Đích đến của đàn bà

17/02/2025 - 07:27

PNO - Đích đến của 2 phụ nữ ấy đều là con cái. Chỉ khác là 2 người đi 2 con đường khác nhau mà thôi!

Ảnh minh họa Shutterstock
Ảnh minh họa Shutterstock

Chị A. là phụ nữ đơn thân, một doanh nhân tạm gọi là thành đạt. Một mình chị nuôi 2 con du học ở Mỹ từ khi các cháu độ tuổi 16. Bây giờ các con chị đã tốt nghiệp đại học, ra trường, có việc làm ổn định xứ người.

Nhìn lại quãng đường đã qua chị A. đúc kết: Con người cần thể hiện hết khả năng của mình, tận tâm tận lực. Chị kể về những “cái mốc” quyết định trong cuộc đời, bài toán bây giờ cho thấy đáp số và chị biết mình đã quyết định đúng.

Đầu tiên là việc ly hôn khi các con còn nhỏ. Chị cho rằng, khi không còn tình yêu nữa, một bên nhất quyết ra đi thì bên còn lại không giữ làm gì. Vết thương nào rồi cũng sẽ lành. Tất nhiên, không thể một sớm một chiều nguôi ngoai được, chị cũng đã buồn, thương, oán giận... với đơn vị tính bằng năm mới dần bớt đi, để rồi lại thấy phải cám ơn con người ấy, thời gian ấy đã cho mình nếm, trải và nhận ra giá trị bản thân.

Tiếp đến là việc chị xin nghỉ việc nhà nước, ra mở công ty riêng. Chị bảo, quyết định này cũng khó khăn, suy nghĩ đến bạc đầu. Không dễ dàng từ bỏ một công việc có thu nhập khá, mối quen biết rộng, đã được cơ cấu vào hàng ngũ lãnh đạo… để làm lại từ đầu mà không biết là sẽ thắng hay thua.

Tuy nhiên, chị hiểu rõ cách mở khóa để đi tiếp con đường cuộc đời mình. Nếu vượt qua được, hay nói cách khác là thành công thì chị mới có cơ hội cho con gái đi học nước ngoài và sau đó đến con trai. Tuần tự như tiến, chị đi trên con đường ấy theo những cách mà chị tính toán dựa trên khả năng. Cuối cùng, giờ đây chị đã gần về đến đích. Riêng chuyện hôn nhân cho con cái thì chị không tự tin, vì điều này nằm ngoài kế hoạch của chị. Đó cũng là phạm trù thuộc về tâm lý con người, tình cảm là thứ thiêng liêng, không thể chủ động từ một phía. Hơn nữa đây cũng là cách chị tôn trọng con cái, mà chính xác hơn là không có quyền can thiệp.

Chị đúc kết, để lại con cái tài sản thì nguy cơ mất có thể xảy ra, nhưng đầu tư kiến thức cho con thì đó là tài sản trí tuệ của con, không ai lấy được.

Nghe chị kể câu chuyện đời gói gọn chưa đến 20 phút, khó ai tưởng tượng đó là một quá trình tính toán, nỗ lực, chiến đấu không ngừng với quyết tâm không được gục ngã, dù bất cứ lý do gì. Tất nhiên chị biết lượng sức mình để không bị đuối nửa chừng.

Vài người bạn nữ nghe chuyện của chị, ngẫm qua chuyện mình bỗng thấy ngậm ngùi. Chị B. - người lui về nhà chăm sóc con cái khi sự nghiệp đang thăng tiến, bỗng tự hỏi liệu mình có bỏ lỡ nhiều dịp may trong cuộc đời không? Nếu tiếp tục đi làm thì mình sẽ đến một cái đích khác hơn chăng? Từ lâu nay không có ý nghĩ so sánh hay tiếc nuối giờ bỗng dưng “quá khứ vàng son” tấp nập trở về.

Cái ngày ấy đi làm việc, chị B. giải quyết bao nhiêu công việc, đầu óc linh hoạt, tác phong nhanh nhẹn, năng động, đi công tác liên tục không mệt mỏi. Vậy mà hơn chục năm nay chị chỉ biết gia đình, xoay vần chuyện con cái học hành. Muốn đi đâu chị cũng phải sắp xếp mà cũng không có nhu cầu đi đâu ngoài vài chuyến du lịch với gia đình và trong những chuyến ấy thì cũng phải luôn tay, luôn chân với con.

Rồi chị tự hỏi có sai lầm không khi bạn bè vẫn duy trì hài hòa công việc và gia đình. Chị đâm ra so sánh, mình được gì - họ được gì? Sự hi sinh của mình có được chồng, con công nhận hay không?

Người ngoài cuộc nghe lời tâm sự đầy “tự kỉ” này của chị B. mới phân tích cho chị rằng chị đã có đích đến đúng đắn là con cái và gia đình, cả chị A. cũng vậy. Đích đến của 2 phụ nữ đều là con cái, chỉ có khác là 2 người đi 2 con đường khác nhau mà thôi! Quan trọng là biết cách làm chủ đời mình, phù hợp với khả năng để có kết quả tốt nhất!

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI