Gia tăng lượng tìm kiếm nhà, đất ở các tỉnh
Dù chịu tác động không nhỏ của dịch COVID-19 nhưng giao dịch bất động sản (BĐS) vẫn diễn ra nhờ các doanh nghiệp đã linh động chuyển sang hình thức làm việc online, giao dịch trực tuyến. Tuy vậy, việc giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành đã khiến thị trường BĐS biến động mạnh.
Theo dữ liệu của batdongsan.com.vn, trong quý II/2021, thị trường BĐS vẫn có nhiều điểm sáng tích cực. Cụ thể, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất trong quý II/2021 tăng khoảng 8% so với quý I/2021 và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020; lượng tin đăng rao bán cũng tăng khoảng 23% so với quý trước và tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước.
|
Lượng giao dịch căn hộ tại TPHCM hiện đang sụt giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua |
Tuy nhiên, theo trang web này, trong quý II/2021, lượng tìm kiếm và sản phẩm cung ứng không còn tập trung ở TPHCM mà chuyển hướng về các tỉnh. Tại các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ, lượng tìm kiếm nhà đất tăng 35% so với quý I/2021, trong đó đất thổ cư được tìm mua nhiều nhất (tăng hơn 12%). Tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, lượt tìm kiếm nhà đất nhiều nơi tăng đến 30%.
Tương tự, theo DKRA Việt Nam, phân khúc đất nền các tỉnh giáp ranh TPHCM trong quý I/2021 tăng khoảng 125%, tỷ lệ tiêu thụ tăng khoảng 59% so với quý I/2021. Trong đó, tỉnh Long An có 819 nền đưa ra thị trường thì tiêu thụ được 501 nền; Đồng Nai tiêu thụ được 774/1.319 nền; Bình Dương tiêu thụ được 396/523 nền; Bà Rịa - Vũng Tàu tiêu thụ được 155/180 nền. DKRA Việt Nam nhận định, đất nền ở TPHCM đã thất thế do dịch COVID-19 tái bùng phát và mặt bằng giá tăng quá cao.
Tại tỉnh Lâm Đồng - nơi BĐS tăng trưởng “nóng” liên tục hơn một năm qua - hiện lượng giao dịch đã chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh và các chính sách kiểm soát quyết liệt về luật pháp liên quan đến đất đai của cơ quan chức năng.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, giao dịch BĐS của tỉnh đã có dấu hiệu chững lại, các nhà đầu tư ở trong trạng thái dè chừng, thận trọng; nhu cầu tìm kiếm BĐS đối với loại hình đất ở của người dân giảm. Trong quý II/2021, tại tỉnh này, chỉ có hai dự án nhà ở thương mại được cấp giấy phép mới và không có hồ sơ đề nghị cấp phép mới cho dự án du lịch, nghỉ dưỡng, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà công nhân.
Về phân khúc nhà phố, biệt thự, theo JLL Việt Nam, do dịch diễn biến phức tạp, trong quý II/2021, giao dịch nhà phố, biệt thự chậm lại, tổng lượng nhà giao dịch chỉ đạt khoảng 1.781 căn (giảm 8,8% so với quý trước). Trong đó, chỉ có 183 căn nhà tại TPHCM được giao dịch thành công; tại Bình Dương, Long An, mỗi tỉnh chỉ bán được khoảng hơn 100 căn.
Căn hộ cầm cự chờ qua mùa dịch
Trái ngược với phân khúc đất nền, nhà phố, phân khúc căn hộ xuống dốc về nhiều mặt, gồm cả nguồn cung và lượng tiêu thụ. Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, TPHCM và các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có nguồn cung căn hộ giảm khoảng 28% và lượng tiêu thụ giảm khoảng 26% so với quý trước. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh tái phát, quy định giãn cách xã hội khiến các chủ đầu tư phải tạm hoãn kế hoạch bán hàng.
Theo số liệu của batdongsan.com.vn, lượng đăng tin của phân khúc này giảm 2% so với quý trước và giảm 23% so với cùng kỳ. Còn theo Savills Việt Nam, trong quý II/2021, tổng nguồn cung, lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ của thị trường căn hộ ở TPHCM giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Tổng lượng giao dịch toàn TPHCM là gần 1.400 căn, giảm khoảng 35% so với quý trước.
Theo JLL, để duy trì giao dịch cho phân khúc căn hộ, các chủ đầu tư đã tung ra nhiều chiến lược bán hàng hấp dẫn, như giãn tiến độ thanh toán, cho phép người mua vay tới 100% giá trị căn nhà và miễn lãi suất vay 20 tháng.
Tương lai thị trường phụ thuộc vào vắc xin
Theo các chuyên gia BĐS, những tháng cuối năm, sự thịnh suy của thị trường BĐS và những toan tính xoay quanh nó tùy thuộc vào kết quả của chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Thị trường nhà, đất ở những khu vực được kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ phục hồi nhanh.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc batdongsan.com.vn - theo phát triển chung hiện tại của nhiều nước trên thế giới, có thể thấy, xu hướng tăng trưởng của thị trường BĐS phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tiêm chủng vắc xin. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 đạt 50 - 55% dân số như Mỹ, Thụy Điển, Na Uy có tốc độ tăng giá BĐS từ 9 - 10% so với trước khi có dịch. Ở những quốc gia hoàn thành việc tiêm vắc xin dưới 50% dân số, tốc độ tăng giá BĐS thấp hơn rất nhiều.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Anh, diễn biến của thị trường trong quý II/2021 cho thấy, tâm lý của người mua nhà đang ngày càng ổn định và dần thích nghi với tình hình chung. Các doanh nghiệp BĐS cũng tích cực hơn trong việc tìm những hướng đi mới, linh động ứng dụng công nghệ vào bán hàng và chuyển dịch nhịp nhàng sang hình thức tiếp cận khách hàng online.
Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định: “Tôi cho rằng, thị trường BĐS trong quý III/2021 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và có khả năng đến quý IV/2021 mới hồi phục nếu kế hoạch tiêm chủng vắc-xin quốc gia hoàn thành đúng kế hoạch”.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam - cũng đồng tình về việc thị trường lệ thuộc vào công tác tiêm chủng vắc xin.
Theo đại diện DKRA Việt Nam, trong sáu tháng cuối năm, đa phần các phân khúc sẽ duy trì nguồn cung mới ở mức tương đương sáu tháng đầu năm 2021, riêng nguồn cung căn hộ có thể tăng nhẹ. Trong đó, nguồn cung đất nền tập trung chủ yếu ở thị trường các tỉnh giáp ranh TP.HCM. Sức cầu chung có thể phục hồi vào những tháng cuối năm, khi dịch bệnh được kiểm soát. Những dự án đầy đủ hồ sơ pháp lý và hạ tầng hoàn thiện tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng. Ở phân khúc nhà phố, biệt thự, dự báo sức cầu chung có tín hiệu phục hồi ở hầu hết các địa phương. Những dự án thành công sẽ tập trung ở những khu vực có vị trí kết nối tốt, mức giá trên dưới 10 tỷ đồng/căn.
Giao dịch bất động sản đình trệ nhưng giá vẫn tăng
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam - đầu quý II/2021, Việt Nam đối diện đợt dịch COVID-19 lần thứ tư khiến thu nhập của người dân bị suy giảm.
Thông thường, khi nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm, giá bán phải giảm nhưng với BĐS, cầu giảm, giao dịch giảm nhưng giá lại tăng. Đặc biệt, sau khi dịch bệnh xảy ra, thị trường càng khó khăn, giá BĐS càng tăng mạnh. Ông nói: “Theo tôi, nguyên nhân tăng giá là do một lượng lớn tiền từ các lĩnh vực khác đổ vào BĐS, nguồn BĐS lại khan hiếm. Điều này tạo cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường không tuân thủ quy định pháp luật, xẻ thịt, chia lô đất rừng, đồi, ruộng để bán”.
Để thị trường BĐS Việt Nam phát triển ổn định, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, cần sớm sửa đổi quy định pháp luật để cải thiện nguồn cung cho thị trường, kiểm soát các vấn đề như lạm phát, việc tăng giá mạnh các yếu tố đầu vào của BĐS, đặc biệt là sớm kiểm soát được dịch bệnh và kích thích phát triển các lĩnh vực kinh tế khác.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong sáu tháng cuối năm nay, thị trường BĐS tiếp tục khó khăn do dịch bệnh và đến quý IV/2021 mới hồi phục khi dịch COVID-19 được kiểm soát, tổng giao dịch có thể đạt khoảng 70 - 80% so với năm 2020. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp ở Hà Nội và TPHCM sẽ hấp thụ mạnh nếu có hàng ra thị trường, đạt tỷ lệ trên 75%; phân khúc căn hộ cao cấp sẽ vẫn hấp thụ ở mức thấp; đất nền vẫn là sản phẩm được săn tìm, sản phẩm từ những dự án có hồ sơ pháp lý đầy đủ, chất lượng tốt, giá phù hợp sẽ tiêu thụ tốt.
|
Bích Trần