Dịch COVID-19: Người dân cần cảnh giác với những thông tin sai sự thật!

16/07/2021 - 06:50

PNO - Mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận.

 Tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM đang diễn biến phức tạp. Trong khi chính quyền thành phố và các lực lượng chức năng đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh, thì trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận. 

Nhiều thông tin sai lệch 

Chiều 13/7, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện thông tin: “Từ 0 giờ ngày 15/7, TPHCM sẽ giới nghiêm, ngưng tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài” và kêu gọi người dân “tích trữ lương thực”. Thông tin khác là “một lãnh đạo UBND TPHCM dương tính với SARS-CoV-2”. Những thông tin này lan truyền nhanh chóng khiến người dân lo lắng.

Người đăng tin giả “phong tỏa TP.HCM 14 ngày” bị cơ quan công an xử phạt 10 triệu đồng vào tháng 3/2020 - Ảnh: T.L.
Người đăng tin giả “phong tỏa TPHCM 14 ngày” bị cơ quan công an xử phạt 10 triệu đồng vào tháng 3/2020 - Ảnh: T.L.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức lập tức khẳng định, những thông tin trên hoàn toàn sai sự thật, bịa đặt, gây hoang mang dư luận. Hiện, thành phố vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh, thường xuyên trao đổi, thống nhất các giải pháp chống dịch với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Cũng trong ngày 13/7, trên MXH lan truyền đoạn hội thoại giữa một phụ nữ và nhân viên y tế phường. Người phụ nữ cho biết, mẹ và em gái chị tự cách ly tại nhà đang trong tình trạng mệt mỏi, không tự chăm sóc bản thân. Chị ta giục nhân viên y tế sớm cho xe cấp cứu đến nhà kiểm tra sức khỏe và đưa người thân đi điều trị. Nhân viên y tế, sau đó cho biết đã liên lạc nhiều lần với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), nhưng vào thời điểm đó có tám trường hợp dương tính đang chờ lực lượng y tế đến hỗ trợ.

Sau khi đoạn clip được đăng tải, rất nhiều người đã bình luận tiêu cực, sai lệch về tình hình dịch bệnh. Nhiều ý kiến còn cho là TPHCM đã “vỡ trận”, để người dân phải “tự bơi”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ việc nói trên xảy ra tại P.Tân Định, Q.1. Người phụ nữ tên là N. gọi điện nhờ lực lượng chức năng đưa người thân nghi nhiễm COVID-19 đi điều trị. Nhưng lúc đó, xe cứu thương đang bận chuyển nhiều trường hợp F0, F1 đi cách ly tập trung, nên hai giờ sau HCDC mới bố trí xe đưa người thân của chị N. đến Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 số 3 để kiểm tra và theo dõi sức khỏe.

Đại diện UBND P.Tân Định khẳng định: “Tất cả các trường hợp nghi nhiễm hoặc dương tính trên địa bàn phường đều được đưa đi cách ly, điều trị tập trung. Không có chuyện bỏ mặc hay vì quá tải mà để người dân tự điều trị ở nhà, nguy kịch không ai chăm sóc. Chúng tôi mong người dân bình tĩnh, phối hợp với lực lượng chức năng để tìm phương án phù hợp phòng, chống dịch. Cùng với đó, người dân cần hết sức thận trọng trước những thông tin chưa rõ ràng trên MXH”.

Cách đây vài ngày, một số người đã đưa lên MXH hình ảnh các loại rau củ quả như bắp cải, bí đỏ, bông cải xanh… được bày bán trong các siêu thị như Emart, AEON, Vinmart+… với giá “cắt cổ”: 200.000 - 250.000 đồng/kg. Nhiều bình luận tỏ ra “sốc” và bày tỏ thái độ bức xúc với tình trạng giá cả leo thang giữa lúc dịch bệnh khó khăn. Không ít người còn chia sẻ bài viết và kêu gọi người dân tích trữ thực phẩm. Bức ảnh bắp cải nặng 818g có giá 204.500 đồng gây “sốc” nói trên được chụp tại Emart Gò Vấp.

Emart Vietnam đã nhanh chóng phản hồi rằng, những nội dung trên MXH cho rằng giá bắp cải tăng hơn 10 lần so với bình thường là hoàn toàn không chính xác. Hiện, bắp cải Đà Lạt chẳng những đang được bày bán với mức giá bình ổn mà còn khuyến mãi giảm giá nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong lúc khó khăn. Bức ảnh đăng trên MXH như đề cập là bắp cải xoăn Úc - sản phẩm được xem là “nữ hoàng rau xanh” được nhập khẩu từ Úc, không phải là bắp cải Đà Lạt.

Người dân cần đề cao cảnh giác

Một cán bộ Công an TPHCM cho biết, việc tung tin giả về dịch bệnh, về phong tỏa thành phố là thủ đoạn không mới và đã từng xảy ra trong đợt dịch năm ngoái, cơ quan chức năng đã xử lý không ít trường hợp. 

Ngoài những trường hợp đối tượng cố tình tung tin giả, gây hoang mang dư luận, thì không ít người vì vô tình mà lan truyền thông tin sai sự thật dẫn đến bị xử phạt.

Tháng Ba năm ngoái, trên mạng xuất hiện tin giả “phong tỏa TPHCM 14 ngày”. Một trong hàng chục tài khoản đăng tải thông tin này bị cơ quan điều tra mời làm việc là N.V.Đ., 20 tuổi, lái xe ở P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú. Anh này cho biết, thấy tin trên mạng thì chia sẻ về trang của mình để nhiều người cùng biết và chủ động phòng ngừa chứ không biết là tin sai sự thật. Đ. bị xử phạt 10 triệu đồng.

“Vụ việc cho thấy, chỉ lơ là, mất cảnh giác là chúng ta có thể tiếp tay lan truyền thông tin sai sự thật và làm ảnh hưởng đến nhiều người. Vì vậy, trước khi đăng tải hay chia sẻ thông tin từ người khác, người dân hãy cân nhắc và tự kiểm chứng thật kỹ để không vi phạm”, vị cán bộ Công an TPHCM chia sẻ.

Đại tá - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn (chuyên gia tội phạm học) nhận định, việc phát tán tin giả với mục đích gây hoang mang dư luận, xáo trộn xã hội là một trong những thủ đoạn của tội phạm. Lại có những người chia sẻ tin giả để câu view, câu like, nổi tiếng trên mạng. Nhưng cũng có không ít đối tượng xấu lợi dụng tình hình dịch bệnh hay các sự kiện chính trị quan trọng để tung tin giả nhằm mục đích chính trị.

Ông Đỗ Cảnh Thìn nhắn nhủ: “Ngoài việc vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng thì sự cảnh giác của người dân là rất quan trọng. Các tin giả thường nhằm vào các vấn đề có sức hút, có độ quan tâm lớn trong nhân dân, do đó người dân cần hết sức cảnh giác trước khi chia sẻ thông tin trên mạng”.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM), căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; căn cứ khoản 1 và 3, điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về “Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện”, những trường hợp cố tình cung cấp, tạo dựng thông tin sai sự thật đăng lên các trang MXH như Facebook, Zalo… sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - cho biết: “Các cơ quan chức năng đang kiểm tra, giám sát rất kỹ những thông tin sai sự thật trên MXH, đặc biệt là những thông tin liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Những trường hợp cố tình đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý rất nghiêm vì pháp luật đã quy định rất rõ điều này”. 

Đăng tin giả mạo về hoàn cảnh bệnh nhân COVID-19 để quyên góp rồi chiếm đoạt

Theo Công an TPHCM, một trong những thủ đoạn lừa đảo trên mạng hiện nay là đăng thông tin giả về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân COVID-19 để vận động quyên góp rồi chiếm đoạt. Cùng với đó, các đối tượng xấu còn gọi điện thoại thông báo cho người dân trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.


Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI