Dịch bệnh sẽ làm thay đổi phương thức phát hành phim?

27/03/2020 - 08:31

PNO - Phát hành trực tuyến là giải pháp tình thế mà các hãng phim lớn ở Hollywood chọn lựa trong thời buổi dịch bệnh các rạp phim phải đóng cửa. Liệu giải pháp tạm thời này có làm biến mất thói quen ra rạp, dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn phương thức phát hành phim trong tương lai?

Ngày 24/3 vừa qua, hãng Warner Bros đã đưa hai phim vừa chiếu rạp trong tháng Hai là Birds of Prey The Gentlemen lên mạng, còn Universal trước đó cũng đã phát hành ba bộ phim mới chiếu rạp gồm The Hunt, The Invisible man Emma lên các nền tảng trực tuyến từ ngày 20/3. Trước đây, nếu muốn xem tại nhà một phim mới chiếu rạp, khán giả sẽ phải chờ đến 90 ngày. Nhưng kể từ lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người xem không phải đợi lâu như vậy nữa.

Dịch bệnh khiến nhiều phim vừa ra rạp không lâu đã được các hãng cập nhật lên mạng, thậm chí có phim vừa chiếu rạp vừa phát hành trên mạng cùng ngày
Dịch bệnh khiến nhiều phim vừa ra rạp không lâu đã được các hãng cập nhật lên mạng, thậm chí có phim vừa chiếu rạp vừa phát hành trên mạng cùng ngày

Các hãng đều muốn vớt vát doanh thu ảm đạm mùa dịch nên rút ngắn thời gian đưa phim mới lên mạng từ 90 ngày xuống chỉ còn 7-14 ngày, thậm chí phát hành song song như phim hoạt hình Trolls: World Tour - sẽ vừa chiếu rạp vừa chiếu mạng từ ngày 10/4 tới. Cá biệt, có phim hành động lãng mạn The Lovebirds còn bị hãng Paramount hủy luôn lịch chiếu rạp ngày 3/4, mà đưa thẳng lên Netflix cũng trong ngày hôm đó.

Vậy là giờ đây, chỉ cần ngồi ở nhà trả 20 USD/phim cho các đơn vị cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix, Amazon’s Prime Video, Apple TV Plus, Google Play, YouTube, Fandango, Vudu… khán giả sẽ có 48 giờ để thưởng thức một bộ phim mới toanh. Mức giá này tuy cao hơn giá 16 USD/vé khi ra rạp, nhưng “kinh tế” hơn hẳn với những gia đình đông người, chưa kể là không mất thêm tiền bắp, nước và bị 20 phút quảng cáo, trailer làm phiền như xem ở rạp. Thông thường, phòng vé đóng góp 60% doanh thu của phim, 40% còn lại đến từ kênh phát hành DVD/VOD. 80% doanh thu từ DVD/VOD thuộc về các hãng phim, trong khi với doanh thu phòng vé các hãng phải ăn chia tỷ lệ với rạp, nên các hãng càng sốt sắng muốn đẩy nhanh tốc độ phim phát hành trên mạng.

 Trolls: World Tour- bộ phim thí điểm phương thức phát hành song song
Trolls: World Tour- bộ phim thí điểm phương thức phát hành song song

Có thể nói, dịch bệnh đã tạo ra một thay đổi lớn trong khâu phát hành phim, khoét sâu thêm bất đồng vốn có giữa hãng và các chủ rạp về vấn đề khoảng cách thời gian từ rạp về nhà của một bộ phim. Đã có nhiều lời cảnh báo trong tương lai, rằng các rạp phim sẽ chẳng còn người xem nữa và phương thức phát hành truyền thống sẽ sớm bị xóa sổ, khi mà trong thời gian dịch bệnh, các hãng đã khiến khán giả quen với việc nhanh chóng thưởng thức tại gia một phim mới ra rạp, thậm chí có phim chẳng thèm ra rạp mà phát hành hẳn trên mạng.Tuy nhiên, viễn cảnh này khó xảy ra, nếu có sự thay đổi nào đó, có lẽ chỉ là việc vạch ranh giới đâu là một phim cần phải ra rạp và một phim có thể tiến thẳng đến từng nhà.

Quan sát động thái của các hãng phim, sẽ thấy không đơn vị nào muốn tung nhanh các bom tấn lên mạng. Bằng chứng là những phim đình đám như No Time to Die, Fast and Furious 9, Mulan, Wonder Women 2, Black widow đều bị lùi lịch chiếu rạp chứ không phát hành song song như Trolls: World Tour, hay bỏ chiếu rạp như The Lovebirds. Lý do phim càng tốn kém càng phải sống nhờ vào phòng vé.

Theo phân tích của tờ Cinema Blend, trường hợp Wonder Women 2 có mức đầu tư gần 200 triệu USD, nếu chọn cách phát hành trực tuyến sẽ phải tốn thêm khoản tiền vào khâu tiếp thị, khiến tổng kinh phí có thể lên đến 225 triệu USD. Giả sử với mức thuê phim trên mạng khởi đầu là 25 USD/lần, để lấy lại 225 triệu USD và sinh lời mức tương đương doanh thu trực tuyến, cần đạt tầm 500 triệu USD, nghĩa là phải có tổng cộng 20 triệu lượt thuê - một con số quá “khủng”. 

The Lovebirds hủy lịch chiếu rạp
The Lovebirds hủy lịch chiếu rạp

Vậy nên, những phim kinh phí trung bình hay những phim độc lập sẽ là lựa chọn hợp lý cho các hãng sớm cập nhật lên mạng. Universal chọn Trolls: World Tour thí điểm phương thức phát hành song song không chỉ vì phim có kinh phí khiêm tốn, mà còn bởi đây là phim dành cho gia đình. Trang InsideHook nhận định Universal có thể mất đi một khoản tiền vé đáng kể, nhưng hoàn toàn có thể bù lại bằng việc chiếu trực tuyến, vì các bậc phụ huynh sẵn sàng chi 20 USD/lần để đổi lấy 90 phút yên tĩnh trong thời gian trẻ con và người lớn đều phải ở nhà do dịch bệnh. Đó là chưa kể các khán giả nhí thường có khuynh hướng xem đi xem lại nhiều lần những gì chúng yêu thích.

Việc mang phim Trolls: World Tour ra thí điểm trong thời gian dịch bệnh sẽ giúp hãng ước lượng tiềm năng của chiến lược phát hành kiểu mới này, từ đó tạo sức ép lên các chủ rạp phim, để rút ngắn thời gian một phim mới ra mắt đến với khán giả trên mạng hòng nhanh chóng thu hồi vốn.

Không ai đoán được dịch bệnh sẽ còn kéo dài bao lâu, nhưng nếu khi cuộc sống trở lại bình thường, các rạp chiếu vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự thành bại doanh thu của phim, như lời nhà sản xuất Charles Roven của phim Wonder Women 2 nói khi phản bác thông tin, phim sẽ không chiếu rạp mà lên thẳng internet: “Muốn phim thành công trên toàn cầu, cần phải phát hành ở rạp”. Về phía khán giả, nhu cầu xem phim không chỉ dừng lại ở việc biết nội dung, mà phương thức trải nghiệm cũng không kém phần quan trọng, vì có những bộ phim chỉ khi thưởng thức ở rạp mới cảm nhận được hết tính xi-nê của nó. 

Quang Huy (tổng hợp)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI