Dịch COVID-19 thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ bản của thế giới

20/05/2020 - 07:04

PNO - Đại dịch COVID-19 khiến các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở khắp mọi nơi trở nên khó khăn cho cả y bác sĩ và người dân.

Tiếp cận chăm sóc sức khỏe là quyền cơ bản của con người, nhưng đại dịch COVID-19 khiến các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở khắp mọi nơi trở nên khó khăn cho cả y bác sĩ và người dân.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa chăm sóc sức khỏe cơ bản là cách tiếp cận toàn xã hội đối với sức khỏe và hạnh phúc - tập trung vào nhu cầu, sở thích của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Hệ thống giúp đảm bảo mọi người được chăm sóc toàn diện trong môi trường hằng ngày, từ tư vấn và phòng ngừa đến điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ di chứng.

Tác động đến bậc cha mẹ

Do những lo ngại liên quan đến sự lây lan của COVID-19, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới chọn giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Điều này ảnh hưởng đến việc chăm sóc trước khi sinh, một khía cạnh quan trọng của việc đảm bảo rằng phụ nữ mang thai và em bé phát triển khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.

Đại dịch COVID-19 khiến mọi người ngại đến cơ sở y tế, và các y bác sĩ cũng hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân
Đại dịch COVID-19 khiến mọi người ngại đến cơ sở y tế, và các y bác sĩ cũng hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân

 

Chẳng hạn Văn phòng Sức khỏe phụ nữ thuộc Sở Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ có nhiệm vụ tư vấn và kiểm tra thường xuyên cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, đại dịch khiến những lần khám thai thường xuyên trở nên nguy hiểm hoặc thậm chí biến chúng thành việc không thể; và các bác sĩ sản khoa tại Mỹ ít sắp xếp cuộc hẹn trực tiếp hơn hoặc hoàn toàn chuyển sang điều trị từ xa.

Các chuyên gia lập luận rằng, điều trị từ xa thuận tiện và an toàn hơn, cho phép phụ nữ mang thai nhận được sự hỗ trợ cần thiết mà không gặp rủi ro lây nhiễm tại phòng khám. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể lo lắng vì những lý do khác. Ví dụ liệu họ có được trợ giúp kịp thời nếu bản thân nhiễm COVID-19, và trải nghiệm sinh nở sẽ như thế nào trong đại dịch.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nói rằng, bác sĩ cần phải tách người mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh, nếu nghi ngờ thai phụ mang vi-rút SARS-CoV-2. Cũng có lo ngại về việc cha của đứa trẻ không được phép vào phòng sinh hoặc đơn vị thai sản. Theo CDC, người thân vẫn có thể vào các khu vực này trong quá trình thai phụ chuyển dạ, nhưng chỉ khi họ không có triệu chứng COVID-19 và mặc thiết bị bảo vệ phù hợp. Dù vậy, tại Anh và Đức, một số bệnh viện cấm tất cả các chuyến thăm trực tiếp đến phòng hộ sinh.

Hủy bỏ cuộc hẹn với bác sĩ 

Kể từ khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, đã có mối lo ngại lan rộng rằng người dân sẽ không an toàn khi thực hiện cuộc hẹn kiểm tra định kỳ tại các phòng khám hoặc bệnh viện. Trên khắp thế giới, các phòng khám đóng cửa và nhiều bác sĩ chuyển sang làm việc từ xa, theo hướng dẫn của chính phủ. Ví dụ, tại Mỹ, CDC khuyến nghị hệ thống chăm sóc sức khỏe ưu tiên các trường hợp khẩn cấp và trì hoãn chăm sóc tự chọn để giảm thiểu sự lây lan của COVID-19 trong các cơ sở điều trị. Tại Anh, Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) cũng khuyến nghị những người tìm kiếm lời khuyên y tế nên chọn cuộc hẹn trực tuyến, gọi điện thoại cho bác sĩ hoặc đường dây trợ giúp của NHS.

Thế nhưng việc hủy bỏ một số lượng đáng kể các ca phẫu thuật tự chọn theo kế hoạch trong đại dịch khiến nhiều người lo sợ cho sức khỏe lâu dài và việc họ trở thành “thiệt hại đi kèm” của đại dịch. Nỗi lo này hoàn toàn có căn cứ khi một bài báo gần đây trên tạp chí y khoa BMJ tiết lộ, COVID-19 không phải nguyên nhân cho toàn bộ mức tăng về số người chết trong các cộng đồng ở Anh.

Thiếu tiêm phòng vắc-xin có thể dẫn đến những ổ dịch khác 

Trong khi nhiều tổ chức chăm sóc sức khỏe như CDC tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ em chống lại các loại vi-rút khác, họ cũng lưu ý rằng số trẻ em được tiêm vắc-xin đã giảm đáng kể so với năm trước.

Điều này có thể, một phần, do các biện pháp giãn cách xã hội và chính sách khuyến khích ở yên tại nhà, nhưng cũng có thể là do việc hủy hẹn nói trên và trì hoãn trong lịch tiêm phòng. Sacha Deshmukh - Giám đốc điều hành của UNICEF Anh, cảnh báo rằng khoảng 117 triệu trẻ em có thể bỏ lỡ các đợt tiêm chủng vắc-xin do đại dịch toàn cầu.

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, một báo cáo gần đây của tổ chức cho thấy tốc độ tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới quá chậm để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, và sẽ tiếp tục bị kìm hãm bởi COVID-19. Các mục tiêu phát triển bền vững là một chương trình nghị sự rộng rãi mà Liên hiệp quốc đã thông qua, bắt đầu từ năm 2015 với mục đích giảm thiểu nghèo đói và các thiếu thốn khác - kể cả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - trên toàn cầu vào năm 2030. 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI