Dịch bệnh đe dọa trẻ em Syria

01/11/2013 - 14:21

PNO - PN - Tính đến ngày 30/10/2013, đã có 10 trẻ em Syria tại một trại tị nạn ở tỉnh Deir al-Zour, phía Đông Liban nhiễm bệnh sốt bại liệt, hàng trăm đứa trẻ khác đang chờ kết quả xét nghiệm.

Không thể loại trừ khả năng có thêm nhiều trẻ khác đã nhiễm căn bệnh quái ác này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, nếu không có biện pháp ngăn ngừa quyết liệt và hiệu quả hơn, nguy cơ sốt bại liệt trở thành nạn dịch khắp Trung Đông là không tránh khỏi.Theo các chuyên gia của WHO, tình hình đang rất đáng lo ngại vì trong 200 trẻ nhiễm bệnh, chỉ một em bộc lộ rõ các triệu chứng.

Cuộc chiến kéo dài hai năm rưỡi ở Syria đã khiến cho hàng triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa tìm đến các khu an toàn trong nước và các trại tị nạn của các nước láng giềng. Đại đa số phải sống chui rúc trong những khu nhà tạm bợ, điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ. Đó chính là nguyên nhân khởi phát nhiều thứ dịch bệnh, mà sốt bại liệt chỉ là một. Các bệnh viêm gan, lao phổi và suy dinh dưỡng cũng đang đe dọa mạng sống của phụ nữ và trẻ em Syria đang “tạm trú” ở các trại tị nạn.

Dich benh de doa tre em Syria

Một bé gái Syria đi lấy nước cho cả nhà dùng - Ảnh: Telegraph

Mỗi ngày có thêm 4.000 người tị nạn Syria đến Liban. Bà Valerie Amos thuộc Ủy ban cứu trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) báo động: “Đó là một cơn bão dẫn đến việc lây lan dịch bệnh. Đáng lo hơn, đây không chỉ là vấn đề của riêng Syria mà còn là vấn đề của toàn khu vực, đòi hỏi các nước phải có một chủ trương chung trong việc kiểm soát dịch bệnh”. Lập tức sau cảnh báo đó, các nước Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban đã lên kế hoạch tiêm chủng cho 20 triệu trẻ em nước mình trong vòng hai tháng tới, đặc biệt là trẻ em ở những khu vực kế cận biên giới Syria.

Đáng ngại nhất là ở Syria. Trước khi cuộc chiến bùng phát, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng là 91% thì hiện tỷ lệ này chỉ còn 68%. Đã từ 14 năm nay, không có trẻ em nào ở Syria mắc bệnh sốt bại liệt, nhưng 10 ca nhiễm bệnh vừa nêu ở Deir al-Zour cho thấy tình hình đã khác.

Nhiều tổ chức thiện nguyện quốc tế đã gửi bác sĩ và nhân viên y tế đến các trại tị nạn và các khu vực có giao tranh bên trong Syria để tìm cách cứu chữa và thực hiện các biện pháp phòng dịch cho người dân, nhưng tình hình rất khó khăn. Họ phải làm việc trong nỗi bất an giữa những làn đạn vô tình. Trên thực tế, các phe lâm chiến đều không xem bệnh viện và khu dành cho người tị nạn là những nơi bất khả xâm phạm.

Bom đạn cũng phá hủy nhiều nhà máy nước và nhà máy điện khiến lượng nước cung cấp cho người dân Syria chỉ còn 1/3 so với thời trước chiến tranh, mà phần lớn số nước đó lại bị nhiễm khuẩn. Bà Amos cho biết, hiện có đến ba triệu người Syria cần được trợ giúp y tế, nhưng các bác sĩ không thể đến tận nơi vì tình hình an ninh, chưa kể việc cả chính phủ lẫn các nhóm chống chính phủ đều lập chốt chặn, nhằm ngăn cấm người nước ngoài tiếp cận nhiều khu vực.

Dịch bệnh và nạn suy dinh dưỡng đe dọa cướp đi nhiều sinh mạng trẻ em Syria là nỗi lo hiện nay của LHQ và các tổ chức nhân đạo thế giới. Tuy nhiên, không ai dám chắc khi nào điều này sẽ chấm dứt bởi cuộc nội chiến thương tâm vẫn đang tiếp diễn.

 THIỆN NGA
(Theo Washington Post, Daily Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI