Dịch bệnh cũ trở lại đe dọa nhiều quốc gia

12/04/2024 - 11:02

PNO - Nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến những căn bệnh cũ trở lại ngày càng nhiều. Thậm chí, có những bệnh đã xem như được xóa sổ lại bất ngờ bùng phát.

Biến đổi khí hậu và đô thị hóa

Khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Mười hằng năm được xem là mùa cao điểm sốt xuất huyết (SXH) ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Theo Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA), quý I năm nay, Singapore đã ghi nhận hơn 5.000 ca SXH, tăng đột biến so với quý I/2023 (2.360 ca). Trung bình mỗi tuần có hơn 300 ca SXH mới. Tính đến ngày 25/3 đã có 7 người tử vong do SXH, trong khi cả năm ngoái chỉ có 6 ca tử vong. NEA cho biết người dân Singapore có khả năng miễn dịch thấp đối với cả 4 loại huyết thanh vi rút SXH.

Các bệnh nhân ở Buenos Aires, Argentina nghi ngờ mắc sốt xuất huyết chờ chăm sóc y tế tại bệnh viện ngày 5/4 - Nguồn ảnh: Reuters
Các bệnh nhân ở Buenos Aires, Argentina nghi ngờ mắc sốt xuất huyết chờ chăm sóc y tế tại bệnh viện ngày 5/4 - Nguồn ảnh: Reuters

Người dân Argentina đang đối mặt với tình trạng dịch SXH lên đỉnh điểm trong khi thuốc chống muỗi thì thiếu. Các sản phẩm này khan hiếm, giá bán trên mạng xã hội cao gấp 10 lần so với giá bán lẻ thông thường. Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ tăng khiến muỗi sinh sản nhanh hơn và làm dịch SXH bùng phát. Trong quý I năm nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 232.996 ca mắc, cao gấp 5 lần cùng kỳ năm trước. Thông thường bệnh tăng đột biến vào cuối mùa hè nhưng năm nay đã bắt đầu khá sớm. Các chuyên gia dịch tễ còn cảnh báo nguy cơ bùng phát các dịch bệnh khác do vi rút truyền qua côn trùng.

Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) nhận định: biến đổi khí hậu và đô thị hóa là nguyên nhân bùng nổ muỗi Aedes Albopictus lây lan bệnh SXH ở hầu hết các vùng nhiệt đới. Khu vực Nam Á, Đông Nam Á - đặc biệt là Ấn Độ - bị ảnh hưởng nặng nề. Đã có những đợt bùng phát bệnh lớn trên khắp Trung Mỹ và vùng Caribe. Dữ liệu mới nhất cho thấy số ca mắc SXH ở du khách Anh khi trở về từ các khu vực này đã gần bằng mức trước đại dịch COVID-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể tỉ lệ mắc SXH toàn cầu vào năm 2023. Hiện Anh đã có vắc xin phòng SXH dành cho những người đã từng nhiễm bệnh nhưng nó không thể dùng cho trẻ em dưới 4 tuổi. UKHSA cũng cảnh báo biến đổi khí hậu có khả năng khiến dịch sốt rét quay lại do “siêu muỗi” Anopheles stephensi có thể sống sót ở nhiệt độ cao và kéo dài thời gian lây truyền bệnh.

Cần tăng cường tiêm chủng

Các bệnh truyền nhiễm gồm sởi, bạch hầu, ghẻ và Legionellosis (bệnh do vi khuẩn Legionella pneumophila gây ra, thường gây viêm phổi và các triệu chứng giống cúm) đang gia tăng đáng kể ở Cộng hòa Séc. Viện Y tế công cộng quốc gia (SZU) cho rằng đó là hậu quả của tỉ lệ tiêm chủng thấp, khả năng miễn dịch suy giảm và tác động của việc di dân.

Bệnh sởi đã tăng từ dưới 5 ca/năm trong 4 năm qua lên 14 ca trong năm nay. Tỉ lệ tiêm chủng đã giảm xuống 96% ở trẻ sinh năm 2022, thấp hơn mức cần thiết để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Bệnh bạch hầu đã tăng lên 8 ca tính từ đầu năm đến nay so với 7 ca của cả năm ngoái. Bệnh ghẻ cũng đang gia tăng. Nếu như cả năm 2023 có hơn 9.000 người nhiễm bệnh thì năm nay, con số tính đến lúc này đã là 2.700 ca. Số ca mắc bệnh Legionellosis tăng đáng kể so với năm ngoái. Ngoài ra, ho gà cũng tăng mạnh với số ca mắc cao nhất kể từ năm 1959.

Tại Mỹ, bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát với nhiều ổ dịch nhỏ. Dù có tỉ lệ tiêm chủng cao với hơn 93% trẻ mẫu giáo được tiêm đầy đủ vắc xin nhưng vẫn tồn tại những khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp, thường do các yếu tố tôn giáo hoặc quan điểm về vắc xin. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết bệnh sởi đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, với số ca mắc tăng gấp 3 lần năm 2023. Điều này dẫn đến nguy cơ du khách mang vi rút vào Mỹ và lây cho những người chưa được tiêm chủng. Theo CDC, sởi là mối đe dọa thực sự. Cần tập trung vào các giải pháp thực tế như tăng cường tiêm chủng, giáo dục để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Queensland (Úc) đang đối mặt với sự gia tăng các ca mắc cúm. Tại đây đã có hơn 300 người phải nhập viện vì COVID-19, cúm mùa hoặc vi rút hợp bào hô hấp (RSV) trong tuần qua. Số trẻ em từ 10-14 tuổi mắc bệnh ho gà cũng đang tăng. Chính quyền tiểu bang đang kêu gọi người dân hành động ngay tức khắc với 4 biện pháp chính là chích ngừa cúm và ho gà, ở nhà khi bị bệnh, đeo khẩu trang khi ra ngoài và rửa tay thường xuyên. Việc chích ngừa RSV miễn phí cũng đang được cung cấp cho tất cả trẻ sơ sinh ở Queensland. Bên cạnh việc có hơn 31.000 trẻ dưới 5 tuổi đã quá hạn chích vắc xin ho gà, tỉ lệ chích ngừa cúm cũng đang ở mức thấp nhất với nhóm 5-15 tuổi. Các chuyên gia y tế kêu gọi người dân chích ngừa để bảo vệ bản thân và những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng.

Dịch tả vừa bùng phát tại một ký túc xá nữ thuộc Viện Nghiên cứu y tế Bengaluru (Ấn Độ). 2 sinh viên mắc bệnh đã được xác định ban đầu. Hiện đã có 21 người khác bị ảnh hưởng vì đợt bùng phát mới này. Nhà trường đã ngưng hoạt động khu vực bếp ký túc xá, khử trùng thường xuyên và sử dụng bữa ăn được cung cấp từ Bệnh viện Victoria. Sự lo lắng khiến các gia đình đang kêu gọi con cái trở về nhà. Một số sinh viên đã rời khỏi ký túc xá, trong khi số khác chuyển ký túc xá hoặc dọn ra ở với người thân, bạn bè.

Nam Anh (theo AP, Reuters, Telegraph, ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI