Dịch COVID-19 đang khiến hàng trăm triệu người rơi vào trầm cảm nặng

09/10/2021 - 21:32

PNO - Các nhà nghiên cứu cho biết ước tính có thêm 76 triệu trường hợp rơi vào trạng thái lo âu và thêm 53 triệu trường hợp trầm cảm trong đại dịch.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, vào năm 2020, các trường hợp lo âu và trầm cảm trên khắp thế giới đã tăng đáng kể, ước tính có thêm 76 triệu trường hợp lo lắng và thêm 53 triệu trường hợp mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng hơn dự kiến.

Đây là nghiên cứu mới nhất cho thấy đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, trong đó phụ nữ và thanh niên có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn nam giới hoặc người lớn tuổi.

“Chúng tôi tin rằng phụ nữ có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất bởi các hậu quả kinh tế và xã hội của đại dịch”, tác giả chính, tiến sĩ Damian Santomauro của Đại học Queensland cho biết.

“Phụ nữ phải đảm nhận thêm trách nhiệm chăm sóc con cái và gia đình do trường học đóng cửa hoặc các thành viên trong gia đình bị nhiễm bệnh. Phụ nữ cũng có xu hướng nhận mức lương thấp hơn, việc làm kém an toàn hơn so với nam giới... tất cả những điều đó làm cho họ bị thiệt thòi về tài chính trong đại dịch”. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn khẳng định, đại dịch cũng làm gia tăng bạo lực gia đình mà phụ nữ gánh chịu.

Ông Santomauro cho biết thêm: “Thanh niên cũng bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa các trường học và các cơ sở giáo dục khác. Chính các hạn chế nghiêm ngặt đã ngăn cản những người trẻ tuổi tương tác với bạn bè cùng trang lứa”. Ông Santomauro nói rằng những người trẻ tuổi cũng có nhiều khả năng thất nghiệp hơn sau một cuộc khủng hoảng kinh tế.

 

Chăm sóc dạy dỗ con cái, thất nghiệp, lo toan kinh tế đã khiến phụ nữ dễ bị áp lực nhất trong đại dịch
Chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái, thất nghiệp, lo toan kinh tế... đã khiến phụ nữ dễ bị áp lực nhất trong đại dịch

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế báo cáo cách họ thu thập được 48 nghiên cứu được công bố từ ngày 1/1/2020 đến ngày 29/1/2021, bao gồm dữ liệu khảo sát về tỷ lệ rối loạn trầm cảm hoặc lo âu ở các quốc gia khác nhau cả trước và trong đại dịch COVID-19.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích những thay đổi này có liên quan đến các dấu hiệu về tác động của đại dịch COVID-19 - như khả năng di chuyển của con người và tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày.

Kết quả, nhóm nghiên cứu ước tính có 246 triệu trường hợp rối loạn trầm cảm nặng và 374 triệu trường hợp rối loạn lo âu trên toàn thế giới vào năm 2020. Khoảng 2/3 trong số những trường hợp này mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng và 68% trong số những trường hợp thêm rối loạn lo âu là ở phụ nữ, trong khi những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn người lớn tuổi, với các trường hợp lớn nhất ở những người từ 20-24 tuổi. 

Ông Santomauro cho biết đại dịch đã đặt một gánh nặng rất lớn lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần vốn đã phải vật lộn để đối phó trong cuộc sống hiện đại. “Chúng ta phải nghiêm túc đánh giá lại cách chúng ta đáp ứng nhu cầu sức khỏe tâm thần của mọi người trong tương lai. Tôi hy vọng kết quả này có thể cung cấp một số hướng dẫn cho những người cần đưa ra quyết định về những gì cần được ưu tiên và những gì mọi người bị ảnh hưởng nhiều nhất", ông nói.

Trọng Trí (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI