Dịch bệnh hoành hành là do con người

25/02/2020 - 07:39

PNO - Dịch COVID-19 đang lan rộng trên thế giới, nguyên nhân ban đầu được xác định là do loài tê tê làm vật trung gian, truyền virus corona chủng mới từ dơi sang người. Có lẽ chúng ta không nên đổ tội gây dịch COVID-19 cho con tê tê, dịch SARS cho cầy vòi mốc, dịch tả heo cho heo rừng, bởi những con vật ngoài tự nhiên ấy sẽ không có cơ hội truyền virus sang con người, nếu con người không săn bắt, vận chuyển và ăn thịt chúng.

Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW) - đã có những phân tích về hiểm họa dịch bệnh đến từ thói quen sử dụng động vật hoang dã và mối tương quan giữa chúng tới vấn đề mất cân bằng sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học hiện nay.

Rừng Việt Nam hầu như không còn thú

Phóng viên: Chúng tôi từng đi từ Bắc vào Nam để khảo sát về tình trạng sử dụng, buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD). Tại An Giang, Kiên Giang, người ta bán rùa giữa chợ dù biết đó là loài được pháp luật bảo vệ. Ở Nghệ An, chúng tôi cũng chứng kiến những tủ đông trữ cả chục con khỉ, thậm chí người ta quảng cáo có cả hổ. Ngoài ăn thịt ĐVHD, nhiều người còn có thói quen sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD như nấu cao, làm đồ trang sức…

Ông Nguyễn Văn Thái: Nhiều người Việt Nam sinh ra và lớn lên cùng những món ăn chế biến từ ĐVHD. Từ những bữa tiệc trong nhà hàng sang trọng đến bữa ăn giữa rừng, giữa cánh đồng của trẻ chăn trâu, đều có ĐVHD. Có thể nói, sử dụng ĐVHD đã là một phần của truyền thống.

Tôi có hai năm học thạc sĩ ở Úc. Những ngày đầu ở đó, tôi rất ngạc nhiên khi thấy các siêu thị bày bán thịt kangaroo, trong khi kangaroo là biểu tượng của nước Úc. Khóa học thạc sĩ của tôi đã bắt đầu với chủ đề “vì sao người Úc lại bán thịt kangaroo?”. Khi tìm hiểu, tôi được biết, chính vì người Úc quá yêu, quá coi trọng kangaroo nên nó phát triển quá mức, ở khắp mọi nơi trên nước Úc, đến mức có nguy cơ gây hại cho hầu hết các loài thực vật bản địa - những thức ăn ưa thích của chúng. Những thực vật bản địa này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc suy giảm trầm trọng. Họ phải bắn tỉa liên tục để đảm bảo một mật độ kangaroo nhất định; nếu không, chúng sẽ chết dần mòn do nguồn thức ăn cạn kiệt. Do đó, ở Úc, ăn thịt kangaroo cũng là biện pháp bảo tồn.

Ở nước ta thì khác. Theo thống kê, Việt Nam có hơn 40% diện tích là rừng, nhưng chúng ta đang đối diện với khái niệm “rừng lặng”. Hầu hết các vườn quốc gia (VQG) chỉ còn sự tĩnh lặng, gần như không còn mấy loài vật trong đó. VQG Cúc Phương nhiều năm nay nổi tiếng được là nhờ… đàn bướm. 

Ông Nguyễn Văn Thái (phải) trong một chuyến thả tê tê bị buôn bán về lại rừng
Ông Nguyễn Văn Thái (phải) trong một chuyến thả tê tê bị buôn bán về lại rừng

* Nhiều người dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội tiết lộ, các gian hàng quảng cáo bán thịt thú rừng ở đó thực ra chỉ là thú nuôi. Điều này, ngoài phản ánh nhu cầu sử dụng ĐVHD của không ít người, liệu còn phản ánh điều gì khác không?

- Kinh tế phát triển, người Việt sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức, thời gian để thử một món ăn mới. Khi biếu, tặng, họ cũng muốn biếu nhau của độc, lạ - những thứ mà họ cho rằng càng hiếm thì càng quý. Lẽ ra, loài vật đã hiếm thì chúng ta nên có trách nhiệm dừng lại để phát triển nó, đằng này ngược lại, những loài càng suy giảm về số lượng lại càng được người ta săn lùng cho bằng được. Vòng xoáy đó đẩy các loài ĐVHD ở nước ta vào sự suy giảm rất nhanh.

Việt Nam được xếp vào nhóm những quốc gia có đa dạng sinh học lớn nhất thế giới. Trước đây, có thể tìm thấy đủ mọi loài ở VQG Pù Mát (tỉnh Nghệ An). Hiện nay, đây là nơi đặt nhiều bẫy ảnh nhất trong tất cả hệ thống các VQG ở Việt Nam. Gần hai năm qua, người ta đặt 200-300 bẫy ảnh trong VQG này nhưng chỉ hai lần chụp được gấu, trong khi hàng ngàn cá thể gấu đang bị nuôi nhốt; chưa bao giờ chụp được sao la, dù trước đây Pù Mát được ghi nhận là nơi có số lượng sao la tương đối nhiều. Voi thì ghi nhận được 9 cá thể, nhưng theo dự đoán, đã có 3 cá thể đi sang Lào. Các bẫy cũng chụp được một số cá thể tê tê, còn lại là rất nhiều ảnh cầy vằn. Cầy vằn còn nhiều vì nó không phải là mục tiêu săn bắt. Vì sao Việt Nam - một trong những quốc gia có giá trị đa dạng sinh học lớn - lại hầu như không còn động vật trong rừng? Chính là vì thói quen sử dụng ĐVHD.

Đa số dịch bệnh do động vật hoang dã truyền sang

* Không ít người cho rằng, động vật ngoài tự nhiên là thực phẩm an toàn nhất. Suy nghĩ này có đúng không, khi môi trường sống của ĐVHD hiện nay đã không còn như trước đây?

- Nước Úc bán thịt kangaroo nhưng người dân Úc rất ít sử dụng. Các quốc gia phát triển cũng không ăn thịt ĐVHD vì không có bất cứ sự kiểm soát hay kháng sinh phòng dịch, bệnh nào đối với động vật ngoài tự nhiên. Các nhà khoa học đã chứng minh, do không có gì để kháng chữa nên trên ĐVHD có rất nhiều vật ký sinh. Thực tế, chúng ta tiếp xúc rất nhiều và thường xuyên với vật nuôi, nhưng lại có đến 70% số vật trung gian truyền nhiễm dịch bệnh cho con người là ĐVHD. Chưa kể hiện nay, sau khi săn bắt ĐVHD xong, nó đã bị tiêm, bị ướp hóa chất để vẫn tươi trong quá trình đưa đến tay người sử dụng.

Tôi không phủ định tất cả các giá trị chữa bệnh của ĐVHD, nhưng tôi cho rằng, nó không có tác dụng đến mức thần thánh để chúng ta phải tiêu diệt chúng. Ví dụ sừng tê giác, mục đích sử dụng lớn nhất của người ta chỉ là… giải rượu. Con người đã chi rất nhiều tiền chỉ để làm một việc quá tầm thường như thế.

* Có thể nói, bất cứ ĐVHD nào cũng tiềm ẩn nguy cơ truyền dịch bệnh sang người, đặc biệt là khi môi trường sống của chúng bị thay đổi, cũng như sự đa dạng về thức ăn và rất nhiều thứ khác xung quanh chúng cũng biến đổi?

- Đúng. Thực tế đã chứng minh, dịch bệnh lây nhiễm từ nhiều loài khác nhau. Như tinh tinh là vật chủ lây nhiễm HIV sang con người; con dơi mang virus corona, con cầy vòi mốc ăn thịt con dơi và con người lại ăn thịt cầy vòi mốc, bị nó truyền bệnh SARS sang. Theo thời gian, virus mới gây dịch bệnh sẽ liên tục xuất hiện hoặc phát triển thành các chủng mới và vật trung gian truyền bệnh là loài mới, chứ không chỉ là con tê tê, lạc đà hay cầy vòi mốc... Do đó, nguy cơ bị lây truyền dịch bệnh từ ĐVHD là rất lớn. 

Sự lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người không phải tự nhiên. Bởi ĐVHD sống trong môi trường tự nhiên đều có những kháng thể để đảm bảo duy trì sự sống. Nên có rất nhiều loài ký sinh trên động vật mà không truyền sang con người hoặc tác động xấu đến động vật. Dịch bệnh chỉ truyền từ ĐVHD sang người khi môi trường sống của chúng bị thay đổi, dẫn đến sự xuất hiện của dịch bệnh; mà môi trường sống của ĐVHD thay đổi hầu hết từ việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển chúng. 

Hầu như mọi loài động vật hoang dã đều bị con người săn lùng, buôn bán, tiêu diệt
Hầu như mọi loài động vật hoang dã đều bị con người săn lùng, buôn bán, tiêu diệt

Mất cân bằng sinh thái, mất tiềm năng phát triển du lịch

* Ăn thịt ĐVHD làm mất cân bằng sinh thái, nhưng “cân bằng sinh thái” là gì thì có lẽ đại đa số chưa hiểu rõ?

- Không ít người làm bảo tồn cũng rất mơ hồ về chuyện này, nên chúng ta chưa hiểu được vai trò của nó. Ví dụ, tôi làm bảo tồn tê tê từ năm 2005 đến nay, tôi biết tê tê ăn kiến, ăn mối. Về lý thuyết, nếu mất tê tê thì vẫn có những loài ăn kiến, ăn mối khác. Nhưng thực tế, mọi loài đều có sự liên hệ, liên quan nhất định đến nhau. Năm 2014, nhiều tỉnh Nam Trung bộ phải đối mặt với nạn phát triển của rắn lục đuôi đỏ, chúng bò vào nhà dân. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, là do nguồn thức ăn ngoài tự nhiên của chúng cạn kiệt, buộc chúng phải đi tìm thức ăn ở nơi khác. Nhiều người nói chuột chỉ phá hoại, không có giá trị gì, nhưng không phải. Do vắng bóng chuột, nên rắn mới phải bò vào nhà dân để 
ăn gà. 

Một nhóm thợ săn ở Hà Tĩnh đi săn lợn rừng. Họ đuổi nó ra khỏi rừng, một chị đang làm đồng đã trở thành mục tiêu tấn công của nó, và chị chết oan uổng, để lại hai đứa con nhỏ cùng ông chồng bệnh tim. Chị ấy đã làm gì? Không làm gì cả, nhưng phải hứng chịu cơn tức giận của con lợn rừng. Nhóm thợ săn ấy có thể bù đắp được những thiệt hại, những tổn thất và mất mát của gia đình ấy không? Nói thế không có nghĩa là những người ở thành phố, không phải đối mặt với nguy cơ đó nên không có trách nhiệm gì. Mỗi loài vật đều có những mối liên hệ nhất định với nhau, nên khi sinh thái bị mất cân bằng thì con người sẽ phải chịu hậu quả, trực tiếp hoặc gián tiếp.

* Với giá trị đa dạng sinh học cao như nước ta, lẽ ra hoạt động du lịch sinh thái đã rất phát triển, nếu lượng ĐVHD không suy giảm đến cạn kiệt như hôm nay?

- Trên thế giới, nhiều quốc gia có hệ đa dạng sinh học thấp hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng họ lại giữ được những đặc trưng độc đáo của các quần thể ĐVHD để xây dựng và phát triển thành những điểm du lịch lớn. Đặc biệt, ở các quốc gia châu Phi, những đàn tê giác, đàn voi… ngoài tự nhiên đã phục vụ du lịch và tạo ra nguồn ngân sách rất lớn cho đất nước. 

Ở Đông Nam Á, VQG Khao Yai - khu bảo tồn động vật lớn thứ hai ở Thái Lan - mỗi năm thu hút khoảng 3 triệu người. Ở VQG Khao Yai có gấu, bò rừng, báo gấm. Đứng trên đỉnh Nong Pak chee có thể nhìn cuộc sống hoang dã của hươu, nai, lợn rừng, voi… VQG này còn được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngoài tiền vé vào VQG, còn nhiều dịch vụ đi theo, tạo ra nguồn thu rất lớn cho ngân sách. Cũng cách thủ đô khoảng 3 giờ chạy xe, cùng thành lập vào những năm 1960 như VQG Khao Yai nhưng VQG Cúc Phương của ta chỉ thu hút khoảng 100.000 người/năm, và không có gì ngoài bướm. Hai con số rất khác nhau. Đây là một trong những mất mát về kinh tế khi môi trường sinh thái bị mất cân bằng. Vấn đề không chỉ là không có khách đến các VQG tham quan, cũng không có gì ngoài cây và bướm để du khách chiêm ngưỡng mà còn kéo theo việc cộng đồng xung quanh đó không có, hoặc có rất ít thu nhập, và họ lại vào rừng đi săn.

* 15 năm làm công tác bảo tồn tê tê, chứng kiến tê tê bị săn bắt, buôn bán, suy giảm, ông có cảm giác như thế nào?

- Khi đi thực địa nhiều nơi, tôi nghe nhiều người làm trong ngành lâm nghiệp nói về việc cánh rừng của họ đã vắng bóng con này, con kia. Họ nói một cách bình thản, nhưng tôi thì thấy xấu hổ. Như tôi, 15 năm bảo tồn tê tê, tôi làm được gì cho tê tê ngoài một trung tâm cứu hộ? Nhưng không thể vì thế mà không hành động. Ít ra, sau 5 năm xây dựng trung tâm cứu hộ tê tê, từ một mình tôi, đến nay đã có 50 thành viên đồng hành. Tôi muốn nói, dù sao, hành động vẫn có giá trị hơn là chỉ suy nghĩ.

Chúng ta phải bảo vệ ĐVHD không chỉ vì giá trị về thực phẩm, thuốc chữa bệnh hay giá trị sinh thái của chúng. Chúng ta phải bảo vệ, vì những giá trị đó khi đã mất là sẽ mất mãi mãi, không thể phục hồi. Đặc biệt là khi ĐVHD ở nước ta đã suy giảm quá mức, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy điều đó bằng tai, bằng mắt khi bước chân vào bất cứ cánh rừng nào. Chúng ta phải bảo vệ ĐVHD để tránh những hậu quả mà việc sử dụng ĐVHD gây ra cho con người, cho xã hội.

Tôi nghĩ, chúng ta nên và phải dừng lại việc sử dụng ĐVHD ngay lúc này, vì chính sự an toàn của chúng ta. Động cơ sử dụng ĐVHD là tò mò, thể hiện "đẳng cấp", muốn tỏ ta đây hơn người… cần phải được đặt lên bàn cân cùng với sự an nguy đến sinh mạng của chính chúng ta, gia đình chúng ta và cả cộng đồng. 

Uông Ngọc (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Diệp Sương 25-02-2020 11:12:41

    Bài viết rất hay, chỉ tiếc là những người hay ăn và săn bắt họ không đọc bài này. Và những người hành động như vậy họ không nghĩ được xa như bài viết mong muốn. Vấn đề còn lại là Pháp luật cần nghiêm trị những hành động vi phạm pháp luật một cách triệt để.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI