Dịch COVID-19 lắng xuống, trạm y tế lại vắng tanh

07/06/2022 - 06:10

PNO - Ở miền Trung, lúc dịch COVID-19 bùng phát, các trạm y tế xã tấp nập người đến tiêm vắc xin, nhận thuốc điều trị, xác nhận giấy tờ. Khi dịch lắng xuống, các trạm này trở lại cảnh đìu hiu như vốn có. Muốn khám bệnh, người dân chọn đến các bệnh viện lớn chứ không chọn trạm y tế xã.

Trạm y tế xã lại đìu hiu

Gần 2g sáng đầu tháng 6/2022, vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh (xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) rời nhà, cuốc bộ hơn 500m đến Quốc lộ 1A đón xe khách để đến TP.Đà Nẵng khám bệnh. Xe chạy lòng vòng, bắt đủ khách, mới lên đường. 

Chừng ba giờ sau, họ kêu dừng xe gần cổng Bệnh viện Quân y C17 (Cục Hậu cần, Quân khu 5). Sau khi chờ khá lâu, họ mới lấy được phiếu thứ tự thăm khám bệnh. Qua nhiều khoa, phòng, bác sĩ kết luận, anh Minh không có khối u trong não, chỉ cần mua thuốc theo toa uống. Vợ chồng anh lại ra ngồi ở lề đường chờ xe đến đón về nhà.

Trạm Y tế xã Hải Sơn, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn cho công tác khám, chữa bệnh ẢNH: THUẬN HÓA
Trạm Y tế xã Hải Sơn, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn cho công tác khám, chữa bệnh - Ảnh: Thuận Hóa

Cũng như vợ chồng anh Minh, nhiều người dân ở xã Phổ Cường bắt xe khách ra TP.Đà Nẵng hay vào TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khám bệnh với chi phí đi và về khoảng 300.000 đồng/người. Họ chấp nhận nhọc công, tốn tiền xe cao chứ không đến Bệnh xá Đặng Thùy Trâm gần đó để khám dù bệnh xá này có trang thiết bị y tế và cán bộ, nhân viên tốt hơn các trạm y tế cấp xã khác của tỉnh Quảng Ngãi. 

Anh Nguyễn Văn Minh so sánh: “Bệnh xá chỉ khám, cho thuốc điều trị những bệnh thông thường. Với lại, trang thiết bị và chuyên môn của y, bác sĩ ở đây không thể bằng các bệnh viện lớn”.

Bác sĩ Phạm Hồng Thái - Trưởng Trạm Y tế xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) - cho biết, trạm này được trang bị máy siêu âm, máy điện tim. Trạm chưa thể khám, chữa các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch, ung thư nhưng vẫn khám, chữa được các bệnh thông thường. Thuốc điều trị cho bệnh nhân chủ yếu nằm trong danh mục bảo hiểm y tế. Người dân ít đến trạm bởi khi mắc bệnh thông thường, họ tự mua thuốc uống; khi cần khám tổng quát, họ đến các bệnh viện lớn cho “chắc ăn”. 

Nhiều trạm xá xuống cấp

Huyện miền núi Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên - Huế có 11 trạm y tế. Các trạm được xây cách đây gần mười năm, ban đầu trông rất khang trang nhưng nay hầu hết đều xuống cấp, thiết bị y tế cũng hư hỏng.

Trạm Y tế xã Thượng Lộ, H.Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế xuống cấp từ nhiều năm nay khiến việc khám, chữa bệnh rất khó khăn - ẢNH: THUẬN HÓA
Trạm Y tế xã Thượng Lộ, H.Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế xuống cấp từ nhiều năm nay khiến việc khám, chữa bệnh rất khó khăn - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Hồ Văn Hảo (xã Thượng Lộ, H.Nam Đông) nói: “Những ngày cao điểm dịch bệnh, bà con phải xếp hàng chờ đến lượt tiêm vắc-xin. Ngày thường, bà con bắt xe buýt đến Bệnh viện Trung ương Huế để khám, bởi khám ở trạm y tế xã rất nguy hiểm. Các phòng hư nhiều, lỡ tường sập, đè người thì ai chịu trách nhiệm”. Quả thật, tại trạm này, phòng hậu sản, phòng cấp phát thuốc xuống cấp, nhiều mảng tường bong tróc, thấm dột, cửa phòng mục ruỗng. 

