PNO - Sự phát triển như vũ bão của thời đại kỹ thuật số hiện nay đã đưa các nền tảng streaming lên hàng độc nhất, và ngày càng đẩy các sản phẩm vật lý vào thời quá vãng.
Nếu trước đó, CD đưa cassette và đĩa than vào ký ức bởi tính linh động và chi phí rẻ; thì những năm gần đây, hai phương thức này đã trở lại một cách ngoạn mục như một quy luật của tính chu kỳ. Năm 2020, lần đầu tiên đĩa than vượt mặt CD và có tổng lượng bán ra cao nhất trên toàn thế giới. Thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ khi các sản phẩm thuộc hai loại hình này ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Có thể kể đến những dự án gần đây được phát hành dưới dạng đĩa than như Lối cũ ta về của Đức Trí, hướng đến việc khai thác các giọng ca nam, Quốc Bảo với đĩa than kỷ niệm 30 năm sáng tác, Quang Dũng và LP nhạc Trịnh Công Sơn… Trong khi đó Vũ Trụ Song Song của Vũ, Hiệu ứng trốn chạy của Cá Hồi Hoang… vẫn luôn được người nghe săn đón dưới ấn bản cassette, khi được tái bản liên tục nhiều lần từ khi ra mắt chính thức.
Trong thị trường của các loại hình đặc biệt này, có thể thấy các nhà phân phối hiện nay đang đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau: hoặc tôn vinh giá trị nghe nhạc, hoặc tích lũy thêm lợi ích sáng tạo. Nếu các dự án do Đức Trí sản xuất những năm gần đây chỉ ấn hành duy nhất phiên bản đĩa than với mong muốn mang đến trải nghiệm chân thật, thì các album ăn khách, các dự án indie lại thiên về vế sau, khi ra mắt các ấn bản đặc biệt với mục đích sưu tầm, giúp nghệ sĩ có cơ hội quảng bá dự án của mình không chỉ về âm nhạc, mà còn rất nhiều khía cạnh khác như thời trang, in ấn, phong cách…
Với sự phối trộn nhiều hướng đi, thị trường đĩa than và băng cassette hiện nay cũng có những đối tượng riêng biệt. Nếu những người chơi sành sỏi mê đắm âm thanh chuẩn audiophile tìm đến các dự án thiên về âm thanh; thì giới trẻ lại chuộng các album ăn khách, các dự án mang tính sưu tầm như một đặc điểm của thế hệ mình. Tiềm năng của thị trường này được nhận ra bởi sự đón nhận của giới trẻ, thông qua mạng xã hội.
Để lý giải vì sao có sự yêu thích này, có thể thấy giới trẻ đang ngày càng tập trung hơn vào đầu tư tinh thần. Nếu thế hệ 9x lớn lên coi vinyl và băng cassette như một ý tưởng hoài niệm, thì gen Z - thế hệ nối tiếp - tiệm cận những sản phẩm này theo hướng ngược về quá khứ. Ở thế hệ kết nối mạng thông tin, những đĩa than màu hay băng cassette phát hành ngày nay bên cạnh công dụng thanh âm, còn được chăm chút ở mặt thời trang hay là biểu tượng, để rồi trở thành một kiểu sưu tầm phong cách cá nhân.
Một khía cạnh khác, với sự tận diệt của những thiết bị nghe CD, giới trẻ ngày nay cũng dần rời xa ti vi để tìm đến sự hoài cổ. Nơi đó, quyền sở hữu lại một lần nữa được ấn định như một kiểu vinh danh, nơi mà trong một xã hội mở, việc trở về bản nguyên dường như là thiết yếu và không thể thiếu. Nếu thời trước, ta chỉ có những người quen để khoe bộ sưu tập đĩa than hay băng cassette của mình; thì ngày nay chỉ bằng một dòng status cập nhật, ảnh instagram hay một story trong 24h, cả thế giới đã có thể thấy chúng.
Sự trở lại mạnh mẽ của băng cassette có thể được lý giải bằng tính di động cùng tầm giá khá ổn so với vinyl (trong khi ngang bằng CD). Thế nhưng, trước thực tế là các thiết bị chạy băng ngày nay không còn phổ biến, cộng thêm chất lượng âm thanh không thể so sánh với hai phương thức còn lại, cassette ngày nay chỉ tồn tại với mục đích sưu tầm là chủ yếu. Trong khi đó, đĩa than với việc trải nghiệm một cách thực sự từng quá trình, từ bóc đĩa, đặt lên mâm quay, cân chỉnh độ tì, cho đến chọn điểm khởi đầu… cùng sự hỗ trợ của những thiết bị loa luôn có sẵn thời 4.0 đã khiến vinyl vươn lên mạnh mẽ.
Các sản phẩm âm nhạc khi được phát hành dưới dạng các ấn bản đặc biệt này luôn được chọn lựa vô cùng kỹ càng, và cũng phải trải qua quá trình cân nhắc gắt gao. Đức Trí chia sẻ, Lối cũ ta về được anh hoàn thành trong vòng năm năm, và với hơn 3.000 bản bán ra, phải mất hơn một năm để nhà phát hành thu hồi vốn. Ở hướng các album pop, phần nhiều được in là những tên tuổi lớn như Thanh Lam, Quang Dũng, các dự án nổi bật như Hoàng, hay những album nhiều suy ngẫm của Nguyên Hà, Lê Cát Trọng Lý…
Trước thực trạng Việt Nam hiện chưa có công nghệ xử lý đĩa than, công đoạn từ master cho đến hậu kỳ đều phải gửi ra nước ngoài, nên giá cả bị đội lên. Chi phí đầu tư ban đầu khá cao, thời gian thu hồi vốn lâu cũng trở thành rào cản đối với các nhà phát hành, khiến họ co cụm và ít dám mạo hiểm với loại hình này. Trào lưu quay về với đĩa than xưa hoặc băng cassette mang tính chu kỳ, thế nhưng câu hỏi liệu chúng có tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới hay không vẫn còn là ẩn số. Tuy vậy, với sự đón nhận có phần nồng nhiệt, và đang trở thành xu hướng trên toàn thế giới, con đường phổ biến đĩa than và băng cassette sẽ không còn quá xa.