Dịch COVID-19 thúc đẩy cơ sở giáo dục toàn thế giới làm quen với giảng dạy online

09/03/2020 - 07:52

PNO - Theo Liên Hiệp Quốc, việc đóng cửa trường học ở 13 quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đang làm gián đoạn nền giáo dục của 290 triệu học sinh toàn cầu. Điều đó buộc hàng triệu giáo viên, quản trị viên và học sinh, sinh viên phải thích nghi với việc học trực tuyến, mà phần lớn còn xa lạ và chưa được kiểm chứng ở quy mô lớn như vậy.

Giáo viên, nhà trường tìm cách thích nghi

Các giáo viên từ Ý và Hồng Kông đến Kuwait và Bahrain đang phải giảng dạy trực tuyến, bất kể họ có cảm thấy tự tin khi sử dụng các công cụ này hay không.

Naima Charlier, Giám đốc giảng dạy và học tập tại Trường Quốc tế Nord Anglia ở Hồng Kông, cho biết, trong khi tình hình khó khăn với tất cả mọi người, cô nhận thấy một số lợi ích, bao gồm sự gia tăng niềm tin của giáo viên về công nghệ và nền tảng điện tử.

Các học sinh đang thử nghiệm nền tảng Century để theo dõi bài giảng từ giáo viên qua internet
Các học sinh đang thử nghiệm nền tảng Century để theo dõi bài giảng từ giáo viên qua internet

Cuối tháng 1/2020, Priya Lakhani, người sáng lập Century Tech - một nền tảng học tập dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) cho các trường học - quyết định cung cấp quyền truy cập miễn phí vào Century (vốn có giá hàng ngàn USD) cho các trường học ở Trung Quốc đang đóng cửa vì dịch bệnh.

Hơn một tháng sau, nền tảng Century có trụ sở tại Anh hiện đang cung cấp cơ sở đào tạo cho 50 trường học ở Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Các tiểu vương quốc Ả Rập.

Lakhani nói rằng bất cứ ai cần cũng đều có thể sử dụng Century và tiết lộ trung bình mỗi trường sử dụng nền tảng để cung cấp 565 bài học mỗi tuần.

Tuy nhiên, hầu hết các trường học và giáo viên ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi vi-rút corona đều xa lạ với giảng dạy qua internet. Nhiều người lo ngại tác động đối với học sinh tại các trường học có ít tài nguyên sẽ càng mở rộng sự cách biệt sẵn có trong giáo dục.

Rose Luckin, giáo sư về thiết kế chương trình học tập tại Đại học College London (Anh), cho biết có nhiều lý do để lo lắng.

Đầu tiên, cơ sở hạ tầng không đủ (không phải nơi nào cũng có kết nối băng thông rộng ổn định); công nghệ (không phải tất cả các trường đều có công nghệ họ cần); nguồn nhân lực (ít giáo viên đủ năng lực tạo ra các tài liệu trực tuyến) và công nghệ gia đình (không phải tất cả các gia đình đều có phần cứng hoặc phần mềm cần thiết).

Mặt khác, nhiều giáo viên đang gặp khó khăn vì phải dành nhiều giờ để học các công cụ mới và tạo nội dung mới.

Không biết trẻ học được bao nhiêu

Các trường học và giáo viên có thể chậm áp dụng các công nghệ mới, một phần do thiếu tự tin, nhưng cũng do sự hoài nghi về hiệu quả. Rất nhiều công nghệ đã đến và đi vì không phù hợp trên thực tiễn.

Nhiều công ty công nghệ giáo dục xây dựng giải pháp cho các vấn đề không tồn tại trong lớp học và trẻ em cũng phản ứng tốt với con người hơn máy móc.

Các học sinh, sinh viên đang sử dụng nhiều công cụ công nghệ khác nhau, bao gồm Nearpod, Firefly, Edmodo, Padlet, Flipgrid, Microsoft và Century. Các công cụ giúp đảm bảo việc học tập diễn ra sát với thời gian thực nhất, trong khi cố gắng giữ sự thú vị cho bài học; chẳng hạn như học sinh có thể thấy các bạn cùng lớp của mình và cộng tác với nhau.

Cô Charlier nói rằng, điều giáo viên sợ nhất bây giờ là không biết trẻ em học được bao nhiêu, vì chúng ở tận bên kia màn hình. Các công cụ như Century - nơi giáo viên có bảng thông tin thời gian thực về hiệu suất của mọi học sinh - là rất hữu ích, nhưng hiệu quả thực sự sẽ chỉ được đo lường khi học sinh trở lại lớp học. 

Nhìn chung, cô Lakhani tin rằng kinh nghiệm này sẽ trao quyền cho giáo viên quyết định công cụ học tập trực tuyến nào phù hợp cho giảng dạy và học sinh của họ.

Riêng cô Charlier cho rằng, bài học lớn nhất về trải nghiệm có thể là việc ở bên nhau thực sự quan trọng như thế nào. 

Ngọc Hạ (theo Quartz)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI