Địa đạo Củ Chi trở thành di tích quốc gia đặc biệt

13/02/2016 - 08:13

PNO - Qua 20 năm vừa chiến đấu vừa đào địa đạo (1948-1968), quân và dân Củ Chi đã đào trên 250 km đường hầm.

Ngày 12/2 (mùng 5 Tết), tại Đền Gia Định (huyện Củ Chi, TP HCM), Ban Tổ chức Các ngày lễ lớn TP HCM và Câu Lạc bộ Truyền thống kháng chiến Quân Dân Chính Đảng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi và họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Trong đợt 6 này, ngoài Địa đạo Củ Chi còn có 10 di tích khác cũng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Đó là Di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận ở Thanh Hóa; Di tích khảo cổ Mộ Cự thạch Hàng Gòn ở Đồng Nai; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chăm Dương Long ở Bình Định; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phúc; Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang;

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần Thương ở Hà Nam; Di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở TP Hải Phòng; Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ ở Điện Biên; Di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ở Bình Phước; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo ở Vĩnh Phúc.

Đến dự buổi lễ có ông Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng chính phủ; ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao;

Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Thiếu tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM;…

Trước khi diễn ra buổi họp mặt, đoàn đại biểu đã đến dâng hương tại Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược và Đền Gia Định tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Tất Thành Cang nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM luôn tự hào sâu sắc về truyền thống vẻ vang của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nơi đầu sóng ngọn gió của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, nơi đã “đi trước, về sau” trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược…

“Chúng ta xin nguyện tiếp tục ra sức xây dựng, phát triển và bảo vệ TP thân yêu, luôn vì cả nước, cùng cả nước, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam A, xứng đáng với TP mang tên Bác Hồ vĩ đại, TP anh hùng” – ông Cang nhấn mạnh.

Dia dao Cu Chi tro thanh di tich quoc gia dac biet
Địa đạo Củ Chi đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Khuất Thế Anh (TTXVN)

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ cho rằng, lãnh đạo TP.HCM cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để làm sao phát huy tốt nhất truyền thống của vùng đất Củ Chi “Đất Thép thành đồng”. Ra sức xây dựng vùng đất này ngày càng phong phú, sung túc, ấm áp hơn, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng TP.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nhân dịp này, Địa đạo Củ Chi vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận.

Dia dao Cu Chi tro thanh di tich quoc gia dac biet
Các vị lãnh đạo thắp hương tại Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược. Ảnh: Khuất Thế Anh (TTXVN)

Cùng với hệ thống Địa đạo Củ Chi, Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược là một trong những biểu hiện về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ con cháu TP đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong 2 cuộc kháng chiến.

Qua 20 năm vừa chiến đấu vừa đào địa đạo (1948-1968), quân và dân Củ Chi đã đào trên 250 km đường hầm. Những năm qua, khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử. Hàng năm, khu Di tích có trên 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về hệ thống địa đạo và viếng Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược.

 Hữu Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI