Dịch COVID-19 làm tăng chênh lệch giàu nghèo ở nhiều quốc gia

24/01/2022 - 14:53

PNO - Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) cảnh báo rằng đại dịch đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong một quốc gia, nhất là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Sự bất bình đẳng về thu nhập và giàu nghèo trên thế giới được cho là đã đạt đến mức “báo động” sau 2 chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến ít nhất 5,5 triệu người thiệt mạng.

Theo nghiên cứu, bất bình đẳng ở Trung Quốc nhỏ hơn ở Mỹ
Theo nghiên cứu, chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc nhỏ hơn ở Mỹ

Theo các nhà phân tích, sự chênh lệch này hiện đang khá rõ rệt vào tạo ra thách thức đối với các nước châu Á, khiến chính phủ các nước này phải triển khai nhiều chính sách hỗ trợ.

Hôm 24/1, trong một báo cáo có tựa đề “Inequality Kills” (tạm dịch: “Xóa bỏ bất bình đẳng”), Oxfam - một liên minh do Anh thành lập năm 1942, gồm 21 tổ chức từ thiện độc lập, với mục tiêu xóa đói giảm nghèo toàn cầu - cho biết tài sản của 10 người đàn ông giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi, đạt con số khoảng 1.500 tỷ USD kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi thu nhập của 99% dân số trên thế giới đang bị giảm nghiêm trọng trong thời gian này.

“Hiện, các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc - đang theo đuổi một số chính sách quan trọng nhằm giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, trong đó có việc áp thuế cao hơn đối với người giàu, và chống các công ty độc quyền. Tuy đây chỉ mới là một bước khởi đầu, nhưng nó sẽ mở ra các cơ hội cho một sự cân bằng kinh tế mới giữa các thành phần trong xã hội”, Oxfam nhận định.

Ông David Malpass, Chủ tịch WBG, cũng cho biết cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo, và nhất là sự bất bình đẳng trong nước ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. “Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng này là điều đặc biệt đáng lo ngại, vì nó có thể dẫn đến bị bất bình trong xã hội ở các nước đang phát triển”, ông Malpass viết trong lời mở đầu của ấn bản “Triển vọng Kinh tế toàn cầu”, được phát hành vào tháng Giêng năm nay.

Dữ liệu từ các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và giàu nghèo ở Trung Quốc đang tồi tệ hơn các nước châu Âu, nhưng lại tốt hơn Mỹ, nhiều nước Mỹ Latinh và châu Phi khác.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số Gini dựa trên thu nhập của nước này là 0.465 vào năm 2016, và không thay đổi trong lần công bố gần nhất vào năm 2019, cao hơn mức cảnh báo quốc tế là 0.4. Nếu chỉ số Gini ở mức 1.0 thì một quốc gia đang bị bất bình đẳng hoàn toàn, trong khi mức 0.0 biểu thị sự bình đẳng tuyệt đối.

Theo báo cáo hàng năm do Phòng Nghiên cứu bất bình đẳng thế giới được công bố vào tháng 12/2021, 50% người trưởng thành ở Trung Quốc có thu nhập trung bình khoảng 25.520 nhân dân tệ (tương đương hơn 90 triệu đồng) mỗi năm, trong khi số tiền mà 10% dân số giàu có nhất ở nước này kiếm được trung bình hàng năm lại gấp 14 lần, tức khoảng 370.210 nhân dân tệ.

Khoảng cách này lớn hơn so với hầu hết các nền kinh tế phát triển. Ở Nhật Bản, thu nhập bình quân hàng năm của 10% dân số giàu có nhất gấp 13 lần so với 50% nhóm dân ở dưới cùng. Ở Úc và Đức, chênh lệnh này gấp 10 lần. Còn ở Pháp, con số này lớn hơn 7 lần.

Tuy nhiên, chênh lệnh ở Trung Quốc nhỏ hơn ở Mỹ, nơi 10% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân hàng năm cao gấp 17 lần so với 50% nhóm dân ở dưới cùng. Khoảng cách ở một số quốc gia khác như sau: 19 lần ở Indonesia, 14 lần tại Hàn Quốc, 31 lần ở Mexico, 14 lần ở Nga, 23 lần ở Thổ Nhĩ Kỳ, 22 lần ở Ấn Độ, 29 lần ở Brazil, và 63 lần ở Nam Phi - một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất.

Dữ liệu cũng cho thấy 10% dân số Trung Quốc sở hữu gần 70% tổng tài sản quốc gia, cao hơn tỷ lệ tương tự 64,6% ở Ấn Độ, 59,6% ở Đức, 59,5% ở Pháp, 60,2% ở Indonesia, 56,2 % ở Úc, 57,8% ở Nhật Bản và 58,5% ở Hàn Quốc. Cao hơn Trung Quốc ở tiêu chí này là Mỹ - nơi 10% dân số sở hữu 71% tài sản - và Nga (74,1%), Mexico (78,7%), Brazil (79,8%).

Theo Ren Zeping - một nhà kinh tế của công ty chứng khoán Soo Chow Securities, có thể phân các quốc gia trên thế giới thành 4 nhóm, xét về mức độ bất bình đẳng: các quốc gia khá bình đẳng, chẳng hạn như Nhật Bản; các nước phát triển có sự chênh lệch giàu nghèo lớn, chẳng hạn như Mỹ; những nước rơi vào tình trạng bất bình đẳng cao, chẳng hạn như Ấn Độ; và các nước đang phát triển có sự bất bình đẳng dễ kiểm soát hơn.

“Trung Quốc thuộc nhóm thứ tư, vì khoảng cách thu nhập của nước này cao hơn mức trung bình toàn cầu nhưng chênh lệch giàu nghèo tương đối thấp. Bất bình đẳng thu nhập và chênh lệch giàu nghèo đang được nước này giữ ở mức hợp lý và sẽ không làm hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Ren viết trong một chuyên mục của cổng thông tin điện tử Sina.com vào đầu tháng 1/2020.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI