PNO - Trẻ bị đánh đập, cho ăn “cơm tù”... là những gì chúng tôi chứng kiến khi thâm nhập lớp mẫu giáo Mầm Xanh - số 65N/2 đường HT5, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM. Khi cổng trường khép lại, cô giáo hiện nguyên hình là những “ác mẫu”.
Ngày 14/11, chúng tôi bắt đầu tiếp cận Lớp mẫu giáo Mầm Xanh qua một mẩu tin tuyển dụng dán... trên cột điện. Dù chỉ có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa từng qua trường lớp về nghiệp vụ bảo mẫu, qua một cuộc “phỏng vấn” diễn ra chưa đầy 5 phút, chúng tôi vẫn được bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ trường Mầm Xanh - nhận vào làm việc với mức lương thỏa thuận là 3,2 triệu đồng/tháng.
Các bé trong trường mầm non Mầm Xanh được cho xem hoạt hình để trật tự chứ không hề có hoạt động dạy học
Lớp mẫu giáo Mầm Xanh có phòng học rộng khoảng 40m2, có khoảng 40 trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi đang theo học. Chúng tôi bắt đầu làm bảo mẫu ở ngôi trường này cùng với bà Linh và một giáo viên tên Quỳnh. Ngay từ những ngày đầu làm việc, chúng tôi nhận thấy, tại Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, không hề diễn ra hoạt động dạy, giao lưu với trẻ. Để các học sinh trật tự, bà Linh thường mở phim hoạt hình cho xem.
Một “luật ngầm” được bà Linh đặt ra là, nếu trẻ nói chuyện, múa hát hay đùa giỡn gây ồn, sẽ bị... no đòn. Hễ phát hiện học sinh nào đùa nghịch lớn tiếng, bà Linh sẽ xuất hiện vừa lớn tiếng chửi vừa đánh đập các trẻ: “Đừng có giỡn mặt với tui nha. Tui là Linh chứ không phải Hiền đâu nha. Tui chớ không phải ai đâu nha”.
Trưa 20/11, vào giờ cơm trưa, bảo mẫu Quỳnh được giao nhiệm vụ đút cơm cho các cháu ăn. Lúc này, một đứa trẻ có vẻ mệt mỏi không chịu ăn cơm, Quỳnh liền vung tay tát vào miệng đứa trẻ nhiều lần. Thấy bé khóc lớn hơn, Quỳnh ném thẳng tô cơm vào người bé khiến đứa trẻ rúm ró ôm ngực.
Bữa cơm thiếu chất dinh dưỡng của các bé
Trên thực tế, cứ vào giờ cho trẻ ăn, Quỳnh và bà Linh thường tống thẳng muỗng cơm vào miệng những đứa trẻ biếng ăn. Nếu trẻ khóc, họ đánh tới tấp, trận “mưa đòn” có khi vào chân, có khi vào ngực. Những đứa trẻ xanh xao thụp người, quỵ xuống.
Chiều hôm đó, sau lúc trả trẻ, bà Linh nhận được điện thoại của mẹ một đứa trẻ tên Phát. Linh liền gọi Quỳnh với giọng hoảng hốt: “Chết Quỳnh ơi, cha mẹ thằng Phát mắng vốn, đòi chuyển trường cho con. Thằng Phát về nhà không hiểu sao bị ói mửa liên tục. Nó nói bị cô Quỳnh đánh trên đầu”. Hai người sau đó có vẻ tiếc nuối chứ không tỏ ra lo lắng và mọi chuyện lại đâu vào đó.
Ngày hôm sau, Phát không còn đến lớp. Linh nói với chúng tôi: “Con Quỳnh nó hay đánh đập trẻ vậy đó. Chán ghê”. Nói xong, Linh quay sang trách phụ huynh em Phát: “Chị ghét nhất mấy phụ huynh nghe lời và thương con mù quáng. Cái hồi thằng Phát xô thằng Đạt vô tường, trời ơi cái trán thằng Đạt sưng to như quả trứng gà, nó tím đen tím đỏ thì sao. Chị phải lén cho thằng Đạt ngậm thuốc tan máu suốt 20 ngày, sau mới tan hết máu bầm đó”.
“Bài học” về việc đánh học sinh bị mắng chẳng hề khiến Quỳnh nao núng. Trưa 22/11, vào giờ ngủ, bé An không chịu ngủ liền bị Quỳnh dùng chân đạp lên người. Đứa trẻ khóc thét lên, nhưng liền sau đó phải thút thít ngủ vì sợ lại ăn đòn. Trong lớp học, người bị ăn đòn nhiều nhất có lẽ là bé Châu. Mỗi lần thấy Châu khóc, Quỳnh thường nổi đóa, xỉa tay vào mặt bé dọa: “Bà Châu điên này, tui giết bà chết, bà tin không?”. Nếu như sau lời đe dọa đó, Châu không nín khóc, sẽ bị Quỳnh táng thẳng tay vào ngực, lưng.
Bé An bị Quỳnh đạp lên người vì không chịu ngủ
Trong giờ ngủ trưa, thấy học sinh nào ngọ nguậy không ngủ, bà Linh dọa: “Toàn mấy con quỷ không chịu ngủ. Thằng nào ngủ mà đái trong quần thì xuống toa-lét mà ngủ”. Bà Linh thường xuyên dùng dao Thái Lan chỉ vào mặt trẻ cùng lời đe dọa: “Coi chừng tao đâm chết bây giờ”.
Chứng kiến cảnh bà Linh và Quỳnh đánh trẻ trong nhiều ngày liền, chúng tôi ráng nín lặng để thu thập chứng cứ và được hướng dẫn: “Cứ đánh vào tay, vào đít bọn nó. Phải hung dữ, nó mới sợ”. Bà Linh còn chỉ cho chúng tôi bí quyết cho trẻ ăn: “Tới giờ cơm, bọn nó không ăn, em cứ liên tục nhét vô miệng nó, không ăn không nuốt cũng cứ nhét”. Tất nhiên, chúng tôi không làm theo. Bởi, nhiều lần quan sát bà Linh và Quỳnh cho trẻ ăn, trẻ liên tục bị đút dẫn đến ói hoặc bị rớt cơm. Đứa trẻ nào ói cũng bị ép ăn lại đống ói đó và bị đánh đập trong tiếng la hét dữ dằn.
Ngay ngày sau, chúng tôi chứng kiến cảnh bà Linh đánh đập trẻ rất vô cớ. Trong lúc học sinh xếp bàn ghế, Quỳnh dặn một cô bé: “Coi chừng trúng đầu bạn”. Bà Linh vội quát lớn: “Cho vô đầu nó luôn đi”. Lúc này, đứa bé đang đứng gần đó sợ bàn va trúng đầu nên bật khóc, bà Linh liền chỉ tay vào mặt: “Lì lợm. Ra kia úp mặt vô tường, trưa nay khỏi ăn khỏi uống gì đi nha”. Đứa trẻ vẫn khóc, bà hét to: “Ngậm cái miệng lại” rồi lao đến đánh đập bé dữ tợn. Chuyện đánh học sinh, nhưng lại bắt các em phải lặng im, không cho khóc là sự tàn nhẫn diễn ra thường xuyên ở lớp này.
Những đứa bé bị bỏ lăn lóc trong trường Mầm Xanh
Theo T. - một giáo viên trẻ từng làm việc tại trường Mầm Xanh, nhiều lần cho các bé ăn cơm, bà Linh hay dùng muỗng đập vào đầu và trán trẻ. T. đã chủ động nghỉ việc để không phải chứng kiến cảnh những đứa trẻ bị bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần.
Những đứa trẻ diện “đặc biệt”
Theo quan sát của chúng tôi, trường Mầm Xanh bắt đầu đón trẻ từ 7g đến 7g30. Khi đón trẻ, bà Linh tươi cười hớn hở, nhưng khi cổng trường khép lại, thái độ của bà hoàn toàn khác. Những đứa trẻ được xếp ghế ngồi theo hàng trong căn phòng chật hẹp, có một vài trẻ được bà Linh xếp theo diện “đặc biệt”. Bé Châu (khoảng 1 tuổi) được bà Linh xếp vào diện này vì phần lớn thời gian ở lớp, Châu liên tục khóc.
Buổi sáng, phụ huynh vừa giao Châu cho bà Linh, đứa trẻ đã khóc thét. Để đối phó với chuyện này, bà Linh ra lệnh cho Quỳnh: “Đưa nó ra nhà sau”. Dường như đã quen với quy trình xử lý sự quấy khóc của đứa trẻ này, Quỳnh nhanh chóng bồng Châu chạy thẳng vào khu vực nhà ăn, vất bé ở đó và vội vàng đóng cửa. Tôi mượn cớ đi vệ sinh, sững người khi thấy một mình đứa trẻ vừa khóc vừa lăn lê bò trườn từ khu vực nhà ăn xuống bếp. Bỏ mặc đứa trẻ trên nền nhà bẩn chật, bà Linh và Quỳnh điềm nhiên mở nhạc lớn tiếng để át tiếng khóc của Châu.
Ở “khu đặc biệt”, ngoài Châu, còn có hai đứa trẻ khác là An và Nguyên. Ngay khi phụ huynh đưa đến lớp, hai đứa trẻ này được đưa ra khu nhà sau, cho ngồi lên hai chiếc bô. Bà Linh giải thích, nguyên nhân hai đứa trẻ bị như vậy là do hay đòi đi vệ sinh. “Cứ năm phút lại đái ỉa một lần, ai mà chịu nổi” - bà Linh giải thích.
Hằng ngày, mọi hoạt động của An và Nguyên đều diễn ra trên hai chiếc bô, chỉ trừ giờ đi ngủ. Có lúc, bà Linh cho hai đứa trẻ ngồi bô ở nhà sau, có khi cho ngồi ngay cả trên lớp học. Những đứa trẻ này quen với việc ngồi bô đến nỗi, chúng có khả năng… di chuyển bằng bô một cách nhanh chóng. Vờ đi vệ sinh để tiếp cận hai đứa trẻ ở nhà sau, chúng tôi giật thót người khi phát hiện mông của hai đứa trẻ bị sưng tấy do ngồi bô quá nhiều.
Bà Linh còn là chủ của một điểm trường khác
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài trường Mầm Xanh, bà Linh còn là chủ một cơ sở nuôi dạy trẻ tại số 55 đường ĐX 037, khu phố 1, P. Phú Mỹ, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, lấy tên là Nhóm trẻ lớp mẫu giáo Bông Lúa Vàng, với 4 phòng. Hiện, trường Bông Lúa Vàng có 2 lớp đang hoạt động, với khoảng 50 học sinh.
Trong thời gian thu thập thông tin việc bạo hành học sinh của bà Linh, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh nghi ngờ rằng trường Bông Lúa Vàng của bà Linh cũng có nhiều điều bất thường, cần được kiểm tra, làm rõ.
Sự đánh đập, chửi bới cùng những hình phạt kỳ quái của bà Linh là nỗi ám ảnh của trẻ. Tuy nhiên, đáng sợ nhất với các cháu có lẽ là giờ cơm trưa. Với nhiều trẻ, việc sợ phải ăn cơm cũng là chuyện bình thường. Nhưng, tại trường Mầm Xanh, giờ cơm trưa càng trở nên… kinh khủng. Buổi ăn sáng của trẻ tại trường này thường là mì tôm nát. Bà Linh nấu mì tôm trước 6g sáng nhưng mãi đến 7g30, trẻ vào lớp đủ mới mang ra cho các cháu ăn.
Cơm trưa là bữa chính, nhưng bà Linh thường mua gạo rẻ tiền cho trẻ ăn. Gạo nấu cơm cho trẻ khác hẳn với gạo nấu cơm cho giáo viên về chất lượng. Cơm dở, thức ăn lại càng hãi hùng hơn. Ngày đầu chúng tôi đi làm, thức ăn của gần 40 đứa trẻ là một nồi nhỏ trứng được đánh tơi, hấp chín. Gần 40 tô cơm, mỗi tô chỉ có một muỗng cà phê trứng nhỏ.
Ngày thứ hai, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thức ăn lại tiếp tục là trứng, nhưng khá hơn vì có thêm một ít nấm tai mèo xắt vụn, mỗi cháu cũng chỉ được một muỗng nhỏ thức ăn. Ngày thứ ba, tiếp tục là trứng với hai quả su su thái nhỏ. Ngày thứ tư, hiếm hoi nhất trong quá trình làm việc tại đây, chúng tôi được nhìn thấy nồi trứng được hấp với một nhúm thịt bằm.
Ngày thứ năm là món thịt kho đậu hũ đầy ớt - thức ăn thừa của gia đình bà Linh hôm trước được vớt bớt ớt, đổ nhiều nước rồi kho lại. Nhiều đứa trẻ không ăn được, than cay. Có đứa bật khóc vì bị cay không ăn, lập tức bị Quỳnh đánh, ép ăn.
Kinh hoàng hơn, bà Linh luôn xới cơm, cho thức ăn vào tô dàn sẵn từ trước đó hàng tiếng đồng hồ, không nắp đậy. Nhiều trẻ nuốt loại thức ăn này không trôi nên nôn tháo, nôn thốc. Tiếc của, bà Linh bắt bảo mẫu hốt lên cho các cháu ăn trở lại. Bữa xế của các bé thường là cháo trắng - nước tương, mì tôm hoặc nui, miến với một ít thịt băm nhuyễn lỏng bỏng.
Đây là điều trái ngược hoàn toàn với tấm bảng treo trước lớp, nêu khẩu phần ăn đủ chất, đủ dinh dưỡng với thực đơn hảo hạng luân phiên giữa thịt, cá, tôm và có món tráng miệng là nước cam, đu đủ, dưa hấu.
Giỏi đối phó hay có “tay trong” ở cấp quản lý?
Tại trường Mầm Xanh, việc giáo viên để học sinh đánh, cắn bạn gây ra vết thương diễn ra như cơm bữa nhưng bà Linh rất giỏi đối phó với chuyện này. Cậu bé Nguyên trong lớp học được xem là “hung thần” của nhiều đứa trẻ khác. Nguyên rất hay cắn bạn, nhưng thay vì kể thật với phụ huynh, bà Linh thường dựng chuyện để đối phó, bắt trẻ nói dối.
Đơn cử, chiều 18/11, An bị Nguyên cắn tạo thành vết thương sâu; bà Linh đối phó bằng cách dùng khăn ướt chườm vết thương cho đỡ sưng. Tuy nhiên, do vết thương khá nặng, phụ huynh An phát hiện thì bà Linh giải thích: “Bạn đang cầm đồ ăn, ai bảo nhào đến chụp cho bạn cắn”.
Các trẻ bị đánh đập, bạo hành là chuyện thường xuyên tại trường Mầm Xanh
Tương tự, ngày 20/11, Nguyên cắn một đứa trẻ tên Đốm, bà Linh cũng chườm lạnh vết thương trong 20 phút rồi dặn Đốm: “Nhớ là giành ăn nên bị cắn nghe chưa?”. Thế nhưng, hôm sau, phụ huynh Đốm vẫn mắng vốn: “Con về nói bị bạn Quyên gì đó cắn”. Quỳnh lập tức đáp: “Lớp đâu có ai tên Quyên đâu chị”. Ở môi trường giáo dục đầu đời cho trẻ, bà Linh lại gieo rắc, dạy dỗ sự dối trá cho học sinh của mình.
Để đối phó, tránh phụ huynh phát hiện việc học sinh bị bạo hành, từ khoảng 15g30 hằng ngày, bà Linh tập trung trẻ lại một chỗ, ngồi hát. Bà dùng chiếc thau nhựa nhỏ ngâm hai chiếc khăn lau mặt và lần lượt lau cho gần 40 đứa trẻ, trong đó có hơn 20 đứa thò lò mũi xanh và không ít đứa ho liên tục. Việc này giống như lúc cho trẻ uống thuốc, Quỳnh chỉ dùng một chiếc ly nghiền hết loại thuốc này đến loại thuốc khác cho trẻ uống lần lượt.
Trước giờ giao trẻ, bà Linh thường cho trẻ tập trung ngồi trên ghế tập hát, đọc thơ, học chữ… Mục đích của việc này là “trình diễn” cho phụ huynh thấy và hài lòng. Theo bà Linh, chính nhờ sự hài lòng truyền đi này mà từ lúc mở lớp cách đây 5 năm, từ chỗ chỉ giữ 2-3 cháu, bà được các phụ huynh dẫn “mối” đến ngày càng nhiều.
Không chỉ giỏi đối phó với phụ huynh, bà Linh còn rất giỏi đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra. Ngày 22/11, trước lúc Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.12 đến kiểm tra đột xuất trường Mầm Xanh, bà Linh đã biết tin này. Không khí khẩn trương tại lớp học bắt đầu. Các bé được đánh thức trước 14g để rửa mặt, chải chuốt, sau đó ngồi vào bàn ăn xế.
Khác với mọi ngày, bữa ăn trưa hay xế đều tập trung ở khu vực phòng ăn và ngồi bệt dưới đất. Hôm ấy, bà Linh nấu món xế bằng mì tôm với rất nhiều thịt. 14g cùng ngày, các thành viên Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.12 xuất hiện đúng vào bữa ăn xế. Quỳnh và bà Linh bất tật với sổ sách.
Thức ăn cho trẻ được nấu qua loa và thiếu chất
Tôi được bà Linh dặn: “Em cho bọn nó ăn vài muỗng thôi, rồi đổ dồn hết vào một cái tô mang ra sau đổ, chồng tô không lên nha”. Đây là cách bà Linh trình diễn với cán bộ kiểm tra việc các trẻ ăn ngoan và vệ sinh sạch sẽ. Tuy vậy, nhìn các bé đang ăn với bữa ngon hiếm hoi, tôi không đành lòng nghe theo lời bà Linh.
Lát sau, bà đi vào, nhìn thấy bữa ăn còn tiếp diễn, liền quát: “Em lì quá vậy? Chị nói sao em không nghe lời? Mang đổ đi, chồng tô không lên”. Bất đắc dĩ, tôi rớt nước mắt xin lại từng tô mì đầy thịt của các bé mang ra sau đổ, chồng tô rỗng theo lời bà Linh. Những đôi mắt trẻ thơ nhìn tôi ngơ ngác!
Chiều cùng ngày, sau đợt kiểm tra, tôi được bà Linh giao nhiệm vụ về nhà chép sổ sách gồm sổ điểm danh học sinh, sổ thu chi bán trú gồm tiền ăn, tiền vệ sinh… Bà dặn tôi: “Cái này là mình làm dối đó em. Làm dối để đối phó với phòng giáo dục”. Cũng trong ngày phòng kiểm tra, tôi nhìn rõ nhiều sổ sách của bà Linh chỉ có chữ ký của bà trên nhiều loại giấy tờ, không chứng từ, con dấu.
Ngày 24/11, sau khi nghe một cuộc điện thoại, bà Linh lập tức yêu cầu Quỳnh mang 4 đứa trẻ nhỏ nhất sang gửi nhờ một cơ sở giữ trẻ khác. Bà Linh lúc này mới vội vã dặn chúng tôi trang trí lại lớp học “đúng chuẩn” vì nghe nói Phòng Giáo dục sẽ đến kiểm tra lần nữa. Theo đó, các em được vui chơi, học chữ, học múa. Giờ cơm, trẻ tiếp tục được ngồi trên bàn với món cá nấu ngót. Nhưng, bà Linh vẫn dặn tôi và Quỳnh: “Nếu phòng tiếp tục xuống kiểm tra nữa, mình cũng mang bỏ rồi chồng tô lên nha”.
Đang loay hoay cùng Quỳnh chuẩn bị dọn cơm trưa lên bàn cho các bé, tôi bất ngờ bị bà Linh gọi giật: “D.! Em lên đây chị bảo! Nhanh lên”. Giọng bà Linh đanh lại, lạnh lùng một cách khác lạ. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì bà Linh nói: “Lấy điện thoại ra đi. Đề nghị em cho kiểm tra điện thoại”.
Tôi sững người, chưa kịp phản ứng thì bà Linh giật vội chiếc điện thoại được tôi lôi ra từ túi quần, cùng một chiếc khác đặt trên kệ để đồ từ trước. “Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.12 xuống kiểm tra hôm qua, hôm nay hay ngày mai có thể xuống tiếp. Chị nghĩ có ai đó “chơi” chị, tố cáo chị, không biết em có câu kết với ai đó bên ngoài không?”.
Cảm giác bị xúc phạm cùng tình huống quá đỗi bất ngờ và cách ứng xử kỳ quặc của bà Linh khiến tôi run người, bật khóc. Thế nhưng, dường như sợ tôi “phi tang” vật chứng, bà kiên quyết giữ chặt hai chiếc điện thoại mà không đưa cho tôi mở khóa. Lúc này, bà gọi chồng, con gái mình và cả Quỳnh vào. Được chồng khuyên trao điện thoại cho tôi mở khóa, bà mới yên lòng.
Sau khi cả bốn người lục lọi hai chiếc điện thoại của tôi, từ kho hình ảnh cá nhân, người thân tôi cho đến xem hết phần mềm khác trong điện thoại lẫn một số video mà không tìm được gì có thể quy kết tội tôi, bà Linh bào chữa: “Mấy hôm nay tốn biết bao nhiêu là tiền bạc mà vẫn chưa yên. Ai đó muốn chơi chị”.
Sau cuộc lục soát không thành, thấy tôi khóc, bà Linh cho tôi được nghỉ làm cả buổi chiều hôm đó để lấy bình tĩnh. Tôi được giải phóng, lập tức tháo chạy như sợ không thoát kịp khỏi địa ngục của những đứa trẻ lạc bầy. Phía sau cánh cổng trường, gần 40 đứa trẻ tiếp tục những ngày tháng đọa đày.
Tối 24, tôi được tòa soạn yêu cầu lập tức rút khỏi địa bàn. Chiều 25/11, Báo Phụ Nữ đã cung cấp toàn bộ thông tin, chứng cứ thu thập trong quá trình thâm nhập tại Lớp Mẫu giáo Mầm Xanh cho cơ quan chức năng.
Đã đóng cửa cơ sở và tạm giữ bà Phạm Thị Mỹ Linh
Chiều 26/11, Công an P. Hiệp Thành, Q.12 đã tạm giữ bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở Lớp mẫu giáo Mầm Xanh nhằm điều tra, làm rõ. Riêng hai bảo mẫu Quỳnh và Đào - theo một cán bộ - lực lượng công an hiện đang huy động truy bắt. Song song, UBND P. Hiệp Thành cũng đã gấp rút ra quyết định đình chỉ hoạt động cơ sở này.
Đối với gần 40 trẻ đang học tại cơ sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.12 đã tiến hành liên hệ, động viên, bố trí sang học tập tại một số trường, lớp khác ngay trong sáng nay, 27/11.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.