Bác sĩ Hoàng Thị Di - Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Lộ - thông tin, trạm được xây dựng từ năm 2011, hiện có sáu cán bộ. Mấy năm gần đây, trạm xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến việc khám, chữa bệnh. Trạm đã đề xuất sửa chữa, nâng cấp nhưng chưa biết khi nào mới có dự án đầu tư.

Huyện cũng thiếu, xã sao có được?

Theo ông Đinh Hữu Long - Giám đốc TTYT H.Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam - hiện nay, nếu xét theo số giường bệnh do Sở Y tế giao hằng năm thì các TTYT không thể nào đủ y, bác sĩ để khám, chữa bệnh. Trong khi đó, theo đề án vị trí việc làm hằng năm, mỗi TTYT phải cắt giảm 10% nhân lực. 

“Căn cứ theo quy định thì TTYT H.Quế Sơn có 220 giường bệnh. Sở giao cho chúng tôi 165 giường bệnh theo kế hoạch nhưng thực kê đến 200 giường bệnh. Như vậy, nhân lực phục vụ cho 35 giường bệnh kia thì chúng tôi phải hợp đồng, nhưng tỉnh lại quy định không được hợp đồng ngoài chỉ tiêu. Chúng tôi đã thiếu về số lượng và đang chật vật về chất lượng. Bác sĩ chính quy bây giờ không về tuyến huyện, còn các trường đại học không đào tạo y sĩ học lên bác sĩ nữa. H.Quế Sơn hiện chỉ có 11 - 12 bác sĩ trực tiếp làm việc ở TTYT. Ở tuyến huyện còn thiếu như vậy thì làm sao đòi hỏi có bác sĩ ở trạm y tế xã?” - ông Đinh Hữu Long nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, hầu hết các TTYT của tỉnh chưa thành lập đủ 15 khoa chuyên môn như quy định tại Thông tư 37 của Bộ Y tế do thiếu người và biên chế được giao chưa đảm bảo với nhu cầu. Nhi, ngoại, sản, nội, răng hàm mặt, tai mũi họng, phục hồi chức năng… là những chuyên ngành đang thiếu trầm trọng bác sĩ.

Trạm Y tế xã Thượng Quảng gần đó cũng trong tình trạng tương tự: Nhiều phòng nứt nẻ, thấm dột, hệ thống cửa mục nát, các thiết bị như máy điện tim, máy siêu âm, máy xét nghiệm nước tiểu hư hỏng. Bác sĩ Hồ Văn Nghênh - Trưởng trạm này - nói: “Khi dân đến trạm, cán bộ y tế chỉ khám, tư vấn bằng trực quan, sau đó giới thiệu lên bệnh viện huyện cách đó 15km”.

Tại Trạm Y tế xã Hải Sơn, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, các phòng chức năng, phòng làm việc, phòng khám chữa bệnh, phòng dược đều bị hư hỏng nặng. Các bức tường, trần nhà, trần hành lang đều bị thấm dột, bong tróc, lở lói. Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hồng Huệ cho biết, chỉ cần một trận mưa nhỏ, nước sẽ ngấm từ trần nhà chảy thẳng xuống sàn. Khi có bão lũ, nơi an toàn nhất của trạm chính là nhà vệ sinh. 

Thiếu bác sĩ và kỹ thuật viên

TP.Đà Nẵng hiện có hệ thống cơ sở y tế mạnh nhất miền Trung. Thế nhưng, vẫn còn một số trạm y tế xã của H.Hòa Vang thiếu bác sĩ, như xã Hòa Khương, xã Hòa Nhơn.

Bà Trần Thị Trọng - Trưởng Trạm Y tế xã Duy Nghĩa, H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - cho hay, trạm được cấp máy siêu âm và máy đo điện tim vào năm 2017 nhưng không có kỹ thuật viên vận hành nên đến nay, máy vẫn ở nguyên trong kho. Có một lần, nhân viên của trạm mang máy ra lắp đặt nhưng máy không hiển thị thông số kỹ thuật nên lại cất máy vào kho. 

Các trạm y tế cấp xã, phường đang được Sở Y tế TP.Đà Nẵng nâng cấp, cải tạo khang trang, hiện đại  (trong ảnh: Trạm Y tế xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, Đà Nẵng) - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Các trạm y tế cấp xã, phường đang được Sở Y tế TP.Đà Nẵng nâng cấp, cải tạo khang trang, hiện đại (trong ảnh: Trạm Y tế xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, Đà Nẵng) - Ảnh: Đình Dũng

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng - cho rằng, trạm y tế xã có bác sĩ càng tốt, không có bác sĩ thì vẫn hoạt động được. Các tiêu chí (như phải có bác sĩ) chỉ phù hợp với ngày xưa. Bây giờ bệnh viện tư, phòng khám tư mọc lên nhiều rồi. Trạm chỉ cần người có tư duy là làm được, vì tuyến y tế cơ sở không chỉ khám chữa bệnh mà còn chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyên truyền phòng bệnh.

Đối với nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu thì việc khám, chữa bệnh chỉ đóng vai trò khoảng 10%, còn 90% là các đầu việc khác như phòng chống dịch, quản lý hồ sơ sức khỏe người dân, quản lý an toàn thực phẩm, công tác dân số… “Khám, chữa bệnh là việc của các bệnh viện. Phải hiểu y tế cơ sở là kết hợp giữa tuyến quận huyện và tuyến phường xã. Bệnh viện huyện phụ trách khám chữa bệnh và hỗ trợ phòng chống dịch, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; trạm y tế xã làm y tế dự phòng. Hai hệ thống này hỗ trợ qua lại” - bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh nói. 

Ông nói thêm: “Bây giờ, quan trọng là quản lý, chăm sóc sức khỏe, chứ không phải đợi có bệnh rồi mới đi chữa bệnh. Do đó, đầu tư máy móc hay nhân sự cho trạm y tế xã không quá quan trọng mà quan trọng là nâng cao trình độ dân trí, đầu tư vào công tác nâng cao sức khỏe và phòng bệnh”. 

Hai máy chạy thận bị “trùm mền” hơn mười năm

Năm 2011, Bệnh viện Đa khoa Chân Mây (xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đi vào hoạt động, được trang bị nhiều máy móc hiện đại với trị giá đầu tư hàng chục tỷ đồng từ tiền ngân sách, như máy chạy thận, máy chụp X-quang, máy siêu âm, chẩn đoán hình ảnh.

Trong số đó, có hai máy chạy thận nhân tạo do Đức sản xuất, trị giá mỗi máy hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, qua ba đời giám đốc Sở Y tế, hai máy chạy thận này vẫn nằm trong kho, chưa từng được đưa vào sử dụng và cũng không có phương án sử dụng, vận hành cụ thể. 

Hai máy chạy thận trị giá 2,4 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa khoa Chân Mây đến nay vẫn nằm kho - ẢNH: THUẬN HÓA
Hai máy chạy thận trị giá 2,4 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa khoa Chân Mây đến nay vẫn nằm kho - Ảnh: Thuận Hóa

Tháng 5/2021, sau khi Bệnh viện Đa khoa Chân Mây trở thành cơ sở 2 của TTYT H.Phú Lộc, TTYT huyện này từng xin ý kiến của Sở Y tế về phương án xử lý, điều chuyển, sử dụng hợp lý hai máy chạy thận này nhằm tránh gây lãng phí, nhưng mọi việc rơi vào im lặng.

Ông Ngô Văn Dũng - Phó Giám đốc TTYT H.Phú Lộc phụ trách cơ sở 2 - cho biết, khi còn làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Chân Mây, ông Hoàng Văn Thám từng đề xuất điều chuyển máy chạy thận đến cơ sở y tế khác để tránh lãng phí, nhưng Sở Y tế chưa có phương án giải quyết phù hợp. Bệnh viện Đa khoa Chân Mây trước đây, cơ sở 2 của TTYT H.Phú Lộc hiện nay, đều không đủ năng lực, điều kiện để vận hành, sử dụng thiết bị y tế hiện đại và đắt tiền này.

“Muốn sử dụng các máy chạy thận, phải có bác sĩ chuyên khoa, có ê-kíp để vận hành nhiều thiết bị kèm theo. Tính ra, phải có 4 - 5 bác sĩ, kỹ thuật viên và phải có đơn nguyên chuyên chạy thận. Nhưng, Bệnh viện Đa khoa Chân Mây lại không đáp ứng được những điều kiện này” - ông Ngô Văn Dũng nói. 

Trao đổi với báo chí, ông Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin, sở đã cử tổ quản lý trang thiết bị y tế kiểm tra hiện trạng của máy, đồng thời cử cán bộ y tế tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo để bảo đảm điều kiện về nhân lực quản lý và sử dụng máy chạy thận trong thời gian tới.

Nhóm phóng viên

 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI