Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Tôi làm sách chứ không buôn sách

25/03/2018 - 13:08

PNO - Có lẽ chị cũng là người hiếm hoi của làng xuất bản cùng lúc kiêm nhiệm rất nhiều vai trò: nhà báo, dịch giả, giám đốc, tác giả, diễn giả, không ít lần giữ luôn vị trí người dẫn chương trình…

“Sự khác nhau giữa người làm sách và người buôn sách là người làm sách sẽ luôn muốn tạo ra cái mới, mang đến những tri thức mới cho độc giả, chứ không chỉ vì mục tiêu kinh doanh. Người buôn sách sẽ chọn cách dễ hơn. Làm sách phải tính đến chuyện “năm ăn năm thua” thì tôi sẽ không làm. Tôi không muốn ăn xổi” - giám đốc Công ty sách Chibooks Nguyễn Lệ Chi chia sẻ. 

Dich gia Nguyen Le Chi: Toi lam sach chu khong buon sach

Có lẽ chị cũng là người hiếm hoi của làng xuất bản cùng lúc kiêm nhiệm rất nhiều vai trò: nhà báo, dịch giả, giám đốc, tác giả, diễn giả, không ít lần giữ luôn vị trí người dẫn chương trình… Chị cũng là người dành nhiều tâm tư, trăn trở cho hình ảnh sách Việt ở nước ngoài: Tự tham dự nhiều hội chợ sách quốc tế với tư cách cá nhân, cố gắng quảng bá nhiều nhất có thể những tác phẩm hay của văn học Việt. Những gợi mở của chị có thể kỳ vọng sẽ là một con đường sáng cho tương lai của ngành xuất bản…

Mừng vì đi đúng đường

* Hội sách lần này không thấy Chibooks có bất cứ hoạt động nào. Vì sao vậy, thưa chị?

- Tôi thấy có quá nhiều chương trình, độc giả rất khó theo dõi hết. Muốn thu hút bạn đọc đến chương trình của mình e rằng cũng khó. Năm nay Chibooks thu hẹp gian hàng lại, không làm lớn như trong các kỳ hội sách trước. Đơn vị chỉ có sách nước ngoài. Tôi từng tổ chức một số buổi tọa đàm, giao lưu tại đường sách: mời các nhà văn Trung Quốc sang Việt Nam, phát động cuộc thi viết truyện fantasy, ra mắt sách mới… Hiệu quả rõ rệt, tương tác gần gũi hơn. Chibooks theo đuổi dòng sách kén độc giả, nên giữ được lượng bạn đọc cố định đến thời điểm này cũng không dễ dàng chút nào.

Dich gia Nguyen Le Chi: Toi lam sach chu khong buon sach

Gian hàng Chibooks tại một kỳ hội sách - ảnh: internet

* Biết là khó mà chị vẫn theo đuổi, như một thách thức ngược dòng…

- Tôi không nghĩ là đi ngược dòng nhưng biết mình là ai trong thị trường sách ồ ạt và đa dạng như hiện nay. Làm sách tử tế rất khó, nhiều công ty nhỏ đã phá sản, giải thể rồi. Nhưng bản thân tôi, một khi tạo ra cái gì là muốn đi đến nơi đến chốn. Ngay từ khi thành lập Chibooks, tôi đã muốn gầy dựng một dòng sách riêng, đó là văn học lãng mạn phương Tây. 

Hầu hết các tựa sách tôi mua bản quyền chuyển ngữ thời gian đầu là của các tác giả chưa từng được giới thiệu ở Việt Nam. Sự khác biệt giữa người làm sách và người buôn sách là người làm sách sẽ luôn muốn tạo ra cái mới, mang đến những tri thức mới cho độc giả chứ không chỉ vì mục tiêu kinh doanh. Mười năm làm sách, tôi mất 20 tỷ đồng. Mỗi đầu sách lỗ chừng 100 triệu đồng. 

Thời gian đầu tôi mang sách ký gửi, nhiều nơi không nhận, bảo “chật chỗ”. Tiền mua bản quyền những tác phẩm bestseller của New York Times cũng rất đắt. Lại thêm nhiều yêu cầu khắt khe về việc quảng bá tác phẩm. Nhưng đến thời điểm này vẫn tồn tại được, có nghĩa là định hướng của mình đã được thừa nhận bởi số đông. 

Muốn ra thế giới phải có quyết tâm

* Chị có thể nói rõ hơn về “yêu cầu khắt khe” của đối tác trong quảng bá sách?

- Điển hình như trường hợp cuốn Thành phố xương. Cassandra Clare là tác giả fantasy đầu tiên của Đức được giới thiệu tại Việt Nam. Từng quyển trong bộ sách Vũ khí bóng đêm của nữ tác giả này đều được làm phim. Họ yêu cầu đơn vị mua bản quyền phải trình bày kế hoạch quảng bá sách như thế nào: tổ chức giao lưu fan, kết hợp với quảng bá phim, làm sao độc giả phải sống được trong không khí mà bộ sách mang lại... 

Nhiều yêu cầu không thể đáp ứng được ở Việt Nam, ví dụ việc rạp phim có đồng ý cho mình mang sách vào giới thiệu cùng với bộ phim không là vấn đề người làm sách không can thiệp được. Ở các quốc gia phát triển, xuất bản là một ngành công nghiệp, còn ở Việt Nam hình thức quảng bá sách rất sơ khai. Hiện phổ biến nhất cũng chỉ có ra mắt, giao lưu, ký tặng. 

Tựa sách, tác giả nào được đưa đi giới thiệu ở nhiều nơi đã là may mắn rồi. Còn với đối tác, mỗi đầu sách đều phải xem đề tài, đối tượng để có chiến lược quảng bá phù hợp. Họ luôn cố gắng để sách có lượng phát hành cao, như vậy mới có cơ hội bán bản quyền chuyển ngữ. 

Dich gia Nguyen Le Chi: Toi lam sach chu khong buon sach

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi tại một buổi giao lưu. Ảnh: internet

* Bởi vì các nhà làm sách Việt chưa từng chủ động nghĩ đến việc quảng bá như thế nào để được mua bản quyền?

- Nếu có quyết tâm, Việt Nam cũng sẽ làm được. Như Indonesia, họ có một quỹ dịch thuật. Mỗi năm họ chọn ra 100 đầu sách hay, ví dụ yêu cầu trong ba năm sẽ chuyển ngữ các đầu sách ấy sang tiếng Anh và chào bán bản quyền ra nước ngoài. Đưa tác phẩm đến hội chợ sách Frankfurt (Đức), tổ chức tour được nhà văn giao lưu tại nhiều nước… 

Tôi từng mang sách Việt đi giới thiệu ở Hội chợ sách Bắc Kinh nhưng khi được yêu cầu gửi bản PDF bản thảo sách bằng tiếng Anh, thì ở vai trò cá nhân tôi lại không đủ kinh phí để làm điều đó. Ở Hội chợ sách Frankfurt cũng vậy, Việt Nam chỉ dừng lại ở mức trưng bày sách, chứ chưa có hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt như cách các nước khác đã làm. 

Phải nhìn nhận rằng, Việt Nam chưa có sự chuyên nghiệp trong việc quảng bá sách ở nước ngoài. Nếu chỉ có một vài đơn vị tư nhân cố gắng thì cũng khó có thể làm được gì nhiều. Muốn đi ra thế giới, đòi hỏi những người đứng đầu ngành xuất bản phải có quyết tâm và cần sự đầu tư kinh phí của Nhà nước. 

* Chị nghĩ có kỳ vọng được không?

- Trước đây chuyện này cũng đã được mang ra trao đổi. Chắc mọi người đang dần dần nghĩ đến rồi (cười).

Làm sách cho con, làm sách cùng con

* Luôn trăn trở, bận rộn với nhiều vai trò như vậy, có khi nào tâm lý chị ảnh hưởng đến con gái ở nhà?

- Có chứ (cười). Tôi thường xuyên stress, con gái nhìn mặt là biết liền. Ngày nào tôi mang vẻ mặt mệt mỏi, bực bội về nhà là con sẽ hỏi hôm nay mẹ mệt vì công việc phải không? Rồi con rủ đi uống trà sữa hoặc kêu nằm ra cho con… đè lên. Nói “để cục thịt mỡ lăn lăn” cho mẹ vui. Nói vậy thôi chứ tôi biết cân đối giữa gia đình và công việc, cho dù có thế nào đi nữa. Nói chung, mọi thứ rồi cũng… ổn (cười). 

Dich gia Nguyen Le Chi: Toi lam sach chu khong buon sach
 

* May là ổn nên chị mới có cảm hứng đủ để viết sách cho con?

- Về sau này, thời gian để tôi viết và dịch sách là xa xỉ. Cuốn Bụng phệ nhanh chân (nhà xuất bản Kim Đồng in năm 2017) tập hợp những bài tôi đã viết dưới dạng nhật ký cho con. Tôi cũng khuyến khích các mẹ nên viết sách cho con, mỗi người một câu chuyện nhưng đó đều là những câu chuyện vui, ý nghĩa với hành trình của con. Sắp tới, tôi có dự án dài hơi là viết sách cùng con. 

Những năm qua, có thời gian rảnh là tôi đưa con đi du lịch nước ngoài. Tôi muốn con được trải nghiệm thế giới rộng lớn, những gì con cảm nhận, quan sát sẽ được ghi chép lại. Có thể sau hành trình khám phá mỗi quốc gia, hai mẹ con tôi sẽ làm một cuốn sách. Con bé cũng đã tự nghĩ ra được nhiều mẩu chuyện buồn cười, tôi nghe và giúp đánh máy lại. Trong năm nay hoặc sau khi mẹ con tôi đi thêm vài nước nữa, tôi sẽ cho in tập đầu tiên của series sách viết cùng con này. 

* Dự án gần nhất của Chibooks sẽ là gì?

-  Bắt đầu từ tháng 6/2018, chúng tôi sẽ cho phát hành dần những bản thảo fantasy của tác giả Việt. Nhưng công đoạn thẩm định, biên tập cũng chiếm khá nhiều thời gian và khó khăn. Phần lớn cây bút Việt viết thể loại này đều nhái lại hoặc bị ảnh hưởng bởi nhiều tác giả nước ngoài. Trong 100 bản thảo, chúng tôi chỉ chọn ra vài bản thảo in được. 

* Giả dụ cho chị một khoảng thời gian thật nhàn rỗi để sống cho bản thân, chị muốn làm gì nhất?

- Tôi sẽ… nằm dài ở nhà xem phim cùng con (cười). Thật ra nhận nhiều vai trò cũng có cái hay, khi mình chán chê mệt mỏi cái này thì có cái kia cứu vớt. Vai trò này hỗ trợ vai trò kia, quan trọng là mình tự sắp xếp, cân bằng được. Ổn hết mà! 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.


Bùi Tiểu Quyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI