|
Anh Nguyễn Hoàng Hà (46 tuổi, trú tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) “trốn” vợ con tham gia vận chuyển thiết bị, vật tư y tế trong đêm tại Bắc Giang - Ảnh: VOV |
Chỉ sau 24 giờ Tỉnh đoàn Bắc Giang thông báo tuyển tình nguyện viên, hơn 340 người đăng ký; con số tăng thêm từng ngày. Hàng ngàn lá đơn, bao nhiêu con người ở các tầng lớp, nghề nghiệp tình nguyện góp sức, tình nguyện đi vào vùng dịch.
Đó là gần 24 ngàn cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên các trường đại học và cao đẳng y, dược trên toàn quốc; là anh Đặng Minh Trí, 24 tuổi, đã lái chiếc xe cấp cứu từ quê Đồng Hới, Quảng Bình đến Bắc Giang tham gia chống dịch, dù chàng trai trẻ hình dung được cuộc chiến đang diễn ra ở vùng đất cách nơi mình sống hơn 500km cam go thế nào.
Ngày đầu tiên tham gia chống dịch tại Bắc Giang, từ 7 giờ sáng tới tối muộn, chàng thanh niên Quảng Bình mệt phờ vì lo bốc hàng và lái tám chuyến xe nhưng như anh nói, “mình còn trẻ, còn sức mà”.
Đó còn là hai tài xế ở Nghệ An “trốn” vợ con, âm thầm lên đường chi viện Bắc Giang. Khi xe chạy được nửa đường, họ mới gọi về thông báo cho vợ biết, sợ nói sớm vợ níu chân. Là gian bếp tại một nhà hàng do anh Phạm Minh Hiền làm chủ nằm trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) nhộn nhịp hơn so với nhiều ngày trước bởi những người trong bếp đang tất bật chuẩn bị cho một “đơn hàng đặc biệt” với 101 phần cơm gửi tặng các lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 tại quận Gò Vấp.
Và dù TPHCM đang có dịch, dòng tình nguyện viên vẫn chảy về chi viện cho tỉnh bạn - vùng dịch nặng hơn. Có thể thấy cộng đồng đã bước một bước khá dài, thay đổi rất nhiều so với tình trạng bế quan tỏa cảng từng xuất hiện ở nhiều địa phương đầu mùa dịch. Tinh thần chia sẻ và hỗ trợ thể hiện trong từng tình nguyện viên, lan tỏa mạnh mẽ. Mỗi người trong số họ trở thành một kết nối thiết thực; vùng dịch dù cách ly nhưng vẫn ấm áp trong sự đùm bọc của đất nước, của dân tộc.
|
Nụ cười tỏa nắng của bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu - Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - khi đang cạo đi mái tóc của mình để chuẩn bị chi viện cho tâm dịch Bắc Giang đã tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều người trong cuộc chiến này - Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM |
Như nhiều gia đình, nhà tôi có người thân - một nhân viên y tế - trong đội hình tình nguyện ấy. Trong hàng ngàn người vào tâm dịch, có y, bác sĩ, nhân viên các bệnh viện và sinh viên các trường y, dược trên cả nước.
Còn nhớ khi cháu thi trường y, người bác, một bác sĩ già, bảo: “Con thi y cũng được, muốn học y khoa cho đàng hoàng cần một trong hai điều kiện: học thật giỏi hoặc là nhà khá giả. Học giỏi để làm chủ kiến thức, không nản lòng trước việc học suốt đời. Nhà khá giả để không biến việc chữa bệnh cứu người thành việc kiếm tiền làm giàu. Hoặc nếu gia đình không khá giả thì phải xác định thật rõ ràng: không được chọn làm giàu là mục tiêu nếu học ngành này”.
Lúc bàn bạc trong gia đình, không phải không có ý kiến, bảo cháu nên đi học y ở nước ngoài. Người bác ấy lại bảo, con nên học y khoa ở Việt Nam, người dân còn nghèo, bệnh tật còn nhiều, con làm được một chút thôi cũng là tốt, con sẽ là cứu tinh của bao nhiêu người bệnh. Học y để chữa bệnh cứu người, có lòng yêu thương thì mới có động lực cứu chữa, mới chữa bệnh giỏi được. Con hãy yêu thương máu mủ của mình, đồng bào của mình.
Đó là cái căn cốt của việc làm nghề y ở xứ mình. Thành bác sĩ rồi, con đi tu nghiệp, nâng cao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm ở các nước không khó.
|
Sáng 27/5, sinh viên Trường đại học Y Hà Nội lên đường chi viện cho Bắc Ninh dập dịch - Ảnh: Đại Đoàn Kết |
Tôi biết những lời dặn khai tâm ấy còn trong trí nhớ của cháu, của bạn bè, đồng nghiệp cháu tôi khi họ mang hành lý lên đường. Đó là nền tảng, là “căn cốt” cho những quyết định, những nụ cười, cái ba-lô gọn nhẹ và lời hẹn hết dịch mới về; dù biết trước mắt là những thử thách đời thường, thử thách chuyên môn, bao nhiêu “biến chủng” không lường hết được của con virus tai quái này.
Người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung vốn có truyền thống kính quý người làm ngành y, con cái học y thường là kỳ vọng rất lớn của gia đình. Hơn một năm nay, giữa vòng xoáy của đại dịch, nhiều gia đình đã trao kỳ vọng ấy cho lợi ích của cộng đồng.
Từ khi WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu (11/3/2020) đến nay, những tổn thất của ngành y khó đếm hết. Hơn 115.000 nhân viên y tế toàn cầu đã hy sinh, nhiều bệnh viện - hàng rào phòng thủ về y tế - đổ vỡ dưới con sóng thần đại dịch.
Hết năm 2020, WHO đã lưu ý về điều này: nhân viên y tế chiếm khoảng 3% dân số thế giới nhưng chiếm 14% trong tổng số ca mắc COVID-19. Mà nào phải chỉ riêng COVID-19, các bệnh viện và các y, bác sĩ còn phải khám chữa bệnh cho biết bao ca bệnh khác. Con người vẫn tiếp tục già đi, đau ốm, tai nạn… cần đến phòng cấp cứu của các bệnh viện từng ngày, từng giờ. Những dịch vụ y tế thiết yếu là một trách nhiệm khổng lồ mà ngành y vẫn phải gồng mình lên đảm đương trong đại dịch.
Nhìn vào đó để thấy quý hơn những tình nguyện viên y tế, quý hơn những mái tóc xanh được cắt ngắn, được cạo đi để dễ bề tác nghiệp. Nhìn vào đó để nâng cao ý thức của mỗi người, để thực hiện việc phòng dịch từ mỗi gia đình, tự chăm sóc sức khỏe bản thân, giảm bớt gánh nặng cho y tế. Bởi nơi này nhẹ được một chút, nơi kia sẽ có thêm được một chút. Mỗi người trong chúng ta đều không muốn mình đau bệnh gì vào lúc này, khi nguồn lực y tế đang căng ra, chia sẻ cho quá nhiều sinh mạng cần được giúp đỡ.
|
Ngày 26/5, 13 y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mang vật tư phòng hộ lên đường đến Bắc Giang hỗ trợ tỉnh lập bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân nặng - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy |
Còn nhớ, trong các thành phố bị cách ly, trên những khung cửa sổ, người dân cùng vỗ tay động viên tinh thần các nhân viên y tế. Họ hy vọng và gửi gắm tất cả hy vọng vào những người chữa bệnh.
Trong quyết định tình nguyện vào vùng dịch của những sinh viên y, những nhân viên y tế, có nhiệt huyết, có trách nhiệm và có sự hiểu biết chuyên môn. Dẫu căng thẳng, quá tải, kiệt sức… nhưng sự có mặt của họ đã làm yên lòng cộng đồng và tinh thần tình nguyện của họ đã khơi dậy tinh thần nơi những người khác, động viên người khác vượt qua nỗi sợ hãi để dấn thân.
So sánh thô sơ, nụ cười của bác sĩ trẻ khi cạo trọc đầu đi vào vùng dịch giống như một liều thuốc để cộng đồng không co rúm lại vì sợ hãi trước dịch bệnh mà mỉm cười nhận lãnh trách nhiệm của mình. Những tình nguyện viên ấy không chỉ chống chọi với COVID-19 trong vùng dịch mà còn chữa tâm bệnh cho những người bên ngoài - căn bệnh lo âu, căng thẳng, sợ hãi vốn lây lan chẳng khác gì virus.
Thành phố những ngày gần đây, nhiều bệnh viện tuyến quận phải đóng cửa tạm thời nhưng người dân đều hiểu rằng đó là để giữ gìn, bảo vệ lớp áo giáp y khoa quý giá của cộng đồng. Những đứa con của thành phố tình nguyện ra đi, đối diện với dịch bệnh ở nơi đang nóng nhất. Thương nhớ và tự hào vô cùng. Sẽ có những bác sĩ giỏi nghề, những lương y chân chính bước ra, trưởng thành từ trận thử lửa khốc liệt này. Thành phố, gia đình đang chờ đợi, họ sẽ trở về cùng với sự bình an.
Hồng Lộc