edf40wrjww2tblPage:Content
Việc miễn thi cho 20% học sinh cũng gặp phải sự phản đối của một số sở vì cho rằng điều này không cần thiết, lại phức tạp khi thực hiện. Theo các lãnh đạo sở, nếu Bộ nhất quyết thực hiện thì phải đưa tiêu chí rõ ràng chứ không chỉ khống chế tỷ lệ và đẩy việc ra tiêu chí cho các địa phương.
Đó là những vấn đề được bàn thảo nhiều nhất tại hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2013; triển khai công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 khối các sở giáo dục và đào tạo.
Hội nghị được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay 13/2 tại Hà Nội.
Dễ dẫn đến kiện tụng
Ảnh minh họa. (TTXVN) |
Các vấn đề xung quanh việc miễn thi cho 20% học sinh là chủ đề được lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo quan tâm và phát biểu ý kiến nhiều nhất.
Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam nêu phát biểu: “Miễn thi 20% mục đích là gì? Nếu để chuẩn bị cho việc tiến tới không thi tốt nghiệp nữa thì đúng, nhưng nếu chỉ để gọn nhẹ, giảm tải thi cử thì không thực tế.”
Theo ông Thắng, số học sinh ngày càng giảm do tỷ lệ sinh giảm. Học sinh giảm thì tổ chức thi sẽ gọn nhẹ là đương nhiên, không cần miễn thi. Tỷ lệ 20% cũng không đủ lớn để có thể nói tới mục đích tiết kiệm. Việc xây dựng các phương án miễn thi đều bất cập, phức tạp, không khả thi. Việc xác định tiêu chí của từng trường, địa phương để được miễn thi 20% cũng rất chung chung.
“Có sự khác nhau giữa trường miền núi và đồng bằng, trường tư và trường công. Miễn thi đồng đều thì không công bằng cho học sinh, nhưng nếu dựa trên thành tích tập thể để tăng số miễn thi cho cá nhân là không hợp lý. Các sở sẽ mất quá nhiều thời gian để thực hiện việc miễn thi. Vì vậy, đề nghị chỉ giữ nguyên miễn thi cho các đối tượng như hiện hành,” ông Thắng nói.
Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định chia sẻ: “Việc miễn thi 20%, dù Bộ đã phân tích nhiều, nhưng tôi vẫn băn khoăn có cần thiết hay không vì khâu thực hiện rất phức tạp, chưa kể các vấn đề phát sinh. Việc đánh giá giữa các tỉnh thành là khác nhau, thậm chí khác giữa từng trường, từng lớp, từng giáo viên. Chúng ta đã từng phải bỏ chính sách tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp loại giỏi vào đại học vì không cần thiết và nảy sinh tiêu cực. Không nên miễn thi 20%.”
Chỉ nên thực hiện miễn thi nếu Bộ định tiến tới bỏ kỳ thi tốt nghiệp cũng là ý kiến của ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, và ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Sơn, việc miễn thi 20% không giảm nhẹ được bao nhiêu trong khi rất phức tạp và khó trong thực hiện, vì thế Bộ nên cân nhắc. “Nếu quyết giữ miễn thi, Bộ nên đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, học sinh nào đạt thì được miễn thi,” ông Sơn kiến nghị.
“Bộ chỉ khống chế tỷ lệ để tự các sở ra tiêu chí, phân bổ cho các trường. Ví dụ trường chuyên giỏi hơn, được 40%, trường bình thường thì 15%, điều này rất khó cho các sở, có thể dẫn tới sự phản đối của các trường, phụ huynh, học sinh. Chưa kể phải lập hội đồng, kiểm tra chéo, lên danh sách các em này để loại khỏi danh sách thi…” ông Sơn chia sẻ.
Đây cũng là chia sẻ của ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau. Theo ông Long, việc này sẽ khiến cho các sở phải ngồi tính từng trường, rất phức tạp và dễ dẫn đến kiện tụng. Vì vậy, Bộ nên ấn định tiêu chí cụ thể. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế Phạm Văn Hùng cho rằng, các tiêu chí của Bộ càng cụ thể, càng chi tiết thì tính chính xác trong việc sàng lọc học sinh sẽ càng cao.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, Bộ đề nghị từ tháng Hai đến tháng Năm các sở triển khai việc xét miễn thi thì mất hết thời gian để làm việc khác trong khi thời điểm cuối năm học có rất nhiều việc phải làm. Hơn thế, phải đợi đến hết tháng Tư mới có kết quả học tập của học sinh năm lớp 12, sau đó mới đủ căn cứ để xét miễn thi, vì thế sẽ rất cập rập.
Ngoại ngữ nên là môn tự chọn
Bên cạnh việc xét miễn thi, việc nên để ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, tự chọn hay chỉ là môn khuyến khích cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại đa số các ý kiến cho rằng nên để đây là môn tự chọn thay vì chỉ là môn khuyến khích như dự thảo của Bộ.
Chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra kỳ thi tốt nghiệp nhưng Bộ vẫn chưa quyết phương án thi. (Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+).
Ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng trên thực tế, hiện nay các tỉnh thành, các trường đều đang nỗ lực để nâng cao chất lượng môn học này. Đây cũng là môn thi đã ổn định trong nhiều năm qua, vì thế nên để là môn tự chọn.
Cũng theo ông Quân, nếu để là môn khuyến khích thì học sinh sẽ thi tốt nghiệp 5 môn chứ không chỉ là 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn và 1 môn khuyến khích). “Đó là chưa kể việc vì đây chỉ là môn thi khuyến khích nên học sinh sẽ có tâm lý cứ đăng ký khiến trường phải tổ chức phòng thi, nhưng đến lúc thi có thể các em không dự thi, gây lãng phí,” ông Quân nói.
Cùng ý kiến này, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam Nguyễn Tấn Thắng cũng đề nghị đưa ngoại ngữ thành môn tự chọn. “Ngoại ngữ không nên chuyển thành môn khuyến khích. Không đưa ngoại ngữ vào môn thi sẽ làm ảnh hưởng đến quyết tâm triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Ngoại ngữ là công cụ không thể thiếu đối với học sinh,” ông Thắng lý giải.
Còn theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế Phạm Văn Hùng, lâu nay Bộ quy định đây là môn bắt buộc, Bộ cũng đang đẩy mạnh đề án dạy ngoại ngữ, vì thế ít nhất phải thi tự chọn môn này. “Tôi đồng tình với Bộ việc phải đẩy mạnh chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhưng ít nhất phải giữ môn học này đi ngang chứ không nên đi xuống bằng việc chuyển thành môn thi khuyến khích. Hiện tâm lý chung của người học vẫn là học để thi, nếu không thi thì lập tức sẽ thành hiệu ứng tiêu cực xuống các bậc học dưới. Vì thế, cần phải đưa ngoại ngữ thành môn tự chọn. Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo 6 tỉnh Bắc Trung Bộ,” ông Hùng phát biểu.
Trước ý kiến của lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến đồng thời tham khảo thêm nhiều kênh thông tin khác trước khi có quyết định cuối cùng.
Theo dự kiến điều chỉnh phương án thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ, kỳ thi này sẽ có điểm mới là rút số môn thi tốt nghiệp từ 6 môn hiện nay xuống còn 4 môn, gồm hai môn bắt buộc là toán và văn, hai môn thi tự chọn trong số 4 môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử. Ngoài ra học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích. Bên cạnh đó, Bộ sẽ miễn thi cho học sinh có học lực và hạnh kiểm ba năm đạt loại khá trở lên. Tỷ lệ miễn thi cho mỗi sở không quá 20% tổng số học sinh. Sở có thể xác định tỷ lệ miễn thi cụ thể riêng cho từng trường. Các trường thành lập hội đồng xét miễn thi của trường để xét. |
Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)