Sinh hoạt chung không đảm bảo khoảng cách
Căn nhà dùng làm nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ trong Hội thánh Truyền giáo Phục hưng (415/8/4 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp) của vợ chồng ông P.V.T. chỉ rộng khoảng 50m2. Trong căn nhà đóng kín cửa này, có ít nhất 20 người cùng sinh hoạt tôn giáo trong tình trạng không đảm bảo khoảng cách và cũng không đeo khẩu trang.
Những lời khai báo “nhỏ giọt” ban đầu đã khiến việc truy vết khó khăn. Từ khi được phát hiện (tối 26/5) cho đến sáu ngày sau, số lượng thành viên thực sự của nhóm sinh hoạt tôn giáo này lên đến 55 người, trong đó có 40 người đã nhiễm bệnh. Từ 40 người này, vi-rút SARS-Cov-2 đã lây qua 160 người khác, lan ra sáu tỉnh, thành ngoài TPHCM thông qua tiếp xúc trong gia đình, bạn bè, nơi làm việc.
Hiện 20/22 địa phương cấp quận của TPHCM có ca bệnh cư trú, ngoại trừ quận 11 và huyện Cần Giờ. Các địa phương có nhiều ca bệnh gồm quận Gò Vấp (52 ca), quận 12 (23 ca), quận Bình Thạnh (22 ca), quận Tân Phú (22 ca), quận Tân Bình (22 ca), là những quận có dân số và mật độ dân số cao của TPHCM, là yếu tố khiến dịch bệnh có thể tiếp tục lây lan nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.
|
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một em bé ở phường 9, quận Gò Vấp, TPHCM - Ảnh: HCDC |
Văn phòng dùng máy lạnh trung tâm
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - nhận định ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, nguy cơ lây nhiễm ở nơi làm việc khá cao, nhất là trong các tòa nhà văn phòng có môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm. Trong chùm ca bệnh ở TPHCM đợt này, ngoài 40 người sinh hoạt tôn giáo chung, có chùm ca bệnh lên đến 34 người tại Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN, ở số 1 Hoàng Việt, quận Tân Bình. Tòa nhà này có bốn tầng nhưng dành riêng một tầng cho 300 người, làm trong môi trường không có vách ngăn.
Tương tự, Công ty TNHH Phát triển giải pháp tầm nhìn IDS - ở quận Tân Phú, nơi có chín ca bệnh - cũng là văn phòng đóng cửa, bật máy lạnh. Công ty Concentrix trong Công viên Phần mềm Quang Trung có bốn ca và tất cả 400 nhân viên đều phải đi cách ly tập trung. Trường Mầm non Kid Town - phường Tân Thới Nhất, quận 12 có năm ca; tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận có bốn ca (nơi này có 100 nhân viên)…
Theo giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, tòa nhà 65 Nguyễn Du, quận 1 có khoảng 1.300-1.500 người nhưng đã đảm bảo tốt khoảng cách khi làm việc nên chỉ có hai ca nhiễm và có thể không bị phong tỏa.
Nguy cơ dịch lây lan trong khu công nghiệp
TPHCM cũng đã ghi nhận ba ca bệnh làm việc trong ba khu công nghiệp Tân Bình, Tây Bắc Củ Chi, Vĩnh Lộc - Hóc Môn.
Tối 30/5 có một trường hợp tại tỉnh Long An dương tính với SARS-Cov-2 là nhân viên làm việc ở Công ty Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức, TPHCM), nơi có 1.082 người lao động. (Hiện đã xác định 146 người là F1 để cách ly tập trung, xét nghiệm và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát những người còn lại. Công ty đã ngưng hoạt động từ 22g ngày 30/5/2021.
Ngoài ra, một số người sinh hoạt trong Hội thánh Truyền giáo Phục hưng là nhân viên của các công ty trong khu công nghiệp. Theo giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, điều này cho thấy, nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại là rất cao. Môi trường làm việc và sinh hoạt tập trung đông người trong các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi để dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng. Ông dự đoán, ổ dịch này sẽ lên 500 người từ các trường hợp F1 trở thành F0.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, chuỗi lây nhiễm từ Hội thánh Truyền giáo Phục hưng là ổ dịch nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất tại TPHCM. Vì vậy, sẽ có thêm một số ổ dịch không rõ nguồn lây, có thể xuất hiện thêm một số ổ dịch khác nữa.
Ông nói: “TPHCM đã truy vết chậm từ 4-5 chu kỳ lây nhiễm của vi-rút SARS-CoV-2. Chu kỳ lây nhiễm của vi-rút lần này rút ngắn lại chỉ còn 2-3 ngày và có thể là ngắn hơn. Vì vậy, chuỗi lây nhiễm từ hội thánh đã lây lan theo cấp số nhân, việc truy vết bị chậm hơn 4-5 chu kỳ (vòng lây nhiễm từ người này sang người kia). Biến chủng vi-rút SARS-CoV-2 lần này không phải lây qua đường nước bọt nữa mà là lây qua đường không khí nên số người nhiễm nhiều hơn đợt dịch lần trước và khiến bệnh nặng hơn, xuất hiện các ca tử vong”.
Đã đến lúc dùng test nhanh kháng nguyên?
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, TPHCM không thể cùng lúc xét nghiệm cho 1,6 triệu công nhân, nên phải nhanh chóng áp dụng test nhanh kháng nguyên với độ nhạy khoảng 70%. Ông cho rằng, TPHCM nên áp dụng test nhanh kháng nguyên (có kết quả sau 30 phút) để tầm soát những nơi có đông công nhân làm việc; nếu xác định nơi nào không đảm bảo an toàn thì cho dừng sản xuất.
|
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Nơi đây sẽ áp dụng test nhanh kháng nguyên |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - cho rằng đã đến lúc TPHCM cần phải đưa ra phương án để người dân dễ dàng hơn khi tiếp cận xét nghiệm chẩn đoán COVID-19, nhất là khi họ nghi ngờ hay quá lo lắng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, dùng test nhanh kháng nguyên có rất nhiều ưu điểm, nhất là trong bối cảnh số lượng cần lấy mẫu lên đến hàng chục ngàn người mỗi ngày như hiện nay: “Đa số nơi xét nghiệm truy vết tập trung quá đông người, không an toàn để chống dịch. Xét nghiệm theo phương pháp RT-PCR không đủ nhanh, lại huy động nguồn lực lấy mẫu quá lớn. Người dân xét nghiệm bằng RT-PCR thấp thỏm chờ kết quả, trong khi test nhanh kháng nguyên chỉ mất 15-30 phút. Nhiều nơi có thể test nhanh kháng nguyên trong khi cả thành phố chắc không quá 30 nơi test RT-PCR. Việt Nam sản xuất được các nguyên vật liệu để test nhanh kháng nguyên, huấn luyện nhanh, trong khi dùng RT-PCR thì phải nhập sinh phẩm, máy móc đắt tiền, quy trình để thiết lập hệ thống rất lâu”.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện các bệnh viện ở TPHCM đang mua các dụng cụ test nhanh kháng nguyên để dùng. Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 cũ) - cho biết bệnh viện đang mua khoảng 1.000 dụng cụ test nhanh để tầm soát bệnh nhân. Hiện bệnh viện đang áp dụng test nhanh kháng nguyên để sàng lọc các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Bác sĩ Trần Văn Sóng - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cũng cho biết bệnh viện đang làm các thủ tục để mua dụng cụ test nhanh kháng nguyên.
Hiếu Nguyễn
Phải dập hết dịch trong 1-2 tuần
Ngày 1/6, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu phải dập tắt ngay các ổ dịch lớn ở TPHCM trong 1-2 tuần, không để lây lan.
Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, TPHCM phải rà soát, bổ sung các bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực để áp dụng vào thực tế. Các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, phải thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung các hướng dẫn về phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng; đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, chủ động có các phương án chống dịch; đặc biệt, quản lý chặt chẽ, nêu cao tính kỷ luật của người lao động, quan tâm điều kiện làm việc, đảm bảo giãn cách, phun thuốc khử khuẩn… để người lao động yên tâm làm việc.
Từ 0g ngày 31/5, TPHCM giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, cách ly xã hội toàn quận Gò Vấp và một phường của quận 12 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. So với đợt giãn cách xã hội toàn thành phố vào năm ngoái, lần này, người dân đối mặt với nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn. quận Gò Vấp trở thành điểm nóng về COVID-19 của TPHCM và ở đây, lần đầu tiên, TPHCM xét nghiệm tổng lực cho cả một phường.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết phương án này được đưa ra do trong quá trình truy vết chuỗi lây nhiễm liên quan đến hội thánh, có đến năm mẫu xét nghiệm gộp (một mẫu gồm năm mẫu đơn) dương tính. Đây là những mẫu xét nghiệm của cư dân phường 15, quận Gò Vấp. Từ tối 28/5 cho đến hết ngày 29/5, khoảng 50.000 người dân P.15, Q.Gò Vấp được lấy mẫu; tiếp đó là 24.000 cư dân của phường 9, quận Gò Vấp vào ngày 30/5.
Tính đến sáng 1/6, tổng số F1 là 3.028 người, trong đó có 2.557 mẫu âm tính, 471 mẫu chờ kết quả. Tổng số F2 là 5.945 người và 190.265 người được xét nghiệm mở rộng, gồm 67.619 mẫu âm tính, 128.591 chờ kết quả. Toàn bộ hệ thống y tế TPHCM cũng đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm mở rộng trên toàn thành phố. Trước mắt là tất cả các đơn vị bầu cử có thành viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng cư ngụ, tất cả công nhân, người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
|