Dịch cúm gia cầm H5N1: Nguy cơ từ tình trạng giết mổ gia cầm sống tràn lan

27/02/2023 - 06:39

PNO - Tại TPHCM, dễ nhận thấy tình trạng giết mổ gia cầm sống trái phép vẫn diễn ra tràn lan, nhiều nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.

Viện Pasteur TPHCM vừa có công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam nhằm có biện pháp tăng cường giám sát viêm phổi nặng liên quan cúm H5N1 sau khi Campuchia có 2 trường hợp dương tính với vi rút cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, trong đó có một trường hợp tử vong. Tại TPHCM, dễ nhận thấy tình trạng giết mổ gia cầm sống trái phép vẫn diễn ra tràn lan, nhiều nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.

Rất nhiều điểm bán, giết mổ gia cầm sống

Chiều 25/2, trên đường An Dương Vương (đi qua các quận 6, 8, Bình Tân…), có rất nhiều điểm bày bán gà, vịt sống. Ngay trên vỉa hè đoạn từ ngã ba đường 156 đến đại lộ Võ Văn Kiệt (phường 16, quận 8, TPHCM) có vài lồng sắt đang nhốt hàng chục con gà, vịt sống, bán đồng giá 120.000 đồng/kg. Lúc này có một khách đang đậu xe đứng chờ, vợ chồng người bán lúi húi đưa gà vào máy cắt tiết, nhúng nước sôi, nhổ lông, mổ bụng. Tôi hỏi: “Có thông tin cúm A/H5N1 ở Campuchia, lượng người mua có giảm?”. Người bán nói: “Gà có nguồn gốc ở Bến Tre chứ không phải ở Campuchia nên làm sao có bệnh được. Ngày nào anh cũng bán vài chục con, số lượng người mua không giảm, ai đã ăn quen gà nóng thì sẽ không ăn gà đông lạnh”. Phía sau điểm bán này là khu đất trống có rào chắn, phía bên trong có vài lồng sắt cũng nhốt hàng chục con gà, vịt khác. Nếu nhìn thấy lực lượng chức năng từ xa, vợ chồng này sẽ giấu bớt gà vào bên trong. Chờ đến khi lực lượng chức năng đi khỏi thì lại lấy gà ra bày bán tiếp. 

Điểm bán gia cầm sống ngay dưới chân cầu vượt Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM)
Điểm bán gia cầm sống ngay dưới chân cầu vượt Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM)

Cũng trên tuyến đường An Dương Vương, đầu hẻm 204 có 4 lồng sắt chứa hàng chục con gà, biển quảng cáo ghi: “Gà ta thả vườn 170.000 đồng/con, bao làm, bao ăn”. Hay ngay trên cầu Mỹ Thuận (giáp ranh 3 quận 6, 8 và Bình Tân) cũng có 2 lồng gà sống chồng lên nhau. Người bán giết mổ gà ngay trên cầu, phân gà, nước thải xả tràn dưới nền cầu, bốc mùi hôi. Tại đây có 2 người đàn ông đứng bán, 2 người đàn ông khác thì đậu sẵn xe máy bên đường để canh chừng. “Thấy cơ quan chức năng từ xa, họ ôm lồng gà leo lên xe chạy máy đi chỗ khác. Chờ im im thì quay trở lại bán tiếp” - một người bán rau củ quả ngay tại cầu này kể với chúng tôi. 

Trên đường Hồ Học Lãm - đoạn gần đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân), gà, vịt sống được người bán cột chân, thả trực tiếp dưới đất. Từ vỉa hè đến lòng đường đều dày đặc phân gà, lông gà. Điểm buôn bán này giết mổ gà tại chỗ cho khách nên rất nhếch nhác, tanh hôi. Ở ngã ba đường Hồ Học Lãm - Quốc lộ 1A, chim cút sống được bán với giá 70.000 đồng/con, gà ác sống giá 150.000 đồng/kg. Người bán đon đả: “Mua gà đi em, gà ác ngon lắm. Đợi chị làm 5 phút là xong”. 

Dưới chân cầu vượt Tân Tạo - chợ Đệm, quận Bình Tân, 2 điểm bán gà vịt sống nằm sát nhau, số lượng gia cầm tại đây khá nhiều, mùi phân, mùi nước thải bốc lên nồng nặc. Khách chỉ cần dừng xe, chỉ tay vào con gà, vịt muốn mua. Người bán chỉ cần vài phút giết mổ là có gà, vịt giao cho khách, nội tạng gà vịt thì ném xuống kênh. “Từ 16 - 18g mỗi ngày, đoạn này luôn kẹt xe vì lượng công nhân dừng xe mua gà khá đông. Mỗi ngày 2 điểm này bán cả trăm con gà. Lượng gà trong lồng sắt vừa bớt bớt là gà mới lại được chở đến” - một người bán trái cây ngay khu vực này nói với chúng tôi.  

Cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý

Ông Tô Hoàng Giang - Chủ tịch UBND phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM - cho biết, phường thường xuyên ra quân kiểm tra các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm tự phát trên địa bàn phường để lập lại trật tự nhưng gặp không ít khó khăn. Như đường An Dương Vương do giáp ranh với nhiều phường, quận như phường An Lạc (quận Bình Tân), phường 16 (quận 8), phường 10 (quận 6)… nên khi lực lượng chức năng đơn phương kiểm tra, người kinh doanh sẽ chạy từ phường này sang phường khác. Khi phối hợp các phường đồng loạt kiểm tra, người kinh doanh chấp hành nhưng ngay khi lực lượng chức năng đi khỏi, họ liền tiếp tục kinh doanh. “Lực lượng chức năng của phường đang tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người kinh doanh, cả người mua về những nguy hiểm của việc giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh” - ông Tô Hoàng Giang nói. 

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Lê Việt Bảo - Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM - cho biết, trong sáng 25/2, chi cục có làm việc với Sở Y tế TPHCM để tham mưu văn bản chỉ đạo khẩn của UBND TPHCM về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh cúm A/H5N1. 

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) sẽ làm đầu mối, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Cũng trong ngày 25/2, Cục Thú y đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo các tỉnh, thành triển khai các biện pháp chống cúm gia cầm A/H5N1. “Hiện ngành thú y vẫn đang thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn TPHCM. Cụ thể là hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm. Tổ chức công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán trên địa bàn, truyền thông để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm…”- ông Lê Việt Bảo nói. 

Theo ông Lê Việt Bảo, hiện tại Việt Nam chưa phát hiện dịch trên gia cầm nhưng có thể có nguy cơ từ gia cầm Campuchia vào Việt Nam. “Sở Y tế TPHCM cũng đã tham mưu cho UBND TPHCM chỉ đạo UBND các địa phương tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh gia cầm sống trên địa bàn trong thời gian tới” - ông Bảo nói. 
Bác sĩ Lê Văn Nhân - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (nay là HCDC), giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - nhấn mạnh: “Nguy cơ dịch bệnh trên gia cầm là có, người dân ngoài nâng cao ý thức thì cơ quan chức năng cần quyết liệt kiểm tra để xóa bỏ tình trạng giết mổ gia cầm sống tại các điểm tự phát, chợ dân sinh trên địa bàn TPHCM”. 

 

Cúm A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, có thể lây từ gia cầm sang người qua các con đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp như giết mổ, vận chuyển, cầm, sờ vào gia cầm nhiễm bệnh; ăn gia cầm bị nhiễm bệnh không được nấu chín kỹ. Vi rút này nguy hiểm, tỉ lệ tử vong từ 50 - 90%, đến nay vẫn chưa có thuốc trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm A/H5N1 trên người, trong đó có 64 ca tử vong. Vi rút này không chỉ ở gia cầm như gà, vịt mà còn có ở nhiều loại chim trời. Do đó người dân không nên ăn tiết canh gia cầm, ăn thịt gia cầm hoặc các loại chim trời không rõ nguồn gốc. Khi tiếp xúc với gia cầm cần vệ sinh cá nhân, sát trùng, tiêu độc. 

Bác sĩ Lê Văn Nhân

Thanh Hoa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI