Dịch bệnh là dịp thử thách cung cách quản lý lễ hội

08/02/2022 - 06:13

PNO - Đối thoại với Báo Phụ Nữ TPHCM nhân dịp đầu năm mới, giáo sư Đỗ Quang Hưng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tôn giáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng đây là dịp để “thanh lọc, thử thách lại năng lực cũng như cung cách quản lý lễ hội ở ta”.

“Không có gì phải quá sợ hãi”

Phóng viên: Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 đang làm dấy lên một lo ngại mới khi cả nước chính thức bước vào “tháng Giêng là tháng ăn chơi” với nhiều lễ hội, nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trải dài từ Bắc vào Nam. Thưa giáo sư Đỗ Quang Hưng, trong bối cảnh đó, chúng ta phải có những ứng xử ra sao? 

Giáo sư Đỗ Quang Hưng: Từ năm 1990 trở đi, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng đi liền với lễ hội là những cặp phạm trù tiếp biến, cởi mở, tạo nên động lực tinh thần lẫn động lực kinh tế (cụ thể là kinh tế du lịch tâm linh). Mặt khác, trải qua thử thách COVID-19 hơn hai năm qua, xã hội buộc phải đi tìm một trạng thái thích ứng mới, hay còn gọi là “bình thường mới”. Dù vậy, nhu cầu tâm linh của người dân cũng là một nhu cầu chính đáng cần được quan tâm. Việc tổ chức lại hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo như  trong thời gian dịch bệnh cũng chỉ tạm  thời. Cần phải có giải pháp tổng thể tổ chức các hoạt động này vừa khoa học, vừa mang đậm nét văn hóa Việt Nam, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. 

Giáo sư Đỗ Quang Hưng
Giáo sư Đỗ Quang Hưng

Trong tình hình mới, phải lường tính xem sau tết, dịp đầu xuân, khi các biện pháp phòng, chống dịch trong các lễ hội bắt đầu được “nới” ra, chúng ta cần làm những gì? Nước ta đã phải trả một cái giá quá đắt vì COVID-19; sắp tới, trong những dự tính tổng thể về mặt xã hội và chính sách, nếu mở lễ hội, phải thực hiện một cách cẩn thận, linh hoạt, sáng tạo để “chung sống” với dịch bệnh.  

Tôi ví dụ, ở miền núi phía Bắc hay một số vùng ven biển của miền Nam, khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ thiệt hại về sinh mạng do COVID-19 không lớn so với những vùng khác. Nên chăng, ta có thể bắt đầu từ những khu vực tương đối an toàn như vậy. Với những lễ hội có quy mô không nhỏ, những người tham dự đã tiêm vắc-xin đầy đủ, đảm bảo nguyên tắc 5K thì vẫn có thể cho phép mở cửa.  Điều này học từ một số nước châu Âu thôi chứ chẳng phải sáng kiến của tôi đâu. Tất nhiên, phải loại trừ một số lễ hội có yếu tố cọ xát vào nhau, tiếp xúc trực tiếp... Với vài gợi ý như thế, Việt Nam có thể vận dụng được chăng? 

Cần hiểu rằng, sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội ăn sâu vào tâm trí của người Việt từ lâu đời, nay “bừng tỉnh” sau một quãng thời gian dài bị “siết” lại là một điều hết sức hợp lý. Ở một mặt nào đó, ta cần nhất thiết phải cảm thông với nhu cầu đó. Việc ở đâu đó, ở khía cạnh nào đó có những vấn đề phản cảm, tồn đọng là một câu chuyện khác, ta phải nhìn một cách mạch lạc và sòng phẳng ở điểm này.

* Cần ứng xử linh hoạt, tùy điều kiện mà “mở” vùng này hoặc “đóng” vùng kia. Nhưng sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo hay lễ hội là một câu chuyện phức tạp; nếu không cẩn thận và tinh tế, khó tránh khỏi tình trạng phân biệt đối xử lễ hội, tín ngưỡng này với lễ hội, tín ngưỡng kia. Liệu có cần phải đưa ra một chuẩn nào đó không, thưa ông?

- Cần chứ. Ta hoàn toàn có thể thể chế hóa. Cần đưa ra những tiêu chí rõ ràng. Ví dụ, nếu xét thấy ở khu vực này, khả năng bùng phát dịch trở lại ở mức cao thì chưa thể cho mở cửa ngay được và ngược lại. Ngoài việc đưa những chuẩn tắc vào chiến lược chung sống nhưng làm chủ dịch bệnh của Nhà nước, thì bài học kinh nghiệm từ các nước đi trước không bao giờ là thừa. Thái Lan học châu Âu, đã “mở cửa” rồi đấy. Họ vừa làm vừa thăm dò, chưa biết thành công hay không nhưng đã có được những kết quả ban đầu. Việt Nam không việc gì phải quá sợ hãi. 

Cảm thông, trao quyền, ứng xử linh hoạt là những từ khoá mà GS Đỗ Quang Hưng đưa ra khi cả nước bước vào tháng Giêng là tháng ăn chơi
"Cảm thông", trao quyền", "ứng xử linh hoạt" là những từ khoá mà GS Đỗ Quang Hưng đưa ra khi cả nước bước vào "tháng Giêng là tháng ăn chơi"

Ngoài ra, báo chí và truyền thông nên tiếp tục là kênh thông tin, tuyên truyền hữu hiệu trong công cuộc phòng, chống dịch trong tình hình mới. Phải cho người dân thấy rằng, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội là hợp lý nhưng đứng trước nghịch lý bệnh tật và những thiệt hại, tự mỗi người phải ý thức cao hơn nữa. 

Nên “trả” lễ hội về cộng đồng

* Vẫn biết cảm thông là hợp lý nhưng sự cảm thông đó nên được hiểu cụ thể ra sao với từng loại hình tôn giáo, tín ngưỡng?

- Trong hàng trăm ngàn loại lễ hội, tín ngưỡng của nước ta có thể tạm phân ra hai loại chính. Một là lễ hội truyền thống, có từ lâu đời với việc thăm thú các đình, đền, miếu, mạo đi cùng các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng. Chẳng hạn như lễ hội chùa Hương, lễ khai ấn đền Trần, bà chúa Kho… Theo tôi, loại hình này tương đối độc lập vì có truyền thống lâu đời, cố định, hình thức tổ chức cũng tương đối ổn định… thì vẫn có thể xếp hàng, đạt tiêu chí thì cho mở cửa và đi kèm khuyến cáo cho người dân, như không nên đi cả gia đình, nhà có người già đang sẵn bệnh nền hoặc trẻ nhỏ thì không nên đi… 

Dạng thứ hai phức tạp hơn, gắn với những tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là sinh hoạt đạo Mẫu. Các lễ hội nhỏ ở địa phương mới được khôi phục lại cũng thuộc loại này. Loại hình này thường khó quản lý, kiểm soát. Các cấp chính quyền địa phương nên thận trọng hơn, chỉ cho phép mở thí điểm với một định chế nghiêm ngặt.  

* Trong các loại hình mà giáo sư đề cập, lễ hội truyền thống chiếm số lượng lớn nhất. Xin hỏi ông, ta không cấm, chỉ đưa ra khuyến cáo với một cộng đồng rất đông người, liệu có ổn không? 

- Lại phải quay lại vấn đề vai trò của cộng đồng mà chúng ta quên mất suốt thời gian qua. Có một thực tế là lâu nay, ta đã hành chính hóa việc quản lý lễ hội, từ Trung ương đến địa phương. Tôi nghĩ, đã đến lúc nên “trả” lễ hội về cho cộng đồng. Ngày xưa, ông bà tự quản tốt như thế, nay cũng nên để người dân tự bầu ra BQL lễ hội của chính họ. Trong trường hợp xuất hiện những tiêu cực, những phản cảm trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh, tổ chức cộng đồng này phải chịu trách nhiệm với Nhà nước. Tự cộng đồng kiểm soát lẫn nhau, những người trong BQL có quyền lợi kinh tế, họ được tổ chức điều hành, được đóng góp những chuẩn tắc… tôi nghĩ, không có lý gì mà họ không hết lòng làm tốt công việc của mình. Lễ hội là của cộng đồng. Sự thất bại của Hội Lim là một ví dụ khi ta đi ngược điều đó.

Hàng ngàn người ở khắp mọi miền đất nước đổ về đền Hùng dâng hương, kính lễ ngày đầu năm - ẢNH: NGỌC LINH
Hàng ngàn người ở khắp mọi miền đất nước đổ về đền Hùng dâng hương, kính lễ ngày đầu năm - Ảnh: Ngọc Linh

* Ngày xưa, mõ làng nào thì làng đó đánh, thần làng nào làng đó thờ. Nhưng ngày nay, cùng với quá trình giao lưu văn hóa, không gian lễ hội mở rộng, không còn gói gọn trong một làng, xã cố hữu. Liệu sự phân quyền mà ông vừa nói có quá sức với họ hay không?

- Trước đây, thần làng nào làng đó thờ là đúng, nhưng sau khi người Pháp vào, tình hình đã khác. Nếu không, làm sao Nguyễn Nhược Pháp - sinh ra ở Hà Nội - lại viết về hội chùa Hương hay và nổi tiếng đến thế? Nếu không, sao bà Phan Thị Nga - vợ nhà phê bình Hoài Thanh - lại tham gia phong trào đạp xe xuyên Đông Dương, mặc quần shorts đi vào tận miếu Bà Chúa Xứ? Nhưng đúng là bây giờ, việc quản lý lễ hội khó hơn, phức tạp hơn. Song bù lại, nhiều người có trình độ, tầm mắt, có cả kinh nghiệm, có sáng tạo. Sao lại không làm được? Miễn sao trao quyền cho họ, đừng hành chính hóa lễ hội.

Số lễ hội vượt quá nhu cầu tinh thần của người dân

* Ông nhận định hiện trạng quản lý lễ hội ở nước ta hiện nay ra sao?

- Có ba nhận định. Một là, sự bùng phát của lễ hội quả là ghê gớm. Có thêm không biết bao nhiêu loại hình mới, kể cả loại hình truyền thống cũng được khôi phục một cách mạnh mẽ. Chúng ta đã và đang đứng trước một thực trạng: thực thể về tín ngưỡng, về tôn giáo quá lớn, thậm chí có những thời điểm mất kiểm soát. Đáng chú ý, có một nghịch lý là, số lượng lễ hội vượt qua cả những nhu cầu tinh thần chính đáng của nhân dân, gây tốn kém tiền bạc, ảnh hưởng quan hệ xã hội, lối sống. Nếu không cẩn thận, sự tự do này tạo ra tâm lý “thích rong chơi”, càng kích thích một mặt trái của truyền thống “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Cái đó thuộc về phương thức sản xuất nông nghiệp lỗi thời, không còn thích hợp với tình hình mới nữa. 

Hai là, sinh hoạt lễ hội, tâm linh hiện không chỉ là nhu cầu của một cá nhân, tập thể hoặc một cộng đồng nhỏ như làng xã xa xưa nữa mà đã trở thành nhu cầu cộng đồng thực sự của toàn xã hội. Điều đó đòi hỏi phải có những nghiên cứu đầy đủ hơn về nó, từ đó có các chính sách trên các phương diện để quản lý cho tốt. Theo tôi, hiện nay, khâu quản lý này đang có những mặt còn lúng túng.

Thứ ba, theo tôi, trong tình hình dịch bệnh, ta nên có mấy điều chỉnh gấp, như bổ sung lại những tiêu chí cụ thể nếu cho phép sự hoạt động trở lại của các hình thái lễ hội. Về phương diện Nhà nước, cần nhanh chóng áp dụng những quy định hợp lý của an toàn quốc gia về COVID-19 để có khung tiêu chí, chuẩn tắc chính xác để mở cửa hợp lý cho từng vùng, từng loại hình. Khi quản lý lễ hội vẫn còn lúng túng thì trước mắt, cần kết hợp Nhà nước và nhân dân, tái sử dụng kinh nghiệm truyền thống trong quản lý sinh hoạt tín ngưỡng cho cộng đồng. 

* Như vậy, COVID-19 là dịp để thanh lọc lại việc quản lý lễ hội ở nước ta?

- Là dịp để thanh lọc, thử thách lại năng lực cũng như cung cách quản lý lễ hội ở ta. Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi biết nhiều bạn bè tôi - cũng là những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghiên cứu tôn giáo, thậm chí quản lý về mặt nhà nước - cũng chia sẻ quan điểm này. Có điều, hiện chúng ta chưa đặt vấn đề này một cách nghiêm túc. Đó là tôi mới nói tới hệ thống lễ hội, tức cái động, còn hệ thống di sản - tương đối tĩnh - cũng đang có nhiều điều cần nhìn lại.

Tôi cũng muốn nói thêm, nếu những người làm quản lý về lĩnh vực này không chịu cập nhật, học hỏi xu hướng, quy luật vận động thì những hành xử theo phương pháp ứng xử cũ sẽ khiến chúng ta bị tụt hậu trong bối cảnh phát triển của thế giới nói chung.

* Xin cảm ơn giáo sư. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI