"Dịch bệnh kìm nén kinh tế, đã đến lúc bật lên"

09/05/2020 - 12:02

PNO - Sáng nay (9/5) Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Cùng nỗ lực, Vượt thách thức, Phục hồi nền kinh tế. Hội nghị thu hút sự quan tâm, tham dự của toàn bộ các cấp lãnh đạo, các tổ chức, doanh nghiệp, xem đây là bước đầu phục hồi, ổn định nền kinh tế sau dịch COVID-19.

Doanh nghiệp cần cơ chế, minh bạch và thái độ... hơn cần tiền

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho biết, khảo sát nhanh từ gần 130.000 doanh nghiệp (DN) trên cả nước cuối tháng 4 vừa qua cho thấy có khoảng 86% bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, doanh thu 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn 70% so với cùng kỳ 2019. Một trong những khó khăn của DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% DN đang thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu và dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm, tiền lương và lao động.

Các số liệu về tình hình đăng ký DN 4 tháng đầu năm cũng có thấy là giảm mạnh đăng ký, quy mô cũng bị thu hẹp. Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh 33,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh gói hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh minh hoạ.
Doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh gói hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh minh hoạ.

Ông Dũng cho hay, DN mong mỏi các cấp lãnh đạo, Chính phủ cần có quyết sách mạnh mẽ hơn nữa để đồng hành cùng DN chớp lấy cơ hội trong tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt của chúng ta.

“Điểm đáng chú ý trong các kiến nghị của DN là Chính phủ cần thể hiện triệt để hơn nữa việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính. Bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách; thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng DN của cán bộ thực thi là điều DN mong mỏi đối với cơ quan quản lý hơn là hỗ trợ bằng tiền”, Bộ trưởng cho hay.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - ngay sau quyết định gõ bỏ cơ bản giãn cách toàn xã hội, tình hình hoạt động của các DN trong nước đã có chuyển biến tích cực. Khảo sát cuối tháng 4, đầu tháng 5 cho thấy có khoảng 55% DN sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III/2020, 22% sẽ mở rộng quy mô sản xuất. Chỉ có 21% DN dự kiến sẽ thu hẹp quy mô, dừng hoạt động.

 VCCI kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung các giải pháp miễn giảm một số sắc thuế; giãn, hoãn các khoản phải trả, phải nộp của DN trong thời gian 6-12 tháng, tăng trần tín dụng để tiếp sức cho DN.

Cộng đồng DN cũng mong mỏi được hưởng chính sách trong gói hỗ trợ đã ban hành, “một miếng khi đói, bằng một gói khi no” nhanh một ngày thì DN sống, chậm một ngày DN sẽ không còn, lúc đó thì các biện pháp ‘hà hơi’ tiếp sức thì cũng không còn tác dụng.

"Biết là Nhà nước đang khó khăn, DN không xin tiền, chỉ xin cơ chế", ông Lộc bày tỏ. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn sau khi kiểm soát dịch bệnh, kinh tế phục hồi theo hình chữ V thay vì chữ U trong hội nghị với doanh nghiệp sáng 9/5.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn sau khi kiểm soát dịch bệnh, kinh tế phục hồi theo hình chữ V thay vì chữ U trong hội nghị với doanh nghiệp sáng 9/5

Những điều cần làm ngay

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất, thứ nhất, phục hồi chuỗi giá trị cung ứng, xây dựng chuỗi phát triển các giá trị mới; duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu mà Việt Nam có lợi thế; hạn chế xuất khẩu mặt hàng trong nước có nhu cầu nhằm tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển; tập trung phát triển, sản xuất các loại vật liệu cơ bản, vật liệu mới để đảm bảo tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu;  

Thứ hai, các giải pháp kích cầu thị trường nội địa, tăng tổng cầu trong nước thông qua kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các DN phân phối các mặt hàng thiết yếu; các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử,… xem xét hỗ trợ DN tung ra các gói dịch vụ hàng hoá, khuyến mãi cho người tiêu dùng.

Đồng thời, cần thúc đẩy đầu tư công; rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt phát triển thị trường nhà ở xã hội cũng là một đòn bẩy để kích cầu nội địa.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới là quốc gia có ý thức và thực hiện phòng chống dịch tốt nhất, hiệu quả nhất, là điểm đến an toàn để đầu tư, du lịch; xây dựng lộ trình phù hợp cho người nước ngoài vào du lịch để kích thích tăng trưởng ngành dịch vụ; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khai thác lợi thế về quy tắc xuất xứ.

Thứ tư, hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Nghiên cứu có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, sử dụng nhiều lao động như: du lịch, dệt may, da giầy, hàng không… và các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ người lao động trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để giúp DN ổn định lực lượng lao động sẵn sàng cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử.

Thứ sáu, thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI