Bỗng dưng thành “người vô gia cư”
Suốt tám ngày vừa qua, bà Lê Thị Mỹ Nghĩa (thường trú tại ấp 2, xã An Hữu, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, tạm trú tại Q.2, TP.HCM) chạy ngược chạy xuôi kê khai, nộp đủ các loại giấy tờ xác nhận nhân thân, nơi cư trú hợp pháp để xin bảo lãnh con gái về nhưng không có kết quả.
Con gái bà Nghĩa là Nguyễn Thị Tuyết Nhung, sinh ngày 25/7/1996, bỗng dưng bị đưa vào Trung tâm HTXH TP.HCM vì “tội” đi uống cà phê mà không mang theo giấy tờ tùy thân(?!).
|
Giấy chứng minh nhân dân của Nhung và Kiều |
Ngày 26/9, trao đổi với phóng viên, bà Nghĩa nghẹn ngào: “Tôi và chồng chia tay từ lâu, chỉ có một đứa con duy nhất là Nhung. Do hoàn cảnh khó khăn, tôi đi giúp việc nhà, lương thấp nên Nhung phải nghỉ học từ lớp 10 để phụ tôi chăm lo cho ông bà ngoại thường xuyên đau yếu. Khoảng sáu ngày trước khi xảy ra sự việc, Nhung xin tôi lên TP.HCM tìm việc, cháu làm được mấy ngày thì bị người ta đưa vô trung tâm”.
Vào khoảng 15h ngày 18/9, sau ca làm việc, Nhung cùng bạn là Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) hẹn một người bạn thân tên Nghĩa đi uống cà phê. Đến khoảng 16h cùng ngày, Nhung đang ngồi trong quán thì lực lượng công an P.Tam Bình, Q.Thủ Đức bất ngờ kiểm tra hành chính quán cà phê này.
Cùng lúc, lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra toàn bộ giấy tờ tùy thân của mọi người. Do không mang theo chứng minh nhân dân, Nhung và Kiều bị mời về trụ sở Công an P.Tam Bình làm việc. Hơn ba giờ đồng hồ sau, chính quyền P.Tam Bình đã đưa Nhung và Kiều tới Trung tâm HTXH TP.HCM (số 463 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh) theo diện “người vô gia cư”.
Trong công văn trả lời báo chí, ông Lê Nguyễn Trọng Quốc - Chủ tịch UBND P.Tam Bình - nêu, trong quá trình kiểm tra hành chính quán cà phê MU, địa chỉ A42, đường D, khu phố 5, P.Tam Bình, vào lúc 16h ngày 18/9, tổ công tác của Công an P.Tam Bình phát hiện một số đối tượng không có giấy tờ tùy thân, mời về phường lập biên bản.
Trong suốt quá trình làm việc, cả hai đương sự (chị Nhung và Kiều) không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào. Công an phường đã yêu cầu hai đương sự gọi điện nhờ người thân mang các loại giấy tờ đến để làm thủ tục bảo lãnh về nhưng cả hai không hợp tác.
|
Hình ảnh Kiều (áo đỏ) và Nhung (áo đen) trước khi bị bắt. |
Vì vậy, đến 19h45 cùng ngày, công an phường phối hợp cùng cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội phường lập hồ sơ đưa hai đương sự trên vào Trung tâm HTXH TP.HCM theo quy định tại Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND ngày 19/7/2017 của UBND TP.HCM.
Tuy nhiên, bà Nghĩa cho biết, vào lúc 17h45 ngày 18/9, bà có nhận được điện thoại của con gái báo tin đang bị giữ tại trụ sở Công an P.Tam Bình, nhưng do phải lục tìm giấy tờ và phải chạy quãng đường khá xa nên bà không thể đến bảo lãnh con gái. Đến 18gh30 cùng ngày, chị Nhung gọi điện cho bà Nghĩa thông báo là mình đã bị chuyển tới Trung tâm HTXH TP.HCM.
“Trước đó, cháu Nghĩa (bạn Nhung) đã đến bảo lãnh cháu nhưng công an không cho. Cháu Nhung mới mượn điện thoại Nghĩa gọi cho tôi. Tôi đang đến thì họ đã đưa con bé vào Trung tâm HTXH rồi” - bà Nghĩa kể.
Vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Theo bà Nghĩa, suốt những ngày qua, bà phải nghỉ việc, chạy đôn chạy đáo lo thủ tục giấy tờ để “cứu” con gái ra khỏi trung tâm. Sáng 22/9, bà Nghĩa đã nộp đầy đủ hồ sơ theo đúng yêu cầu của cán bộ Trung tâm HTXH TP.HCM nhưng bà vẫn chưa được bảo lãnh con gái ra về với lý do phải “chờ họp xong mới giải quyết được”.
Bà Ngô Thị Thúy (mẹ Kiều) cũng cho biết, ngày 19/9, bà mang hồ sơ có xác nhận của địa phương đến trung tâm trên xin bảo lãnh con nhưng vẫn chưa được trung tâm đáp ứng.
Luật sư Bùi Minh Nghĩa (Công ty TNHH MTV Đại Luật Hằng Sinh) cho rằng, UBND P.Tam Bình và Trung tâm HTXH TP.HCM đã đưa chị Nhung, chị Kiều về trung tâm và lưu giữ lại đây theo quy định tại Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND về “quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP.HCM” (có hiệu lực từ ngày 1/8/2017).
“Việc Trung tâm HTXH TP.HCM không cho người nhà bảo lãnh chị Nhung và chị Kiều chẳng những vi phạm quyết định của UBND TP.HCM mà còn vi phạm các quy định về quyền con người trong Bộ luật Dân sự, gây tổn thất về tinh thần, thể chất, thời gian và tiền bạc của người dân”.
Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Công ty Luật TNHH MTV Đại Luật Hằng Sinh
|
Nhưng theo khoản 4, điều 2 của Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND, “người không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định”. Việc UBND P.Tam Bình trong vòng chưa đầy 4 giờ đồng hồ đã xác nhận chị Nhung và chị Kiều “không có nơi cư trú ổn định” là vội vàng, làm trái quyết định trên.
Cũng theo luật sư Nghĩa, khoản 2, điều 7 của Quyết định 29/2017/QĐ-UBND nêu rõ: “Việc giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng được thực hiện khi: có người thân trực tiếp đến nơi đang tập trung, quản lý đối tượng tiếp nhận hoặc kết quả xác minh có nơi cư trú ổn định hoặc có người thân có nơi cư trú ổn định và đồng ý tiếp nhận”. Lẽ ra trung tâm phải giải quyết ngay khi các đương sự được người thân bảo lãnh.
Ngày 26/9, chúng tôi đến Trung tâm HTXH TP.HCM nhưng bị nhân viên bảo vệ ở đây chặn lại với lý do: “Muốn lấy thông tin thì liên hệ Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP.HCM, trung tâm không có chức năng phát ngôn báo chí”.
Chiều cùng ngày, trả lời Báo Phụ Nữ, đại diện Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP.HCM thông tin: “Cho đến đầu giờ chiều hôm nay, sở mới nhận được thông tin về vụ việc này. Chúng tôi sẽ kiểm tra, giải quyết trường hợp này trong thời gian nhanh nhất”.
Hạnh Chi - Hoàng Lâm