Dịch cúm bùng phát ở Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn nơi đông người

05/02/2025 - 17:51

PNO - Hơn 4 tháng, tại Nhật Bản có khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa; trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.

Chiều 5/1, Bộ Y tế đã có thông tin liên quan đến đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản cũng như tại một số khu vực trên thế giới.

Theo dữ liệu công bố ngày 31/1/2025 của Viện Truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (từ ngày 2/9/2024 đến 26/1/2025), tại Nhật Bản có khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.

Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

Trước đó, theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm, do các tác nhân gây bệnh hô hấp như vi rút cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp (RSV) và các vi rút phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae.

Theo WHO, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm (ILI) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) ở một số quốc gia ở Bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần cuối năm 2024 và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.

Ngoài ra, theo kết quả giám sát cúm trên thế giới, bệnh cúm mùa cũng gia tăng ở nhiều quốc gia ở châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của vi rút cúm), trong đó ở Bắc Mỹ chủ yếu là cúm A, Trung Mỹ và Caribbean chủ yếu là cúm A/H3N2, ở Tây Phi chủ yếu là cúm B, Bắc Phi chủ yếu là cúm A/H3N2, Đông Phi là cúm B và nhiều quốc gia ở châu Á chủ yếu là cúm A(H1N1) pdm09, phù hợp với xu hướng điển hình cho thời điểm cuối năm.

Với điều kiện thời tiết hiện nay, thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp và kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống cúm mùa hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Ngoài ra, người dân nên đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Cùng với đó, tiêm vắc xin cúm mùa để phòng bệnh. Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Anh Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI