Đĩa than trở lại: Không chỉ là hoài cổ

17/04/2019 - 06:44

PNO - Theo một vài nhà phát hành đĩa than có tiếng ở Việt Nam, dù không rầm rộ, những bản ghi đĩa than vẫn có sức sống của mình. Thậm chí, thị trường hẹp này ngày càng được “trẻ hóa”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương nói, trong thời buổi một cú click chuột có thể tiếp cận kho nhạc trực tuyến khổng lồ trên internet và 10 cửa hàng bán đĩa CD thì có tới 9 cửa hàng bán đĩa “nhái”, việc làm, chơi, bán những định dạng đặc biệt như đĩa than hoặc băng cối... hướng người ta đến một “sự chơi tử tế”.

Những tưởng đĩa than đã tuyệt chủng. Những tưởng nó là cơn sốt nhất thời. Hơn một lần, đã được ký gửi vào “đống rác” và rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, nó vẫn ở đây và đang phát triển. Theo một vài nhà phát hành đĩa than có tiếng ở Việt Nam, dù không rầm rộ, những bản ghi đĩa than vẫn có sức sống của mình. Thậm chí, thị trường hẹp này ngày càng được “trẻ hóa”. 

Trở lại cùng xu hướng thế giới

Giang Trang vừa kết thúc hành trình bảy năm gắn bó với âm nhạc Trịnh Công Sơn bằng đĩa than Lênh đênh nhớ phố, công bố hồi đầu tháng Tư. Sau CD Này em có nhớ ra mắt vừa qua, tháng Sáu tới, ca sĩ Đồng Lan cũng sẽ cho ra định dạng đĩa than của album này.

Dia than tro lai: Khong chi la hoai co
Không phải nghệ sĩ nổi tiếng nào cũng hợp với đĩa than

Sắp tới, còn có đĩa than của Bằng Kiều, Tuấn Hiệp, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng... Trước đó, dù không ồn ào khuếch trương, cũng có một số đĩa than được công bố như Tình ca Phạm Duy của Quang Dũng, Lặng lẽ tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, bộ ba sản phẩm của Hãng phim Trẻ và Công ty Giao Hưởng Xanh (MFC Star Group): Vinh quang Việt Nam (Hồng Vy - Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng), Mùa thu không trở lại (NSND Lê Dung) và Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Đường em đi (Phạm Thu Hà), Tâm 9 (Mỹ Tâm), Chuyện hẹn hò (Hương Lan - Thái Châu), Phú Quang in Symphony (Đức Tuấn), Những bài tình (nhạc sĩ Quốc Bảo)...

Anh Đức “Hàng Bài”, “chủ xị” của Trần Đức Store (Hà Nội) cho biết, những đĩa than cuối cùng của Việt Nam có từ những năm 80 của thế kỷ trước, gắn với thời bao cấp, những đĩa than được làm từ Tiệp Khắc, Liên Xô, Bungary… Mỹ Linh chính là ca sĩ đầu tiên đánh dấu sự trở lại của đĩa than sau bao năm định dạng này vắng bóng tại Việt Nam với Tóc ngắn Acoustic, kết hợp cùng ban nhạc Anh Em công bố năm 2011. Kể từ đó, dù đi vào phân khúc hẹp, dành riêng cho người sành nhạc, khó tính nhất, đĩa than vẫn có vị trí của mình.

So với thế giới, Việt Nam nắm bắt xu hướng muộn hơn. Năm 2011 đánh dấu sự trở lại của đĩa than ở nước ta nhưng thị trường này chính thức được trở lại cũng chỉ mấy năm trở lại đây. Theo tìm hiểu, số lượng cửa hàng bán đĩa than và CD gốc đếm trên đầu ngón tay; đa số copy, nhái, phục vụ nhu cầu của đa số. Trong nước hiện có trên dưới 10 đầu đĩa than của các nhà: Gia Định Audio, Viết Tân Audio, Audio Space, Trần Đức Store... Cộng đồng chơi đĩa than có khoảng 3.000-4.000 người.

Theo anh Nguyễn Ngọc Thiện, Giám đốc Công ty Sản xuất - phát hành băng đĩa Audio Space (TP.HCM), so với Hà Nội, thị trường đĩa than ở TP.HCM lớn hơn, dễ tính hơn và mang tính truyền thống từ thời kỳ trước nên hầu hết các nhà sản xuất và phát hành đều ở đây. 

Năm 2018, số lượng đĩa than trên toàn thế giới tăng 125% so với năm trước. Anh Thiện dự đoán, cùng với xu hướng của thế giới, các định dạng đặc biệt như thế này sẽ quay lại và phát triển. Song song với đĩa than, băng cối, băng cát-sét… cũng từ từ tăng.

Dia than tro lai: Khong chi la hoai co
Dù không đông đảo như những nghệ sĩ showbiz nhưng có lượng fan ổn định, Giang Trang với Lênh đênh nhớ phố “ăn” với giới tiêu dùng đĩa than

Nhắc về trải nghiệm âm nhạc đầy cảm xúc

Nói về lý do vì sao trong thời đại kỹ thuật số, đĩa than vẫn có dòng chảy ngầm, anh Đức “Hàng Bài” cho rằng, đĩa than có âm thanh lạ, cuốn hút và chân thực, gần với bản thu của ca sĩ hát nhất. Trong thời đại mà mọi thứ đều nhanh lẹ, việc thưởng thức một ca khúc, ngoài chuyện nhạc hay, khán giả còn muốn được nghe bằng phương tiện nào có thể gợi lên câu chuyện về lịch sử âm nhạc. Chiếc đĩa than có lịch sử lâu đời cộng với không khí nghe dễ gợi được cảm xúc đó.

Theo một phân tích trên Pitchfork - tạp chí chuyên về âm nhạc tại Mỹ, những bản ghi đĩa than không những không biến mất mà còn trở nên phổ biến và hấp dẫn hơn trong thời đại này, trở thành những vật thể mang tính biểu tượng thực sự. Và sức hấp dẫn của nó không chỉ đơn thuần là hoài cổ, mà chủ yếu nằm ở việc, nó liên quan đến quá trình trải nghiệm và trí tưởng tượng được tạo ra xung quanh định dạng đặc biệt này, một phần là để chống lại và cân bằng quá trình phi vật chất hóa âm nhạc kỹ thuật số.

Việc số hóa âm nhạc bắt đầu với CD vào năm 1982 là lý do chính dẫn đến “cái chết” của các bản ghi vinyl đầu những năm 90. Chính xác hơn, sự trỗi dậy và thói quen nghe Mp3, iPod cũng như các nền tảng phát trực tuyến đã kích hoạt một loại “cultural counterforce” (phản văn hóa), dẫn đến việc tìm kiếm mối quan hệ cụ thể và gắn kết cụ thể hơn với trải nghiệm nghe nhạc.

Trong thời đại mà kho dữ liệu khủng có sẵn trên internet, có thể phá vỡ “bức màn che” cũng như “bí bật” của một ca khúc - tác giả đến từng chi tiết, những dự đoán về con đường phát triển của đĩa than cũng như những định dạng đặc biệt khác, mặt nào đó, vẫn còn khá âm u. Tuy nhiên, nói như họa sĩ Lê Thiết Cương, trong xã hội bát nháo giá trị thật - giả, nó nhắc ta về một “sự chơi tử tế”. 

So với mặt bằng chung, giá đĩa than không hề rẻ, dao động từ 750.000-1.500.000 đồng. Phải liều lắm mới dám làm đĩa than. Ví dụ như đĩa than Lênh đênh nhớ phố của Giang Trang vừa ra mắt, dù giọng Giang Trang “ăn” vào thị trường này, với số lượng 1.000 bản, thì cũng phải ba năm mới bán hết. Và không phải nghệ sĩ có tên tuổi nào muốn làm đĩa than cũng được. Mỹ Tâm sở hữu lượng fan khủng, nhưng đĩa than Tâm 9 gần đây cũng không phải là đĩa bán chạy.

Song, “mục đích của những người làm đĩa than, ngoài kinh doanh, còn góp phần tạo xu hướng cho công chúng Việt Nam thưởng thức âm nhạc trên những định dạng tốt”, anh Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI