Dịch bệnh vào mùa, kiểm soát khó khăn

21/06/2013 - 19:59

PNO - PN - Bên cạnh bệnh tay-chân-miệng (TCM), tiêu chảy diễn ra liên tục từ đầu năm đến nay thì một số bệnh phổ biến trong mùa mưa như: hô hấp, sốt xuất huyết (SXH)... bắt đầu tăng lên. Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch bệnh ở...

Bệnh nhân hô hấp, tiêu chảy... nhập viện ồ ạt

Ngày 17/6, Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị nội trú cho 180 trẻ, hai - ba trẻ nằm một giường. Tình trạng trẻ em nhập viện do bệnh hô hấp cũng tăng mạnh ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, với 220 ca ở Khoa Hô hấp và 130 ca ở Khoa Hô hấp dịch vụ. BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết: “Bệnh hô hấp bắt đầu tăng nhẹ từ tháng Sáu vì mùa mưa đến và sẽ lên đỉnh từ tháng 8-10 tới. Vào thời điểm hiện nay, trẻ đến khám chủ yếu mắc các bệnh viêm mũi, viêm họng. Hầu hết những trẻ nhập viện điều trị là do nhiễm trùng hô hấp, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Đặc biệt, thời tiết trở lạnh nên nhiều trẻ lên cơn hen suyễn”.

Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó khoa SXH, Bệnh viện Nhi Đồng 1, mùa mưa cũng là thời điểm của muỗi sinh đẻ nên bệnh SXH bắt đầu tăng. Số trẻ mắc bệnh SXH chưa nhiều nhưng có nhiều ca bệnh nặng. Trẻ mắc bệnh đang tập trung nhiều nhất từ một-mười tuổi. Bệnh của những trẻ này trở nặng vì sức đề kháng yếu, hơn nữa bác sĩ thường phát hiện trễ vì trẻ có những triệu chứng dễ nhầm với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, siêu vi trong mùa mưa. Những ngày gần đây, mỗi ngày Khoa SXH của Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 50-60 ca điều trị nội trú, riêng ngày 17/6 có đến 83 ca; trong khi vào thời điểm trước mùa mưa chỉ khoảng 30 - 40 ca.

BS Phạm Mai Đằng, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Mùa mưa trùng với thời điểm nghỉ hè nên trẻ được ăn uống “thả ga”, vì vậy nhiều trẻ đã mắc bệnh đường tiêu hóa”. Hiện Khoa Tiêu hóa của bệnh viện này đang điều trị nội trú cho 190 bệnh nhi, phần lớn trẻ mắc bệnh tiêu chảy. Bên cạnh đó, bệnh TCM cũng chưa hạ nhiệt. Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 2 có khoảng 100 trường hợp đến khám bệnh TCM và gần 60 ca đến khám bệnh SXH. Bệnh SXH dù mới bắt đầu nhưng đã có dấu hiệu tăng nhanh.

Dich benh vao mua, kiem soat kho khan

Khám bệnh cho trẻ tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng

Hơn 40% trường hợp báo cáo sai chỗ

BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cho biết, có nhiều bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan thành dịch như: SXH, TCM, cúm A/H1N1, não mô cầu, bạch hầu, ho gà, sởi... Ngoại trừ hai bệnh truyền nhiễm có số ca mắc và tử vong cao nổi bật trong cộng đồng là SXH và TCM thì các bệnh còn lại xuất hiện lẻ tẻ, được kiểm soát tốt và không có biểu hiện lây lan. Gần sáu tháng đầu năm 2013, số ca SXH trên địa bàn TP.HCM giảm 37%, nhưng số trường hợp nặng rất nhiều. Riêng bệnh TCM, từ đầu năm đến nay đã có một ca tử vong ở huyện Củ Chi. Dù mạng lưới y tế cơ sở đã phát hiện sớm và phòng chống dịch bệnh được triển khai tốt, nhưng ý thức phối hợp của người dân với ngành y tế vẫn chưa cao. Trong số các bệnh SXH, TCM báo cáo về Sở Y tế để triển khai công tác chống dịch thì có hơn 40% trường hợp người bệnh khai không đúng địa chỉ nên khó khăn trong việc triển khai tìm hiểu về dịch tễ. Những trường hợp này chủ yếu rơi vào các hộ nhập cư, vì họ khai không đúng số nhà do lo ngại bị kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm.

Cũng theo BS Nguyễn Hoài Nam, nhân lực y tế dự phòng tại các cơ sở còn thiếu cả về số lượng, chất lượng, nhưng việc tuyển dụng gặp nhiều trở ngại do cơ chế lương, phụ cấp, ưu đãi thấp so với mặt bằng chung về thu nhập hiện nay nên khó thu hút nhân sự. Mặt khác, định mức biên chế theo thông tư liên tịch Bộ Nội vụ và Bộ Y tế năm 2007 đã không còn phù hợp với dân số của TP.HCM hiện nay. Thông tư này quy định, một trạm y tế xã có từ năm-mười biên chế (với phường/xã trên 8.000 dân), nhưng tại TP.HCM mật độ dân số phường/xã lại trên 12.000 dân (P.Bình Hưng Hòa A có đến 120.000 dân). Việc thiếu hụt lực lượng tuyên truyền, điều tra dịch bệnh... đã ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân. Thêm vào đó, kinh phí cấp cho các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm được phân bổ chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động của công tác y tế dự phòng.

 Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI