Dịch bệnh bùng phát, ngành thời trang suy tàn

29/08/2020 - 11:30

PNO - Kể từ khi bùng phát vào tháng Ba, COVID-19 đã giáng đòn chí mạng lên ngành công nghiệp thời trang. Nó ảnh hưởng lên mọi mặt từ cách thức giới thiệu sản phẩm cho đến việc phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, có vài khía cạnh về ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch lên nhu cầu thời trang của công chúng mà ít ai biết.

 Sự suy tàn của giày tây 

Nhằm hạn chế vi-rút lây lan, mọi hoạt động đông người đều bị cấm bao gồm lễ cưới, lễ tốt nghiệp… dẫn đến nhu cầu mua giày tây giảm đáng kể. Trong khi đó, từ trước đại dịch, người tiêu dùng đã bắt đầu có xu hướng ăn mặc giản dị hơn ngay cả tại văn phòng.

Đại dịch cũng đã buộc ngành công nghiệp thời trang tự đặt câu hỏi cho mình: “Chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo?”
Đại dịch cũng đã buộc ngành công nghiệp thời trang tự đặt câu hỏi cho mình: “Chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo?”

Beth Goldstein - nhà phân tích thời trang của NPD Group - cho biết: “Giày tây là một trong những phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào mùa xuân năm nay. Doanh số đã giảm khoảng 70% trong tháng Ba và tháng Tư. Bây giờ, không có văn phòng để đến và các dịp đặc biệt để tham dự, nhu cầu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Các thương hiệu giày tây nên chuyển hướng kinh doanh nếu không muốn bị phá sản”.

Thành lập năm 1818, hệ thống bán lẻ lễ phục lâu đời nhất của Mỹ Brooks Brothers đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng Bảy sau nhiều năm kinh doanh thất bại cộng thêm tác động từ COVID-19.

Cho thuê và bán lại cũng bị giảm

Trong bối cảnh việc bán lẻ truyền thống bị che phủ bởi thương mại điện tử và người tiêu dùng ngày càng chán thời trang nhanh, thị trường đồ cũ (resale) đã phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Nó được hỗ trợ bởi những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ có ý thức về môi trường cũng như những người mua sắm thông minh đang tìm kiếm các mặt hàng chất lượng với giá cả 
phải chăng.

Ước tính, quy mô của thị trường đồ cũ sẽ cao gấp đôi so với thời trang truyền thống vào năm 2029. Theo ThredUp, doanh thu hiện nay của thị trường đồ cũ vào khoảng 28 tỷ USD và sẽ tăng lên 64 tỷ USD trong 5 năm tới.

Mặc dù vậy, sự bùng phát của COVID-19 đang đe dọa đảo ngược các xu hướng đó. Nhiều người tiêu dùng nghi ngờ việc mua đồ cũ do lo ngại về khả năng tồn tại hàng giờ của SARS-CoV-2 trên bề mặt.

Đầu tháng Tám, Công ty Rent the Runway chuyên cho thuê quần áo và phụ kiện thời trang cao cấp cho biết họ sẽ đóng cửa các cửa hàng ở New York, Washington D.C., Los Angeles, San Francisco và Chicago. Trong khi Rent the Runway được coi là tiên phong trong lĩnh vực này, nhiều công ty lớn khác cũng đã tham gia từ lâu như Macy’s và JCPenney.

Đáng tiếc, do đại dịch vẫn tiếp diễn, người tiêu dùng không có nhu cầu mua lẫn thuê trang phục cao cấp hay lễ hội để dự các sự kiện đông người. Họ chuộng trang phục thể thao và quần jeans hơn cho việc ở nhà hoặc ra ngoài mua nhu yếu phẩm.

Nhu cầu mua đồ giảm giá của người tiêu dùng vấp phải rào cản thuế quan

Thu nhập bị ảnh hưởng khiến người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến giảm giá sâu. Tuy nhiên, rất khó cho các thương hiệu thời trang làm vậy khi vấp phải rào cản thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là giày - một trong số mặt hàng được cho là “không 
cần thiết”.

Ngày 18/8, Matt Priest - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của FDRA - cho biết: “Vấn đề mà ngành công nghiệp giày phải đối mặt hiện nay mang tính lịch sử. Sự phân hóa này chưa bao giờ sâu sắc đến vậy bởi 99% tất cả các loại giày được bán ở Mỹ là nhập khẩu”.

Thông thường, chuỗi cung ứng và giá bán lẻ lên xuống cùng nhau. Tuy nhiên, FDRA dự báo rằng hai biến số này sẽ hoạt động trái ngược nhau một cách bất thường trong năm 2020.
Trong 4 năm qua, thuế quan là một trọng tâm đối với ông Trump - người đã hứa sẽ hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ bằng cách áp mức thuế cao lên các đối thủ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Năm ngoái, ông Trump đã công bố nhiều đợt tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà các chuyên gia cho rằng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng.

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính vào giữa tháng Tư đã thông báo rằng sẽ cho các doanh nghiệp Mỹ hoãn thanh toán 90 ngày đối với một loạt loại thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, việc miễn trừ không bao gồm thuế đối với hơn 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế trong cuộc tranh chấp tài chính kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh.

Rào cản trong khâu tiếp thị

Kể từ tháng Ba năm nay, các nhà tiếp thị trong toàn ngành thời trang và bán lẻ đã phải đảm bảo tất cả thông điệp của họ phù hợp với kỷ nguyên COVID-19. Với hàng triệu người Mỹ đổ bệnh, một số nhà quảng cáo thậm chí đã phải hủy toàn bộ chiến dịch kéo dài hàng tháng trời trị giá nhiều triệu USD chỉ vì không phù hợp thời thế.

Trong lĩnh vực PR thời trang, các công ty lớn như Spring, Krupp Group và Karla Otto đã cắt giảm nhân sự vài tháng gần đây. Edelman - công ty lớn nhất thuộc lĩnh vực này - đã sa thải gần 400 nhân viên.

Không dừng lại ở đó, các show thời trang được tổ chức dưới dạng trực tuyến đã khiến hàng ngàn người phải thất nghiệp, từ thợ trang điểm, biên tập viên video, kỹ sư âm thanh, ánh sáng cho đến nhân viên phục vụ sự kiện. 

Tương lai gần ảm đạm cho ngành thời trang

Ralph Lauren và Capri Holdings - công ty mẹ của Versace, Michael Kors và Jimmy Choo - đều báo cáo doanh số bán hàng giảm mạnh trong quý gần đây. Ralph Lauren giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái và cho biết sẽ đánh giá lại cấu trúc doanh nghiệp nhằm đưa ra đường lối phù hợp trong thời đại COVID-19. Trong khi đó, doanh thu của Capri giảm tận 66,5%.

Việc đóng hàng loạt cửa hàng và du lịch bị ngừng trệ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự sụt giảm. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cũng lưu ý rằng, đại dịch cũng đã buộc ngành công nghiệp thời trang tự đặt câu hỏi cho mình: “Chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo?”.

Phát biểu trong sự kiện Global Conversations vào tháng Tư, nhà thiết kế Marc Jacobs đã nói: “Cách chúng tôi thực hiện công việc của mình trong bao năm qua dường như sẽ mãi mãi thay đổi”.

Trong bài viết trên The New York Times vào ngày 6/8, Irina Aleksander đã vạch ra cách thức mà sự trỗi dậy của mạng xã hội, nhu cầu mới lạ và chu kỳ thời trang tăng tốc đã dẫn đến sự sụp đổ của ngành thời trang ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.

Bà Anna Wintour - Tổng biên tập của Vogue - thì cho rằng ngành công nghiệp thời trang từ lâu đã hoạt động theo hướng phi thực tế và sự xuất hiện của COVID-19 khiến cho các thương hiệu lớn nhất cũng phải lao đao. Ví dụ như thương hiệu Diane von Furstenberg đã sa thải khoảng 300 nhân viên và đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Mỹ, trừ một cửa hàng trong khi tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. 

“Không có gì xấu hổ khi thừa nhận bạn đang gặp rắc rối”, nhà thiết kế Diane von Furstenberg nói với The New York Times vào tháng Bảy. “Nó giết tôi, nhưng cũng giết tất cả mọi người. Mọi nhà thiết kế đang gọi cho tôi. Tình trạng này diễn ra ở khắp mọi nơi”.

Các trung tâm thương mại cũng không giúp ích được gì khi cũng phải đóng cửa, chặn con đường bán hàng của những thương hiệu lớn.

Barneys - kênh phân phối ưa thích của các nhà thiết kế trước đây - đã phá sản vào tháng Hai. Neiman Marcus đã đệ đơn xin phá sản với kế hoạch đóng cửa 4 trung tâm thương mại và 17 địa điểm giảm giá. Lord & Taylor cũng có thể đóng tất cả cửa hàng của mình nếu không tìm được người mua trong tình trạng phá sản.

Nordstrom gần đây cũng thông báo sẽ đóng tất cả các cửa hàng Jeffrey sang trọng của mình.
Jeffrey Kalinsky - người thành lập Jeffrey và bán nó cho Nordstrom vào năm 2005 - nói với tờ The New York Times vài ngày trước khi tin tức về việc đóng cửa được đưa ra: “Tôi ghét những gì đang xảy ra trên thế giới. Nhưng tôi nghĩ nếu có điều gì tốt rút ra từ chuyện này, thì đó là cơ hội để chúng tôi nhìn lại chính mình”. 

Mai Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI