Địa phương "đau đầu" vì cải tạo, sửa chữa nhà ở trong khu di tích

26/06/2024 - 13:07

PNO - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch chia sẻ, cải tạo nhà ở tại vùng lõi di tích là câu chuyện “đau đầu” của các địa phương, nhưng không thể để mãi như vậy.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định phải để cho người dân cải tạo
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định phải để cho người dân cải tạo - Ảnh: Quốc hội

Phải xem xét để người dân được cải tạo nhà ở

Sáng 26/6, tiếp tục chương trình của Kỳ họp, Quốc hội thảo luận về dự án Luật di sản văn hóa sửa đổi. Vấn đề cải tạo, nâng cấp nhà ở trong khu di tích nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH.

ĐBQH Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho biết, dự thảo đang quy định: “Việc thực hiện quy trình dự án sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Theo ông, nên quy định việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở trong khu vực bảo vệ I thì cần phải xin ý kiến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn lại thì nên giao Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan cấp phép xây dựng quyết định việc cho phép tu sửa xây dựng nhà ở để thuận tiện cho người dân và không làm ảnh hưởng đến di tích.

Cũng quan tâm tới xây dựng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng tăng cường phân cấp trong việc quản lý di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới nằm trong địa bàn địa phương, bộ, ngành trung ương. Chính phủ chỉ thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới; phần nội dung thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tu bổ phù hợp với quy hoạch thì nên phân cấp lại cho địa phương.

Làm rõ ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TTDL) Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, sửa chữa nhà ở riêng lẻ đây là một vấn đề thực tế tại các khu di tích: “Mấy năm nay, chắc là các địa phương rất đau đầu, thường xuyên đơn thư gửi đến nhưng không có cơ sở pháp luật để xử lý. Nếu chỉ dựa vào luật là xây dựng thì được cấp phép sửa chữa, xây dựng ngay. Nhưng vì nằm trong vùng I di sản, thì lúng túng”.

Trước thực tế này, Bộ trưởng cho hay đang cố gắng giải quyết theo hướng là bài toán của địa phương.

“Vừa qua ở Huế đã di dời toàn bộ nhà ở trong khu vực đại nội. Tôi cho rằng, đây là cuộc đại cách mạng. Ngân sách Trung ương bỏ tiền vào mới vận động di cư được. Còn với nhà ở riêng lẻ, nếu không cho dân được nâng cấp cải tạo thì vi phạm pháp luật. Chúng ta phải giải quyết hài hòa, ủy quyền cho Sở văn hóa, chính quyền, Chủ tịch tỉnh xem xét hiện trạng để người dân được sửa nhà ở, không thể để mãi được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Ông cũng lưu ý, đây không phải giải pháp đại trà, về lâu dài, cơ quan địa phương phải lập dự án để đưa người dân ra khỏi khu di tích và đền bù thỏa đáng.

Khuyến khích địa phương có chính sách riêng cho nghệ nhân

ĐBQH Trần Thị Vân đề xuất nghệ nhân dân gian cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ
ĐBQH Trần Thị Vân đề xuất nghệ nhân dân gian cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ - Ảnh: Quốc hội

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhấn mạnh, nghệ nhân được ví như báu vật nhân văn sống, sợi dây níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian và là người giữ lửa cho di sản. Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109 về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Nhưng theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản Văn hóa, từ khi Luật được ban hành đến nay chỉ có 20/1.881 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu được hưởng chế độ này.

Là một địa phương có nhiều nghệ nhân, ĐBQH cho hay, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chính sách. Từ năm 2015, nghệ nhân nhân dân của tỉnh được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 2 lần mức lương cơ sở, nghệ nhân ưu tú được hưởng trợ cấp 1,5 lần mức lương cơ sở và nghệ nhân do tỉnh phong tặng là bằng mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ bảo hiểm y tế, mai táng cho các nghệ nhân. Sau gần 10 năm thực hiện, chính sách đã phát huy được tài năng của các nghệ nhân.

Dự thảo lần này, ĐBQH Trần Thị Vân đánh giá đã bổ sung các chính sách mạnh mẽ hơn để đãi ngộ với tất cả các nghệ nhân nhân dân, ưu tú. Đây là điều đáng ghi nhận và ủng hộ.

Tuy nhiên, bà cũng đề nghị bổ sung thêm “Nghệ nhân dân gian” vào đối tượng được hưởng chính sách cùng Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân ưu tú vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đây là danh hiệu cao quý, được xét duyệt kỹ lưỡng, trao cho người có nhiều đóng góp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện có 747 Nghệ nhân dân gian được công nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và di sản. Vì vậy, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, cơ quan soạn thảo đề nghị Quốc hội thông qua chính sách cụ thể cho nghệ nhân, không chỉ dừng lại nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, mà tất cả các nghệ nhân khi được vinh danh, được công nhận đều được hưởng các chính sách Nhà nước đã ban hành, gồm cả sinh hoạt phí hàng tháng, mai táng... Ngoài ra, tùy theo nguồn lực của địa phương, hội đồng nhân dân quyết định chính sách riêng để giúp nghệ nhân công tác trao truyền, giảng dạy.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI