Đóng băng hoạt động, hàng trăm ngàn nhân viên thất nghiệp
Sau châu Á và châu Âu, đại dịch COVID-19 tiếp tục tấn công ngành công nghiệp thời trang Bắc Mỹ.
Các nhà bán lẻ Mỹ chứng kiến sự sụt giảm lớn về doanh số và lượng khách mua hàng. Hàng loạt cửa hàng thời trang đóng cửa vì sự an toàn của người tiêu dùng và nhân viên, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Nghiên cứu từ Liên đoàn bán lẻ quốc gia Hoa Kỳ (NRF) dự đoán ngành bán lẻ của nước này có thể giảm 20% doanh số trong khoảng 3 tháng đầu năm 2020, tổn thất tương đương 430 tỷ đô la.
|
Một loạt cửa hàng thời trang đóng cửa tại Mỹ. |
Tạm ngừng kinh doanh kéo theo doanh số trong quý IV năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 chạm đáy. Macy's, chuỗi cửa hàng bách hóa nổi tiếng của Mỹ đã sa thải 125.000 nhân viên sau khi đóng cửa 775 cửa hàng tại Hoa Kỳ vào đầu tháng này nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Tương tự Macy's, Gap và Kohl’s tuyên bố sẽ tạm thời sa thải hầu hết nhân viên bán hàng và cắt giảm giờ làm.
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, gần 16 triệu người đang làm việc trong ngành bán lẻ, ước tính khoảng 5 triệu nhân viên đang hoạt động tại các cửa hàng thời trang với mức thu nhập trung bình hằng năm 24.000 USD (khoảng 11,7 USD/giờ). Thống kê sơ bộ mới đây cho thấy, số nhân viên mà ngành bán lẻ Mỹ đã sa thải vượt quá 500.000 ngàn người và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, khi dịch COVID-19 lây lan rộng.
Trong khi đó, ở Mexico, nhiều cơ sở sản xuất may mặc, các chuỗi cung ứng phải tạm ngưng hoạt động. “Chúng tôi đang giảm năng suất vì khách hàng Mỹ của chúng tôi đã hủy hàng loạt đơn hàng hoặc trì hoãn chúng”, Arturo Vivanco, người đứng đầu cơ sở sản xuất hàng may mặc Maquila Confeccinoes.
|
Các tập đoàn thời trang chuyển đổi mô hình sản xuất, cung ứng lượng lớn khẩu trang và đồ bảo hộ cho chính phủ trong thời điểm dịch bùng phát mạnh. |
Ông chia sẻ thêm Mexico đã mất thị phần đáng kể do dịch COVID-19. Đặc biệt, doanh nghiệp đang lo ngại lệnh đóng cửa biên giới Mỹ - Mexico cho đến ngày 20/4, sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển quần áo may mặc do chỉ có các hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông giữa hai nước.
Trong tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, các nhà thiết kế như Mitchal Gurung, Brandon Maxwell, thương hiệu đồ bơi cao cấp Karla Colletto, nhà sản xuất quần áo và tạp dề Hedley&Bennett của Mỹ nhanh chóng giúp đỡ chính phủ khắc phục tình trạng thiếu hụt lượng lớn khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân bằng cách chuyển đổi mô hình sản xuất.
Đồng thời, Fruit of the Loom, American Knits và nhiều hãng khác dệt may khác của quốc gia này cũng đã thành lập “liên minh khẩu trang” kể từ ngày 23/3 với mục tiêu mỗi tuần sản xuất 10 triệu khẩu trang y tế, kéo dài trong 1 tháng.
Giải quyết bài toán hàng tồn kho
Đóng băng hệ thống cửa hàng, nhiều tuần lễ, show diễn thời trang bị hủy bỏ… đẩy các tập đoàn thời trang xa xỉ vào thế khó khi lượng hàng xuân- hè, thậm chí là bộ sưu tập thu-đông còn ứ động. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng lượng hàng tồn được nhận định là rất lớn.
|
Các hãng thời trang đau đầu giải quyết lượng hàng tồn kho. |
Dữ liệu bán hàng từ Amazon (công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ) cho thấy tăng trưởng doanh số bán hàng may mặc giảm trung bình 40% từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3, các mặc hàng thời trang trong nhà, đồ ngủ có doanh số khả quan hơn nhưng cũng không quá khác biệt.
Trong cuộc khảo sát ngày 20/3 về người tiêu dùng Mỹ, 63% nói rằng họ mong đợi chi tiêu ít hơn cho việc mua sắm quần áo.
Theo WWD, việc quan trọng trước mắt của các nhãn hiệu thời trang là xem xét và giải quyết lượng hàng tồn kho trong năm, đánh giá các chuỗi cung ứng. Xử lý hàng tồn kho xuân-hè, xác định sản phẩm nào có thể bị trì hoãn cho đến cuối mùa hè - đầu mùa thu hay qua năm 2021.
Việc giải quyết tất cả các sản phẩm tồn kho càng nhanh càng tốt là bước đệm thuận lợi để các công ty xoay vòng nguồn vốn. Từ đó, điều chỉnh hợp lý số lượng hàng hóa cho mùa thu và các kỳ nghỉ lễ cuối năm 2020.
Nhiều biện pháp đã được đề xuất, nhất là phương án đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên trong thời buổi kinh tế khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao ở Mỹ, khách hàng lại cắt xén chi tiêu, nhất là khoản tiền dành cho việc mua sắm quần áo khiến các doanh nghiệp khó càng thêm khó.
|
Tuần lễ thời trang nam New York quyết định hủy bỏ sự kiện. |
Nhiều thương hiệu thời trang báo cáo doanh số thương mại điện tử giảm 20% trong 2 tuần gần đây. Họ dự đoán sẽ giảm thêm 30% hoặc hơn nữa trong các tuần tiếp theo. Mặc khác, doanh thu của các tập đoàn thời trang chủ yếu đến từ nguồn thu tại cửa hàng chứ không phải từ việc mua sắm online. Hơn nữa, việc thực hiện các đơn đặt hàng trực tuyến có nguy cơ sẽ bị gián đoạn trong thời gian tới do trung tâm phân phối buộc ngưng hoạt động theo nghị định của nhà nước, cắt giảm nhân sự...
Khuyến mãi là động lực kích thích tiêu dùng. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà bán lẻ đang giảm giá mạnh hàng tồn kho mùa xuân - hè 2020. Các kênh chuyên giới thiệu sản phẩm may mặc đạt tần suất quảng cáo trực tuyến khá cao trong quãng thời gian gần đây. Nhưng với lượng cung vượt cầu, các thương hiệu cần phải đề ra chiến lược giảm giá thật khác biệt, nổi bật và đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng.
Đồng thời, khuyến mãi cũng là con dao hai lưỡi, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, sự kỳ vọng của khách hàng về giá trị thương hiệu của các tập đoàn. Trong quá khứ, việc giảm giá thành rất khó xảy ra nhất là với các thương hiệu thời trang xa xỉ.
Trước, trong và sau dịch COVID-19, các hãng thời trang Bắc Mỹ liên tục đối mặt khó khăn và sẽ phải mất một khoảng thời gian dài để khôi phục.
Chung Thu Hương