, mỗi người Việt trung bình đọc 1,4 cuốn sách/năm. Anh nói gì về con số đó?
- Cách tính đó dựa vào số sách nộp lưu chiểu trong năm/tổng dân số nhưng có phải cuốn nào ra, người dân cũng đọc đâu. Riêng sách giáo khoa, đã in mấy chục triệu bản rồi. Nếu điều tra thực tế, chắc con số còn thấp hơn nữa.
Muốn lượng hóa để làm chính sách, những người làm công tác khuyến đọc cần làm điều tra xã hội học bằng nhiều phương pháp khác nhau; may ra, chúng ta mới có một con số khách quan.
* Xu hướng đọc diễn ra như thế nào trong những năm qua?
- Về cơ bản, phân thành các độ tuổi. Ví dụ, với các bạn trẻ, có một nhóm nhỏ đọc sách kinh điển, nhóm lớn hơn thì đọc sách kỹ năng sống, sách dạy làm giàu, dạy thành công… Nói chung, những cuốn sách đòi hỏi phải có nền tảng mới đọc được chiếm một con số ít ỏi.
Tôi từng tìm hiểu những sách bán chạy ở Nhật từ năm 1876 tới nay để thấy người Nhật đọc gì. Sách nhảm cũng nhiều; truyện tranh, xàm xí… cũng nhiều, nhưng cũng có những sách bán chạy mà ở Việt Nam chắc chỉ bán được vài trăm bản. Điều đó chứng tỏ, nhu cầu đọc của người dân Nhật rất đa dạng. Trong khi đó ở Việt Nam, việc đọc vẫn bị mặc định là một việc thuộc tầng lớp trên.
* Ở các nước, có những chính sách nào để phát triển văn hóa đọc, thưa anh?
- Ví dụ ở Nhật, có năm bộ luật khuyến đọc: Luật khuyến khích hoạt động đọc sách cho trẻ em, luật chấn hưng văn hóa đọc, luật thư viện trường học, luật thư viện. Ngoài ra, còn có chính sách khuyến đọc quốc gia 5 năm công bố một lần, từ đó, các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc ở cấp mình… Còn xét ở bình diện vi mô, họ có nhiều cách để kích thích sự đọc. Chẳng hạn, những đứa trẻ được ba tháng tuổi, khi đi khám sức khỏe lần đầu, bố mẹ sẽ được nhận hộ cháu một cuốn sách đầu đời.
* Nhưng sự đọc là một nhu cầu tự thân; nếu luật hóa, liệu có mang tính ép buộc?
- Nhìn từ phạm vi hẹp là vậy nhưng con người là giống loài bị ảnh hưởng, tác động bởi các mối quan hệ trong xã hội. Trách nhiệm của nhà nước và đoàn thể là tạo ra môi trường tốt nhất để người dân phát triển văn hóa đọc; để những người có ý thức cá nhân tốt, trong môi trường tốt trở nên tốt hơn nữa; còn những người chưa có điều kiện thì trong môi trường tốt sẽ bị tác động, ảnh hưởng để tốt hơn. Câu chuyện khuyến đọc là câu chuyện của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Đậu Dung (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp