Dịch corona phá vỡ mọi kế hoạch ngành thời trang thế giới và hệ lụy dây chuyền

07/02/2020 - 07:32

PNO - Sau du lịch, virus corona tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số và hoạt động của ngành thời trang.

Nếu như năm 2000, thị trường Trung Quốc chiếm 2% doanh số tiêu dùng hàng thời trang xa xỉ (quần áo, đồng hồ và trang sức) toàn cầu thì theo nghiên cứu của Bain&Company, hãng tư vấn nổi tiếng của Mỹ, con số đó đã tăng vọt và đạt 35% trong năm 2019. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, dịch virus corona bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và lan nhanh đã đe dọa trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều lĩnh vực, trong đó, thấy rõ nhất là du lịch và thời trang. 

Hạn chế du lịch tác động trực tiếp đến kinh tế thời trang

Dịch bệnh corona bùng phát khiến hơn 600 người tử vong và gần 29.000 trường hợp nhiễm bệnh. Không chỉ Trung Quốc, 27 quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng xác nhận hơn 200 bệnh nhân dương tính virus corona. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp, liên tục đưa ra các khuyến cáo và diễn tiến dịch bệnh.

Nhận thức được mức độ trầm trọng của virus corona, người dân Trung Quốc và các nước châu Á (nơi ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm bệnh) hạn chế ra ngoài nhất là đến các trung tâm mua sắm, nơi tụ tập đông người, mang khẩu trang và găng tay cùng như áp dụng nhiều biện pháp khác phòng tránh bệnh khác. Trước diễn tiến phức tạp của dịch bệnh, chính phủ Trung Quốc quyết định dừng toàn bộ tour du lịch trong nước và quốc tế lần lượt từ ngày 31/1 và 27/1.

Quang cảnh khu mua sắm sang trọng thường tấp nập người tại Bắc Kinh, Trung Quốc giờ đây vô cùng vắng lặng do ảnh hưởng từ virus Vũ Hán.
Quang cảnh khu mua sắm sang trọng thường tấp nập người tại Bắc Kinh, Trung Quốc giờ đây vô cùng vắng lặng do ảnh hưởng từ virus corona.

Theo CNN, người dân xứ Trung đã thực hiện hơn 150 triệu chuyến đi nước ngoài năm 2019 và dẫn đầu về tổng chi tiêu cho ngành du lịch. Đặc biệt, dù yêu thích các tour du lịch giá rẻ nhưng bù lại, họ lại khá chịu chi tiền cho các hoạt động mua sắm. Chính điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu các ngành dịch vụ bao gồm ngành công nghiệp thời trang và hệ thống bán lẻ.

Điển hình, trung bình mỗi ngày có từ 600 - 800 lươt khách trong đó có khoảng 90-120 người mua hàng tại trung tâm mua sắm lớn nhất ở Bắc Kinh, Trung Quốc thì vào mùa dịch, con số này chỉ còn vỏn vẹn 5 người. Với số lượng người mua như vậy, các cửa hàng sẽ phải gánh chịu rất nhiều các khoản phí từ thuê mặt bằng, chi trả lương cho nhân viên, thuế... trong việc duy trì hoạt động cho các thương hiệu thời trang, nhất là các hãng nhỏ lẻ.

Virus corona
Virus corona tác động xấu đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của ngành công nghiệp thời trang.

Nhiều thương hiệu thời trang tạm dừng hoạt động ở Trung Quốc

Theo báo cáo thiệt hại về kinh tế ảnh hưởng bởi virus corona mới nhất của Trung Quốc, ngày 4/2, Uniqlo-thương hiệu thời trang danh tiếng Nhật Bản đã đóng cửa 130 cửa hàng, chủ yếu nằm ở tỉnh Hồ Bắc và vẫn chưa xác định thời gian hoạt động trở lại.

Từ tháng 11/2019-1/2020, doanh số và lợi nhuận của hãng sụt giảm lần lượt 3,3% và 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 12/2019, tại Trung Quốc, Uniqlo có khoảng 750 cửa hàng và là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của hãng trên toàn thế giới.

Ngoài Uniqlo, nhiều thương hiệu danh tiếng khác cũng gặp khó khăn không kém vì ảnh hưởng của virus cocora. Thương hiệu Levi’s đóng cửa một nửa số cửa hàng bao gồm cửa hàng lớn nhất châu Á của họ tại Vũ Hán, H&M đóng cửa 13 cửa hàng, Charles&Keith ngưng hoạt động kinh doanh tại Hồ Bắc.

Nhiều thương hiệu thời trang đối mặt khó khắn khi dịch bệnh lạ chưa được kiểm soát.
Nhiều thương hiệu thời trang đối mặt khó khăn khi dịch bệnh do virus cocora chưa được kiểm soát.

Nhà bán lẻ hàng may mặc của Mỹ, Gap Group tuyên bố tạm thời đóng băng hoạt động trụ sở và nhà máy sản xuất tại đất nước tỷ dân trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Với những quy định nghiêm ngặt tránh lây lan virus corona nhất là việc kêu gọi người dân hạn chế đến nơi đông người...  còn gây ra nhiều thiệt hại cho các tuần lễ thời trang lớn như New York, London, Milan và Paris khi hầu hết khách hàng, những nghệ sĩ danh tiếng của Trung Quốc sẽ bị hạn chế đi lại. 

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault chia sẻ về những khó khăn vì virus corona: “Nếu dịch bệnh được giải quyết trong vòng 2-2,5 tháng thì thiệt hại không quá lớn nhưng khi tình trạng kéo dài 2 năm thì đây là một câu chuyện hoàn toàn khác”.

Các thương hiệu thời trang tích cực quyên góp, ủng hộ Vũ Hán trong công tác phòng chống virus corona.
Các thương hiệu thời trang tích cực quyên góp, ủng hộ Vũ Hán trong công tác phòng chống virus corona.

Hỗn loạn các chuỗi cung ứng

Theo các chuyên gia, virus corona đã phá vỡ nhiều kế hoạch của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Ngoài hoạt động, triển lãm thương mại, tuần lễ thời trang bị hủy bỏ thì mối quan tâm lớn nhất hiện tại là sự gián đoạn các chuỗi cung ứng. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rồi dịch bệnh bùng phát, nhiều nhà máy Trung Quốc hiện đang trì hoãn việc sản xuất trở lại.

Mặc dù Trung Quốc đã chuyển trọng tâm phát triển kinh tế từ sản xuất sang dịch vụ nhưng vẫn là nước dẫn đầu về xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 37,6% thị trường thu về 119 tỷ đô la (số liệu năm 2018). Nhiều sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Zara, Ralph Lauren, Michael Kors... đều sử dụng nguyên liệu thô từ Trung Quốc.

Vincent Djen, giám đốc chiến lược công ty may mặc Hồng Kông Cheng Kung Garments: Thông thường, hầu hết các đơn đặt hàng bộ sưu tập mùa thu 2020 từ châu Âu sẽ đến vào đầu tháng 2 và chúng tôi sẽ sản xuất vào tháng 3 để cung ứng cho đối tác vào tháng 4, hiện có thể bị trì hoãn cho đến tháng 5 hoặc tháng 6. Ngay cả khi các nhà máy tiếp tục vận hành cũng không đảm bảo đủ nguồn nhân lực để hoàn thành các đơn hàng.

Hiện tại, nhiều thương hiệu thời trang thế giới cũng đang tìm nguồn thay thế và đa dạng hóa nguồn cung ứng trong tương lai thay vì phụ thuộc nhiều vào 1 nước. Cụ thể, Karl-Johan Persson, chủ tịch tập đoàn thời trang H&M cho biết thương hiệu đang nhanh chóng liên hệ các nhà cung cấp khác dù tập đoàn hợp tác với 1.899 nhà sản xuất trên toàn thế giới và tại Trung Quốc chỉ có 427 đơn vị.

Virus corona gây ảnh hưởng nhiều ngành kinh tế của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Virus corona gây ảnh hưởng nhiều ngành kinh tế của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.

Hơn thế, nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ, việc sản xuất các bộ sưu tập sẽ tạm dừng vô thời hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của hầu hết công ty châu Âu phụ thuộc phần lớn vào các nhà sản xuất Trung Quốc.

Thực tế, tại Vũ Hán (địa điểm bùng phát dịch) không phát triển sản xuất ngành may mặc nhưng virus cocora đã lây lan hầu hết tại các tỉnh, thành Trung Quốc, trong đó bao gồm 2 tỉnh sản xuất hàng dệt may quan trọng như Quảng Đông và Chiết Giang cũng tạm ngừng hoạt động cho đến hết ngày 10/2.

Anne Harper, người sáng lập OMG Accessories (thương hiệu thời trang sang trọng cho trẻ em và thanh thiếu niên) chia sẻ chiến lược hiện tại của hãng khi nguồn cung nguyên liệu chủ yếu nhập từ Quảng Đông (Trung Quốc): "Dịch bệnh gây nên sự chậm trễ  2-4 tháng trong việc sản xuất và vận chuyển nguyên liệu cho công ty. Hiện chúng tôi vẫn còn một số nguyên liệu thô nhập trước Tết Nguyên đán nhưng không biết chừng nào nguyên liệu mới sẽ được bổ sung. Chúng tôi phải giảm sản xuất, ưu tiên hoàn tất sản phẩm cho các nhà bán lẻ đặt hàng trước cũng như các mặt hàng quan trọng của thương hiệu".

Tại Nhật Bản, tình hình mua sắm tại các trung tâm thương mại Takashimaya, Mitsukoshi, Maruei... sụt giảm rõ rệt. Thống kê sơ bộ, doanh số bán hàng giảm 20% một mặt vì lượng khách du lịch Trung Quốc bị chính phủ nước này cấm di chuyển ra nước ngoài. Mặc khác, số lượng khách hàng nội địa ngại đến nơi đông người dù chính quyền Nhật Bản kiểm soát và quản lý tình hình dịch bệnh khá tốt.

 

Chung Thu Hương (theo Vogue và Sina)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI