Chuyện “xem đám tang” nghệ sĩ xưa và nay

12/12/2020 - 21:49

PNO - Xưa, chúng tôi đi đám tang nghệ sĩ với tấm lòng xót thương. Còn ngày nay, nhiều người xem đó là cơ hội nghề nghiệp, kiếm tiền, nên họ ra sức, bất chấp câu like, câu view

Đêm 9/12, lúc về ngang Trung tâm Pháp y TPHCM nằm trên đường Trần Phú (Q.5), tôi thất kinh khi thấy một đám đông đứng tràn xuống lòng đường, trên tay là điện thoại giương cao để quay phim, chụp hình sự kiện nghệ sĩ Chí Tài qua đời. Đi cùng với sự chen lấn, xô đẩy vì giành chỗ đẹp, là tiếng chửi bới, tiếng livestream, mạnh ai người nấy la, để thu được tiếng mình rõ nhất trong cái tạp âm khủng khiếp kia.

Nhìn cảnh ấy, chợt nhớ tôi của ngày xưa - cũng trong đám đông xem đám tang của diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh. Tháng 10/1996, ký túc xá 135B Trần Hưng Đạo (Q.1) của tôi bị chấn động vì tin anh qua đời. Trái tim của đứa con gái 18 tuổi đầy mộng mơ tan nát, đau đớn, bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của thần tượng. Cả đêm đó, 12 đứa phòng tôi không ngủ, chỉ toàn nhắc về diễn viên tài hoa, vắn số.

đám đông đang vây quanh nghệ sĩ Việt Hương trong lễ viếng nghệ sĩ Chí Tài
Đám đông vây quanh nghệ sĩ Việt Hương trong lễ viếng nghệ sĩ Chí Tài

Sáng hôm sau, nhiều đứa chúng tôi cúp học để đi đám tang thần tượng (chúng tôi gọi là "đi", chứ không phải "xem"). Cả nhóm lóc cóc đạp xe qua chùa Xá Lợi (Q.3), chưa đầy 8g nhưng người đông nghẹt, đứng kín cả khuôn viên chùa, trên lầu và tràn ra hai mặt đường quanh chùa là Bà Huyện Thanh Quan và Sư Thiện Chiếu.

Nhìn đám đông - người già, trẻ con, nam thanh, nữ tú đủ cả. Họ đứng thở dài, rù rì như nói chuyện về chính người thân của mình: “Tội quá, trẻ quá, sao mà dại dột dữ vầy nè”. Mỗi chữ “vầy nè”, là các cô, các bà lại sụt sịt. Đông đúc là vậy, nhưng mọi người rất trật tự, trang nghiêm. Chỉ có tiếng nức nở là âm thanh to nhất ở đó.

Chúng tôi lên cầu thang nhìn xuống, tính chờ bớt người rồi mới vào viếng thần tượng. Nhưng người càng lúc càng đông, đoàn người xếp hàng vào viếng càng dài. Tôi cũng hòa vào dòng người đó, nhích từng bước chậm chạp. Người này nép sau lưng người kia, thậm chí mặt dí sát vào lưng người kia vì quá đông, nhưng vẫn rất trật tự.

Diễn viên Lê Công Tuấn Anh không người thân, hậu sự của anh được bạn bè lo liệu. Có lẽ, không khí trang nghiêm của đám tang, cùng nỗi đau quá lớn của bạn bè cố nghệ sĩ, mà người hâm mộ đến viếng càng thành kính hơn.

Đoàn chúng tôi đi khẽ khàng nhất có thể. Tôi nghe được tiếng khóc, tiếng thở sau lưng, trước mặt mình. Có lẽ, mọi người đều sợ, một cử chỉ vô ý nào của mình sẽ làm thất thố và “náo động” đến anh linh người đã khuất. Khi đến trước áo quan, người hâm mộ được hướng dẫn đi một vòng quanh linh cữu. Tất cả thành kính, cúi đầu, nhẹ nhàng và trật tự bước. Không xô đẩy, không cự cãi và dĩ nhiên, không có quay phim, chụp hình.

Lúc đó, nghệ sĩ đến viếng rất đông. Và ngày xưa, việc được nhìn, gặp gỡ và tiếp cận nghệ sĩ khó gấp ngàn lần, không như bây giờ. Bình thường, đám con gái chúng tôi cũng luôn ước ao, khát khao gặp gỡ Lê Tuấn Anh, Lý Hùng, Quyền Linh, Diễm Hương, Diễm My… nhưng mọi sự tập trung của chúng tôi đều hướng về di ảnh của người vừa mất. Hoàn toàn không có cảnh một nghệ sĩ vừa tới thì tiếng hò hét, chỉ trỏ “kìa, ồ à” và kèm theo đó là sự nhốn nháo, ồn ào như bây giờ.

Hàng trăm người dân túc trực trước nhà tang lễ Nguyễn Tri Phương.
Hàng trăm người dân túc trực trước Trung tâm Pháp y TPHCM

Giờ nhìn quang cảnh ở nơi bảo vệ thi thể nghệ sĩ Chí Tài, hay cảnh hỗn loạn trong đám tang của những nghệ sĩ Anh Vũ, Mai Phương mới giật mình và kinh hãi bởi sự biến tướng của đám tang do đám đông tạo nên.

Người ta quy tội cho sự tò mò, hiếu kỳ. Thật ra, tò mò hiếu kỳ, nhất là về người của công chúng, không thời nào không có. Thậm chí, thời của chúng tôi, sự hiếu kỳ về nghệ sĩ còn hơn cả bây giờ, bởi chúng tôi không có cơ hội xem, gặp gỡ, hay tiếp cận thần tượng như người hâm mộ hiện nay. Song, chúng tôi ngày ấy đi đám tang nghệ sĩ đều rất trật tự, trang nghiêm và thành kính với người đã khuất cùng gia đình họ.

Có người lại đổ lỗi cho sự phát triển của công nghệ đã làm mất đi sự tôn nghiêm vốn có ở tang ma nghệ sĩ. Thật ra, sự hỗn loạn đó chẳng qua bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của đám đông và mục đích đến đám tang nghệ sĩ ngày nay đã khác xưa. Như việc diễn viên Hiếu Hiền quay cảnh thân xác nghệ sĩ Chí Tài sau khi được giám định pháp y rồi đưa lên mạng, những hình ảnh đó chắc chắn sẽ làm người thân nghệ sĩ quá cố đau đớn, đồng nghiệp và công chúng xót xa. Hình ảnh đẹp đẽ nghệ sĩ Chí Tài gìn giữ bấy lâu, đã bị sự thiếu ý thức của chính đồng nghiệp phá hủy. Khó có cách lý giải nào khác cho hành động của Hiếu Hiền là để kiếm view. Nhưng cách này chẳng khác nào đào mồ chôn mình.

Xưa, chúng tôi đi đám tang nghệ sĩ chỉ với tấm lòng xót thương. Còn ngày nay, nhiều người xem đó là cơ hội nghề nghiệp, kiếm tiền, nên họ ra sức, bất chấp câu like, câu view mà quên rằng: đó là lễ tang - nơi rất cần sự tĩnh lặng, trật tự và trang nghiêm.

Có những nghệ sĩ mà tôi mến mộ, như danh hài Chí Tài, tôi cũng muốn đến nhìn ông lần cuối, hay mong được thắp một nén hương tiễn biệt. Nhưng thú thật, tôi không dám đi. Tôi sợ sức mình không trụ nổi với đám đông hỗn loạn ấy. Tôi sợ cái cảnh trăm người dí điện thoại vào mặt nghệ sĩ đang đau đớn, khóc tức tưởi trước sự ra đi của đồng nghiệp và bắt họ trả lời. Tôi chọn cách tưởng nhớ ông từ xa, mong ông sớm được về bên vòng tay người thân và an nhiên ở cõi vĩnh hằng.

Đi đám tang nghệ sĩ là điều không ai cấm, thậm chí còn làm ấm lòng nghệ sĩ. Nhưng nếu không nói được lời chia sẻ, an ủi với người thân của người đã khuất, thì việc bạn im lặng khi đến cũng là cách biểu thị lòng tôn trọng người đã khuất và gia đình họ.

Thùy Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Thị Hương 21-12-2020 20:40:25

    Tôi rất đồng tình với bài viết này. Đây là bài viết xúc động và ý nghĩa nhất mà tôi đọc được tính đến giờ về đám tang các nghệ sĩ. Có lẽ tác giả bài viết hơn tuổi mình chút đỉnh. Vì vào thời Lê Công Tuấn Anh mất mình mới học lớp 9 nhưng vẫn còn nhớ cái cảm giác buồn và thương thần tượng lúc ấy. Hoặc là thế hệ như mình nghĩ thế, giờ thế hệ trẻ khác rồi.
    Mở google có hàng trăm bài về nghệ sĩ Chí Tài, nhưng các bài giựt tít có thể khác nhau nhưng nội dung na ná nhau, nhiều bài không biết đang đọc về đám tang hay người dự đám tang nữa, soi mói những cái không đáng có.....

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI