Ổ dịch ở Hải Dương phức tạp, khó lường và có thể kéo dài hơn

14/02/2021 - 19:18

PNO - Nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương chiều ngày 14/2.

Xuất hiện ca bệnh trong khu phong tỏa

Báo cáo tại hội nghị, ông Lương Văn Cầu - Phó chủ tịch UBDN tỉnh Hải Dương cho biết, tính đến 15g ngày 14/2, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 10/12 thành phố, thị xã, huyện có bệnh nhân COVID-19.

Để triển khai các biện pháp chống dịch, Hải Dương đã phong tỏa 66 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 103 khu cách ly tập trung, trong đó nhiều nhất là TP. Chí Linh với 29 khu cách ly, tiếp đến là thị xã Kinh Môn với 27 khu cách ly.

Nhận định về tình hình các ổ dịch trên địa bàn tỉnh, Phó chủ tịch Lương Văn Cầu cho hay, ổ dịch Chí Linh có 234 ca mắc, trong đó có ca xét nghiệm đến lần thứ 3 mới dương tính, 6.099 trường hợp F1 đã xét nghiệm ít nhất 2 lần. “Cơ bản ổ dịch này đã được khống chế”, ông Cầu nhấn mạnh.

Thị xã Kinh Môn có 58 ca mắc, trong 7 ngày gần đây chỉ có 9 ca, tất cả đều đã được cách ly, 3.729 trường hợp F1 đã được xét nghiệm. Theo ông Cầu, về cơ bản ổ dịch tại đây đã được khống chế.

Ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng ghi nhận 49 ca mắc, 1.550 trường hợp F1 đã được xét nghiệm hết. Tuy nhiên trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch trong khu công nghiệp, trong đó riêng công ty Kuroda Kagaku có 12 ca mắc. Hiện tất cả công nhân của công ty này (hơn 400 người) đều cách ly tập trung tại các địa phương. Ổ dịch này được đánh giá còn đang diễn biến phức tạp. 

Hiện Hải Dương đã xét nghiệm toàn bộ những người liên quan đến quán karaoke, đang tiếp tục truy vết ổ dịch Nam Sách có 26 ca bệnh, 514 trường hợp F1 đã được xét nghiệm 100%. Hiện ổ dịch này vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên đã bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong các khu phong tỏa...

Không đuổi theo dịch mà phải chặn dịch

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Như Dương -  Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận định, dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương ở môi trường phức tạp là khu công nghiệp đông công nhân, lại liên quan mật thiết đến cộng đồng dân cư đông đúc và ảnh hưởng liên quan đến các địa phương lân cận. 

Dịch xảy ra vào thời điểm giáp tết nên gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Hải Dương cũng đã bám sát các chỉ đạo của trung ương, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, các ổ dịch tại Hải Dương vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều nguy cơ, đặc biệt là sau khi công nhân đi làm trở lại, giao thương nhiều... 

Hiện nay, công suất xét nghiệm của Hải Dương đã tăng 20 lần so với ban đầu, trung bình khoảng 30.000 mẫu gộp/ngày. Tuy nhiên thời gian tới nhu cầu xét nghiệm rất lớn, do đó vẫn rất cần quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là khi triển khai xét nghiệm trên diện rộng tại một số địa phương.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác sàng lọc, bảo vệ bệnh nhân mạn tính như suy thận, chạy thận nhân tạo; cố gắng không để bệnh nhân suy thận mắc COVID-19, quản lý chặt chẽ bệnh nhân ung thư. 

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: "Tình hình dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể kéo dài hơn, nhưng tổng thể chung vẫn kiểm soát tốt tình hình”. Theo Bộ trưởng, Cẩm Giàng là địa bàn “đáng quan ngại”, cần triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt tại huyện này. 

Bộ trưởng đề nghị Hải Dương, thứ nhất áp dụng phong tỏa trên diện hẹp, giãn cách theo chỉ thị 16 trên diện rộng hơn để "không phải đuổi theo dịch mà phải chặn dịch, bởi cứ phát hiện ca nào lại đuổi theo ca đó là thất bại".

Thứ hai, ưu tiên tối đa các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn có dịch, xét nghiệm nhanh chóng. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phải lập trung tâm xét nghiệm (Labo) ngay tại Cẩm Giàng, cứ 2 ngày sàng lọc một lần; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thiết lập ngay Labo ở Chí Linh; Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương huy động sinh viên quay lại trường sau dịp nghỉ tết sớm để tăng cường nhân lực lấy mẫu. 

Thứ ba, cần giải tỏa cách ly ở khu vực Trường nghề Canada, Trường Chu Văn An. Đề nghị giao quân đội kiểm soát những khu vực, địa điểm khu cách ly từ trên 50 người trở lên.

Thứ tư, đối với nhà máy POYUN, nhà máy Kuroda Kagaku đưa người cách ly khỏi Hải Dương về các tỉnh/thành phố lân cận do Quân khu 3 quản lý và thực hiện tăng cường xét nghiệm trong khu cách ly.

Thứ năm, vẫn giãn cách xã hội và sản xuất ở khu công nghiệp, nhưng phải thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Thứ sáu, đề nghị Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục hỗ trợ tập huấn, chuẩn bị bộ máy nhân sự của Bệnh viện dã chiến số 3; đồng thời tăng cường, giám sát việc thực hiện cách ly tại khu dân cư;  triển khai quyết liệt hơn phương châm 4 tại chỗ.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI