Khi dư luận còn đang “nóng” vụ thu phí BOT ở trạm Cai Lậy (Tiền Giang) thì nhiều tài xế thường xuyên chạy xe trên tuyến đường Cần Thơ - An Giang, Kiên Giang đã gặp gỡ báo chí, phản ánh về việc chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 91 đặt trạm thu phí T2 một cách phi lý để tận thu.
|
Ôtô mua vé qua trạm thu phí T2. |
Đi 200 m cũng phải trả phí như đi 44 km
Theo hồ sơ, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL 91 đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ (do Công ty cổ phần Đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang làm chủ đầu tư) có tổng chiều dài 43,94km, chia làm hai phân đoạn: phân đoạn 1 trên QL 91, đoạn từ Km14+00 (giao QL 91B) đến Km50+889 và phân đoạn 2 trên QL 91B, đoạn từ Km0+000 đến Km15+793.
Hai trạm thu phí đã được đặt theo dự án này là trạm T1 ở Km16+905,83 của QL 91 thuộc địa bàn Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ và trạm T2 ở Km50+050 thuộc khu vực Thới Hòa 1, P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, giáp ranh tỉnh An Giang. Tổng mức đầu tư 2 QL 91 và QL 91B nói trên là 1.720 tỷ đồng, thời gian thu phí 23 năm 5 tháng; đến nay, đã thu được 1 năm 4 tháng và còn tiếp tục thu 22 năm 1 tháng với mức thu ở hai trạm này thấp nhất là 35.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng.
Theo ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh An Giang, nhà đầu tư bỏ tiền làm đường theo phương thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) ở đoạn nào thì chỉ được thu phí ở đoạn đường đó. Trong trường hợp trạm T2, tính vô lý và không phù hợp thể hiện ở chỗ rất nhiều người từ An Giang đi Kiên Giang hay ngược lại, chỉ đi qua khoảng vài trăm mét của tuyến QL 91 mà cũng phải trả phí như đi đầy đủ toàn tuyến QL 91.
Vào tháng 3/2017, khi đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện việc giám sát dự án BOT QL 91, đại diện Hiệp hội Vận tải tỉnh An Giang đã đề nghị xem xét lại vị trí đặt trạm thu phí T2, vì việc đặt trạm ở cuối QL 91 ngay sát nút giao của QL 80 từ Kiên Giang lên thì xe đi từ QL 80 vào Long Xuyên (tỉnh An Giang) bắt buộc phải nộp phí dù chỉ sử dụng chưa tới 500m trên tuyến nối BOT.
Ở chiều ngược lại, xe từ TP.HCM qua phà Vàm Cống (tỉnh An Giang) hoặc xe ở An Giang đi ra QL 80 để về Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) cũng phải mua vé cho suốt tuyến BOT. Chưa hết, Tân cảng Thốt Nốt, KCN Thốt Nốt chỉ cách vị trí trạm T2 khoảng 200 - 300m, nhưng xe chở hàng hóa từ QL 80 hay từ An Giang vào đều phải mua vé cho toàn tuyến dù chỉ sử dụng vài trăm mét đường của dự án BOT QL 91.
Anh M.T. - một chủ doanh nghiệp vận tải - cho biết, anh có 10 chiếc xe tải, mỗi ngày, các xe đều phải chở hàng từ tỉnh An Giang qua trạm T2 để vào QL 80 đi tỉnh Kiên Giang. Mỗi xe chỉ đi qua QL 91 có vài trăm mét, sau đó rẽ vào QL 80 mà phải đóng 140.000 đồng/lượt xe qua trạm.
|
Mức thu phí qua trạm T2, được áp dụng từ ngày 31/12/2016 |
“Tính ra 10 chiếc xe của tôi mỗi ngày phải tốn thêm 1,4 triệu đồng, mỗi tháng tốn thêm 42 triệu đồng phí BOT cho trạm T2. Như vậy thì còn lời lãi gì nữa!” - anh M.T. than. Ngoài ra, nhiều tài xế và chủ doanh nghiệp cũng cho rằng, dự án này chỉ là sửa chữa, nâng cấp trên tuyến QL 91 đã có sẵn chứ không phải đầu tư xây dựng tuyến mới, nên việc thu phí BOT là không thể chấp nhận được.
Miễn giảm chứ không dời trạm?
Trên thực tế, không đợi đến khi trạm thu phí T2 đi vào hoạt động thì chủ doanh nghiệp, tài xế mới bức xúc. Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang, từ tháng 4/2016, khi trạm thu phí T2 được lắp đặt tại khu vực phường Thới Hòa, hiệp hội nhận thấy vị trí đặt trạm này là bất hợp lý đã gửi văn bản kiến nghị UBND tỉnh, Bộ GTVT có biện pháp xử lý. Tiếp đó, Sở GTVT các tỉnh An Giang và Kiên Giang cũng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh lại việc đặt trạm cho hợp lý.
Tháng 8/2017, Bộ GTVT có thông báo gửi Sở GTVT tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, bước đầu nhất trí phương án miễn, giảm phí cho 73 đầu phương tiện của tỉnh An Giang. Ngày 14/8 vừa qua, phía chủ đầu tư cũng đã làm việc với đại diện Sở GTVT các tỉnh, thành liên quan cùng với đại diện của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) để thống nhất việc miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm T2, trong đó nhất trí miễn giảm 100% phí cho 284 xe là xe buýt, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường hướng từ QL 80 về tỉnh An Giang và ngược lại, ô tô của người dân có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm T1 và T2.
Trước những phản ứng diễn ra đồng loạt ở nhiều trạm thu phí trên cả nước, ngày 18/8, ông Nguyễn Văn Khang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang cho biết, từ ngày 1/9/2017, công ty sẽ miễn giảm phí cho các phương tiện lưu thông qua trạm đã được duyệt theo danh sách các địa phương đề xuất. Về khả năng di dời trạm, ông Khang cho biết, hiện đơn vị tư vấn đang lập phương án để trình cơ quan chức năng, nhưng theo tính toán ban đầu, việc di dời không khả thi vì gây tốn kém và lãng phí.
Sắp tới, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối tỉnh Đồng Tháp với TP.Cần Thơ sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đầu cầu bên bờ Cần Thơ rất gần với trạm thu phí T2 hiện nay. Vì thế, nếu việc di dời trạm T2 kéo dài, rất có thể khi cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng và thu phí qua cầu, nhiều doanh nghiệp vận tải, người dân sẽ phải chịu cảnh “phí chồng phí”: vừa đóng phí cầu Vàm Cống vừa đóng phí trạm T2.
Hiền Dung