Thu nhập không đủ sống
Lê Văn Hiếu - 27 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi - vốn là ông chủ của một tiệm hủ tíu gõ ở đường số 21, phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM. Khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, Hiếu ngưng bán hủ tíu và chuyển sang làm shipper. Anh nói: “Trước đây, thu nhập khi làm shipper 8 giờ/ngày cao gấp đôi lương công nhân. Còn bây giờ, chạy 13-14 giờ/ngày cũng chỉ được 500.000 đồng, chưa tính tiền xăng và phí hao tổn xe”.
|
Tài xế Lê Văn Hiếu nằm đợi “nổ cuốc”. Anh cho biết, mỗi ngày chạy 13-14 giờ mới có thu nhập được khoảng 300.000 đồng - Ảnh: Sơn Vinh |
Anh Hiếu cho biết, hiện giờ, do đơn hàng ít, shipper phải liên tục “tăng ca” mới đủ tiền trang trải cuộc sống. Mở bảng kê thu nhập trên ứng dụng (app), anh Hiếu nói, trong tuần qua, ngày “đắt cuốc” nhất của anh là 5/11. Hôm đó, anh làm việc suốt 16 giờ, giao được 20 đơn hàng, thu nhập 750.000 đồng. Với mức thu nhập này, anh phải trả cho hãng hơn 150.000 đồng phí và chiết khấu, gần 9.000 đồng tiền thuế, chỉ giữ lại được khoảng 590.000 đồng, chưa trừ tiền xăng, tiền ăn uống, hư hao xe.
Nhiều shipper ở TPHCM cho biết, sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, họ hăm hở làm việc vì nghĩ nghề này sẽ “có ăn”. Thế nhưng, người tiêu dùng đã giảm mua hàng trực tuyến, trở lại mua hàng trực tiếp theo kiểu truyền thống. Trong khi đó, shipper phải chia thị phần do nhiều hãng mới được lập ra, số người giao hàng ngày một nhiều.
Nguyễn Phương Thủy - 31 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Long - là một trong những nữ tài xế khá dày dạn kinh nghiệm ở quận Bình Tân, TPHCM. Trước đây, chị Thủy làm công nhân may mặc. Lương công nhân thấp, đơn hàng không ổn định nên từ đầu năm 2019, chị xin nghỉ, chuyển sang làm shipper để chủ động thời gian và có thu nhập khá hơn.
Chị kể: “Lúc cao điểm dịch và mới hết dịch, em kiếm mỗi ngày từ 1-1,2 triệu đồng. Còn bây giờ, mỗi ngày kiếm được 200.000 đồng sau khi trừ xăng, thuế, phí là mừng rồi”. Mấy ngày nay, chị Thủy chủ yếu giao hàng vào buổi tối để tránh nắng nóng, kẹt xe và tránh chầu chực chờ đổ xăng.
Việc ghép đơn hàng cũng khiến người giao hàng tốn nhiều thời gian chờ đợi và di chuyển nhưng tiền công vẫn chỉ được tính tương đương 1 đơn. Khi ghép nhiều đơn hàng vào 1 chuyến, bên mua hàng vẫn phải trả theo từng đơn riêng lẻ chứ không được ưu đãi gì.
Chủ tiệm bỏ ứng dụng, tài xế bỏ hãng
Lúc cao điểm dịch, khu vực quanh tòa nhà Hapulico, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội là một trong những địa điểm tập kết của giới shipper. Tuy nhiên, chiều 10/11, khi ghé khu này, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài shipper.
|
Nhiều shipper ở khu quận Thanh Xuân, TP Hà Nội than ế ẩm, thu nhập sụt giảm - Ảnh: Bảo Khang |
Chị Đỗ Ngọc Bích - chủ một tiệm thời trang ở TP Hà Nội - nói, khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng tương tác trên các kênh bán hàng online giảm hẳn, đơn mua online cũng ít hơn trước. Đối với quần áo, người tiêu dùng muốn đến tận nơi xem, ướm thử nhiều cái rồi chọn mua cái vừa vặn nhất. “Nói chung, thói quen mua sắm trực tiếp đã quay trở lại nên đơn hàng online giảm hẳn” - chị nói.
Chị Lê Vân Anh - chủ một tiệm bán thức ăn lành mạnh (healthy) ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP Hà Nội - kể, lúc giãn cách xã hội do dịch COVID-19, chị làm không đủ bán, nhưng từ khi hết giãn cách, số lượng đơn giảm hẳn. Chị cố chạy quảng cáo, giảm giá nhưng đến nay thì quyết định dừng bán online. Chị nói: “Đơn ít, tôi phải tự chạy xe giao hàng và cũng bỏ tham gia ứng dụng bán hàng online”.
Giá cả hàng hóa tăng, cước phí giao hàng cũng tăng khiến giá mỗi đơn hàng online bị đẩy lên quá cao, người dân ngại đặt mua hàng qua ứng dụng giao hàng nhanh. Anh Đinh Quang Trung - giao hàng cho dịch vụ Grab - dẫn chứng, anh vừa giao 1 đơn hàng 69.000 đồng nhưng cước phí 6,6km chiếm 27.000 đồng.
Anh Lê Tuấn Phong từng giao hàng cho dịch vụ Grab, Baemin, Giao hàng tiết kiệm nhưng nay chuyển sang chạy tự do, giao hàng cho mối quen và nhận đưa đón trẻ em trong xóm đi học. Lý do là tiền chiết khấu cho dịch vụ cao khiến thu nhập không đủ sống; hơn nữa, phải chạy nhanh vào giờ cao điểm, rất nguy hiểm.
Doanh nghiệp bán lẻ vẫn đẩy mạnh bán hàng online
Tuy việc mua hàng ăn online sau dịch suy giảm dẫn đến cuộc sống khó khăn của các shipper, nhưng thị trường bán lẻ vẫn đang đẩy mạnh kênh online. Và đó là cơ hội cho nhiều người làm nghề giao hàng. Ông Nguyễn Thế Sỹ Quý - Trưởng phòng Thị trường, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) - cho biết, VISSAN đẩy mạnh bán hàng qua kênh online để người tiêu dùng mua sắm nhanh chóng, tiện lợi hơn. Ngoài kênh bán hàng trực tuyến Vissanmart.com ở TPHCM, TP Hà Nội và TP Đà Nẵng, công ty còn mở rộng hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử liên kết như SendoFarm, Foody, Grab, Loship, TikiNgon, Pinnow… Người tiêu dùng có thể mua cả thực phẩm chế biến và thực phẩm tươi sống online.
“Doanh thu từ kênh bán hàng online chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán hàng của VISSAN nhưng mua sắm hàng hóa từ các nhà bán hàng online, người tiêu dùng được nhận nhiều ưu đãi, được giảm giá sản phẩm khi các sàn thương mại điện tử chạy các chương trình khuyến mãi” - ông Sỹ Quý nói.
Ông Nguyễn Đức Tân - Giám đốc kinh doanh và tiếp thị, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) - cho biết, chỉ sau 2 tuần mở bán hạt điều trên sàn thương mại trực tuyến Amazon, 3/4 loại hạt điều của Lafooco đã lọt vào tốp 10 sản phẩm hạt điều mới bán chạy nhất trên Amazon. Riêng 2 dòng sản phẩm hạt điều rang muối biển vị caramel và hạt điều rang muối biển vị dừa lọt tốp 100 sản phẩm hạt điều tại gian hàng Amazon ở Mỹ.
Theo báo cáo mới đây của Ninja Van Group (tập đoàn bưu chính, thương mại điện tử hoạt động ở khu vực Đông Nam Á), Việt Nam hiện chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến của Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỉ lệ 16% và ngang bằng với Philippines. |
Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam - đánh giá, với xu hướng mua sắm online tăng cao trong năm 2021, thương mại điện tử nói chung và Amazon toàn cầu nói riêng đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Năm 2022, mọi người bắt đầu quay lại với các hoạt động mua sắm bình thường, cộng với những diễn biến xấu đi của kinh tế toàn cầu nhưng ở Việt Nam, Amazon vẫn đạt mức tăng trưởng tốt. Trong vòng 12 tháng kể từ 1/9/2021 đến 31/8/2022, số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phan Xuân Dũng - Giám đốc kinh doanh của Ninja Van Việt Nam - cho biết, Ninja Van Việt Nam đang vận chuyển 300.000 đơn hàng mỗi ngày từ các cửa hàng, doanh nghiệp lớn và nhỏ khắp Việt Nam.
Sơn Vinh - Bảo Khang - Nguyễn Cẩm