Dịch đau mắt đỏ tăng nhanh ở TPHCM

28/09/2023 - 12:40

PNO - Trong 9 tháng đầu năm, dịch đau mắt đỏ bùng phát tại TPHCM, số ca mắc tăng nhanh qua các tuần, đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 16 tuổi.

Sáng 28/9, UBND TPHCM tổ chức kỳ họp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 4/2023. Ông Nguyễn Hải Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - đã thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành và mới nổi. 

Ông cho biết, trong tháng 9, dịch đau mắt đỏ bùng phát, cụ thể từ ngày 1/9 - 10/9, số lượt khám vì đau mắt đỏ tại TPHCM là 5.039 ca. Từ ngày 10/9 - 16/9, số lượt khám là 20.183 ca, tăng gấp 3,9 lần so với tuần trước đó, trong đó có 2.873 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm 14.3%). Trung bình số ca biến chứng là 147 ca/ngày, tăng so với trung bình tuần trước (33 ca/ngày).

Bệnh nhi bị đau mắt đỏ được bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám - Ảnh: Phạm An
Bệnh nhi bị đau mắt đỏ khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Phạm An

Số trẻ em dưới 16 tuổi bị viêm kết mạc từ ngày 1/9 - 10/9 là 3.708 ca, chiếm 73,6% (tăng 2,8 lần so với 1.340 ca trong tuần từ ngày 21/8 - 31/8), trong đó có 116 ca biến chứng, chiếm 3,07%.

Từ ngày 1/9 - 16/9, có 12.164 ca trẻ em dưới 16 tuổi, tăng 3,3 lần so với tuần trước đó, trong đó có 1.572 ca lưu trú tại tỉnh khác. Trung bình số ca biến chứng ở trẻ em dưới 16 tuổi là 83 ca/ngày, tăng so với trung bình tuần trước đó 17 ca. 

Riêng ngày 16/9 ghi nhận 1.306 ca, (206 ca có địa chỉ tại tỉnh khác) trong đó có 118 ca biến chứng. Trong 1.306 ca đau mắt đỏ có 876 ca trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 35 ca biến chứng đều tại TPHCM

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hải Nam cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trong tháng là 1.783 ca, tăng 24% so với tháng trước. Tính đến ngày 15/9 ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại quận Bình Tân. TPHCM lưu hành bệnh sốt xuất huyết quanh năm vì địa bàn liên tục có mưa trái mùa. 

Đại diện Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân sử dụng nước sạch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Đồng thời lưu ý vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. 

Tú Ngân - Thu Lê 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI