110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - nguyên Bí thư đầu tiên của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (30/9/1910-30/9/2020)

Di vật năm xưa thành linh vật của xứ trầu Bà Điểm

30/09/2020 - 12:00

PNO - Hôm nay, khi cả nước lặng lẽ tưởng nhớ người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, chúng tôi tìm về xứ trầu Bà Điểm, H.Hóc Môn - Xứ ủy Nam Kỳ một thời oanh liệt - để tìm lại những hồi ức về chị, người nữ bí thư đầu tiên của Thành ủy Sài Gòn.

Những di vật đã thành linh vật

Bước chân qua khoảng sân lót gạch tàu, ngôi nhà bà Nguyễn Thị Sáu, tức bà Sáu Châu (ủy viên huyện ủy H.Hóc Môn thời kháng chiến ở ấp Trung Lân, xã Bà Điểm) hiện ra. Đó là một ngôi nhà xưa cổ với vách buồng, ngạch cửa đều làm bằng những vạt gỗ dài, thanh tròn, thanh vuông cân xứng. Cái tủ này, năm xưa “cô Minh Khai” (tên thân thương mà người dân xứ này vẫn thường gọi nữ bí thư Thành ủy một thời) dùng để đựng quần áo và tư liệu. 

Anh Phan Quốc Bảo, con trai bà Sáu Châu cho biết: “Ngôi nhà này của ông nội tôi - ông Phan Văn Đối, cũng là người đầu tiên mời cô Minh Khai về ở để hoạt động. Có lẽ nhờ trong nhà có cô Minh Khai mà tình yêu quê hương đất nước được lan tỏa, nên ba má và các cô chú tôi đều đi theo cách mạng. Trong gian phòng này, suốt 75 năm qua, ông nội tôi, cha tôi vẫn giữ gìn nguyên vẹn. Người ở Bảo tàng Cách mạng lên đây thăm ai cũng trầm trồ. Thấy họ sưu tập hiện vật khó khăn, 15 năm trước, má tôi hiến tặng chiếc bàn ấy cho bảo tàng. Còn lại các di vật trong này và khoảng sân ngoài kia… gia đình tôi vẫn còn gìn giữ”. Hỏi anh thời đất đai lên giá rồi, nhà cửa ông bà để lại rộng vầy hiến làm di tích có tiếc không? “Không phải di vật hay di tích không đâu, đây còn là linh vật nữa. Nhà tôi bốn đời gìn giữ nó rồi” - anh Bảo trả lời bằng giọng tự hào.

Người dân xứ trầu Bà Điểm  nay vẫn nhớ những kỷ niệm  với cô Minh Khai
Người dân xứ trầu Bà Điểm nay vẫn nhớ những kỷ niệm với cô Minh Khai

 

Chúng tôi dạo một vòng khu di tích ở xứ trầu, ngắm lại các vật dụng thân quen gắn liền hình ảnh những người chiến sĩ Nam bộ ở cuộc cách mạng mùa thu: cái cuốc, cái nỏ, cái mác, gậy gộc, tầm vông, giáo, nồi đồng “Thạch Sanh”... rồi ghé thăm nhà chị Hòa (ấp Trung Lân), được sờ tay trên chiếc bàn nơi các đồng chí Xứ ủy Nam kỳ từng ngồi họp, ngắm chiếc ghế năm xưa cô Minh Khai thường ngồi làm việc... Tất cả nay đã trở thành di vật.

Chợt nhớ thời tôi còn là đội viên đeo khăn quàng đỏ, nơi di tích lịch sử Ngã Ba Giồng, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - thuở ấy là Chủ tịch UBND TP.HCM, khi nhắc lại những kỷ niệm về cô Minh Khai, đã đặc biệt cảm ơn người dân Hóc Môn - Bà Điểm bảo tồn di tích cũ. Ông nói: “Chính sự trân trọng của người dân, các di vật năm xưa mà người nữ bí thư từng dùng như hóa thành linh vật”. 

Ở góc nhà, là một phụ nữ bình thường

Ngày 16/8/1935, với tư cách là đại biểu nữ trong đoàn đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, chị Minh Khai đã đại diện cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến, trình bày bản tham luận Vai trò phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống việc chuẩn bị chiến tranh đế quốc mới, đấu tranh cho hòa bình. Đây là lần đầu tiên trên diễn đàn một đại hội quốc tế, người phụ nữ Việt Nam đã thuyết phục và chiếm được cảm tình của bạn bè thế giới. Khi đó, chị mới vừa 25 tuổi.

Những năm về hoạt động ở đất 18 thôn vườn trầu, với vai trò là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Nguyễn Thị Minh Khai luôn chú ý phát triển phong trào đấu tranh của phụ nữ. Nhân sự kiện Ủy ban Phụ nữ ái hữu Sài Gòn - Chợ Lớn ra lời kêu gọi chị em phụ nữ đứng lên đoàn kết với nam giới sáng lập các hội tương tế ái hữu, chị Minh Khai đã viết cuốn sách giới thiệu về cuộc đấu tranh của phụ nữ quốc tế để tuyên truyền, giác ngộ nâng cao nhận thức cách mạng cho phụ nữ, nhờ đó phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn ngày càng có những bước phát triển sâu rộng.

Trong hồi ức của bà Nguyễn Thị Một, nguyên Chánh văn phòng Xứ ủy Nam bộ, trước thời điểm sinh con gái Hồng Minh, chị Minh Khai tá túc hoạt động trong một căn nhà nhỏ ở xóm lao động nay thuộc đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM. Đang mang bầu nhưng chị sống kham khổ như bao cán bộ khác. Bữa ăn của chị chỉ có một lọn rau muống luộc chấm với nước mắm có dầm một quả trứng. Hôm nào sang hơn cũng chỉ có thêm con cá nhỏ. Anh em rất thương chị, nên mỗi khi công tác miệt Hóc Môn, Bà Điểm, thường tìm thêm rau quả về tăng cường. Người dân xứ Vườn Trầu khi nghe các anh nói mang rau về cho cô Minh Khai, thể nào cũng nhiệt tình gom quà quê nhà gửi gắm…  

Hôm nay về xứ trầu, một lần nữa nghe câu chuyện về chị, mới biết, việc làm lay động lòng người của chị Minh Khai trước lúc ra đi lại là ba việc nhỏ nhoi, bình dị, rất… đàn bà. Một là, chị gửi lời vĩnh biệt tới người chồng thương yêu đang bị tù đày ngoài Côn Đảo; hai là, chị gửi lời cảm ơn đến những người đồng chí đang nuôi con gái Hồng Minh; ba là, chị lặng lẽ tước vải quần áo nhà tù, đan một chiếc áo gối gửi về tặng mẹ, gọi là chút lòng hiếu thảo của một người con chưa kịp làm tròn bổn phận chăm sóc mẹ 
già yếu… 

Hóa ra ở một góc nhà, người chiến sĩ vĩ đại ấy vẫn chỉ là một người phụ nữ bình thường, như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Trái tim yêu thương gia đình, hiếu kính cha mẹ vẫn "đập" tới những giây cuối cùng của cuộc đời. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI