|
Trả lời tại phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bằng các chính sách khác nhau, phải tập trung phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở và y tế dự phòng để chống dịch COVID-19 |
Tạm hình thành lý thuyết chống dịch
Sáng 12/11, chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chia sẻ, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nước ta đã chuyển sang thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây là cách làm đúng, bước đầu có hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. ĐBQH đề nghị Thủ tướng cho biết chương trình hành động ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới là gì?
Trả lời chất vấn của ĐBQH, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hai năm thực hiện chống dịch, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. "Chúng ta có trả giá, có cái chưa được, qua thực hiện chống dịch, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm và từ kinh nghiệm đó dân dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh này, một phần hiểu được con virus này".
Dù chưa tổng kết được một cách đầy đủ song Chính phủ cũng đã đưa ra được các trụ cột để phòng chống dịch, như: Cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất có thể; về xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, tốc độ; các biện pháp điều trị thì phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong.
Trên cơ sở 3 trụ cột này, Chính phủ đã hình thành "công thức chống dịch", đầu tiên là 5K, rồi 5K + vắc xin, sau đó cộng thêm thuốc điều trị, công nghệ và đề cao ý thức người dân...
Theo Thủ tướng, "chúng ta đã tạm hình thành lý thuyết chống dịch", để từ đó mạnh dạn và tự tin mở cửa.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, dịch bệnh đã làm bộc lộ yếu kém là y tế dự phòng và y tế cơ sở, nên cần phải củng cố bằng các công cụ tài chính và các chính sách khác nhau.
"Vấn đề quan trọng nhất, tôi lo nhất là nguồn nhân lực. Cho nên phải đầu tư cho nguồn nhân lực này. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm được nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Muốn đào tạo một bác sĩ phải mất 6 năm chưa kể học thêm nữa. Vì vậy, sắp tới, giải pháp là phải tập trung cho đào tạo nhân lực. Trong đó, có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở", Thủ tướng nói.
Tránh bỏ sót, trục lợi chính sách hỗ trợ người dân
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) nêu vấn đề các chính sách hỗ trợ người dân vừa qua còn nhiều bất cập. ĐBQH đặt câu hỏi: "Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này như thế nào và sắp tới chúng ta có thêm chính sách nào hay không?".
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thời gian qua là "rất tích cực", nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Chính phủ và các cơ quan liên quan đề xuất các chính sách chủ động theo thẩm quyền. Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận như phản ánh của ĐBQH là "còn nhiều bất cập".
Cụ thể, thời gian tới, Chính phủ và các đơn vị liên quan sẽ rà soát, đánh giá lại các chính sách vừa rồi. "Cái gì được, chưa được, phải xác định nguyên nhân từ đâu. Trên cơ sở đó chúng ta rà soát đối tượng, phạm vi, mức độ, từ đó làm căn cứ định ra chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi chính sách, bỏ sót", Thủ tướng khẳng định.
M.Quang