Dị ứng da sau khi du xuân

18/02/2022 - 17:06

PNO - Những ngày qua, chỉ trong năm buổi khám, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - đã tiếp nhận 15 trường hợp dị ứng da sau khi du xuân với nhiều mức độ khác nhau.

Gần đây, số người đến khám da sau thời gian đón tết Nguyên đán gia tăng. Chủ yếu họ bị dị ứng da do các yếu tố thúc đẩy như thay đổi môi trường khí hậu, trang điểm nhiều, dinh dưỡng không phù hợp, chăm sóc da sai cách. Nhiều trường hợp cào gãi, tự ý chữa khiến tình trạng da tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng sống của người bệnh.

Dị ứng do thay đổi khí hậu

Một bệnh nhân bị viêm da kích ứng sau khi du xuân
Một bệnh nhân bị viêm da kích ứng sau khi du xuân

Những ngày qua, chỉ trong năm buổi khám, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - đã tiếp nhận 15 trường hợp dị ứng da sau khi du xuân với nhiều mức độ khác nhau.

Điển hình nhất là trường hợp chị P.T.K.V. (39 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM). Chị V. tới khám trong tình trạng gương mặt nổi chi chít các nốt đỏ, sưng và ngứa. Do quá ngứa ngáy, khó chịu, bệnh nhân không kiềm chế được mà cào gãi khiến khắp mặt xước xát, chảy máu. Một số vết thương đóng vảy lại càng làm chị V. thêm ngứa. Do bệnh nhân cạy lớp vảy, gương mặt bị nhiễm trùng, có mủ.

Theo lời kể, vừa qua chị V. về quê chồng ở Hà Tĩnh đón tết. Khí hậu rét và hanh ở đây khiến da chị không kịp thích ứng. Sau khi về quê được ba ngày, mặt chị V. ngứa ngáy, cảm giác căng rát vô cùng khó chịu. Không chỉ gương mặt, khắp người chị cũng bị nổi mẩn ngứa, môi cũng nứt nẻ.

Cũng vì cái lạnh ở Hà Tĩnh nên chị ngại dùng nước mát để rửa mặt, tắm rửa. Sau khi chị tắm và rửa mặt bằng nước nóng, tình trạng da càng thêm trầm trọng. Chị không nhịn nổi, cào gãi khắp nơi. Mùng Mười tết, quay lại TPHCM, chị V. vội vàng đi khám vì không thể chịu đựng thêm.

Bác sĩ kết luận chị bị viêm da kích ứng (dị ứng) do thay đổi thời tiết. Bên cạnh đó, do chăm sóc da sai cách, chị đã khiến các tổn thương từ nhẹ chuyển sang nặng.

Theo bác sĩ Thanh, khi bị hanh nẻ, mẩn ngứa do khí hậu lạnh gây ra, chúng ta không được tắm hay rửa mặt bằng nước quá nóng. Tắm nước càng nóng càng khiến da mất nước, khô và ngứa, nhất là đối với người có làn da nhạy cảm. Nếu thấy da bị khô ngứa (đặc biệt sau khi tắm bằng nước nóng), cần dùng kem dưỡng ẩm để làm dịu nhẹ triệu chứng, tuyệt đối không đưa tay cào gãi. 

Da mặt teo mỏng do dùng mỹ phẩm

Chị N.T.T. (40 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TPHCM) đến khám với tình trạng da mặt bị teo mỏng, sưng đỏ, căng và đau rát. Trong quá trình điều tra bệnh sử, chị T. chia sẻ rằng trước đây, da mặt chị bình thường. Tuy nhiên, từ tết tới nay, ngày nào chị cũng trang điểm để đi chơi tết. Hết tết, chị ngưng trang điểm thì da mặt trở nên khó chịu, căng đỏ khiến chị cứ phải bôi một sản phẩm nào đó lên thì mới an tâm.

Ban đầu, bác sĩ Thanh nghĩ tới khả năng chị T. “nghiện” bôi mỹ phẩm lên mặt là do bệnh tâm thể. Thế nhưng, sau khi kiểm tra kỹ tình trạng da của người bệnh, bác sĩ phát hiện da bị teo mỏng, nhìn thoáng có vẻ như hồng hào.

Đây là biểu hiện chung của những bệnh nhân xài kem dưỡng da có trộn corticoid. Da của họ bị mỏng đi, nhìn rõ lớp mạch máu nên trông trắng hồng. Người bệnh lầm tưởng loại kem đang bôi khiến da đẹp ra nhưng đó là vẻ đẹp ảo vì thực chất da của họ đang bị hủy hoại. Sau đó, người bệnh sẽ có thể mắc hội chứng nghiện bôi mỹ phẩm. Nếu không bôi, mặt sẽ căng tức khó chịu nhưng càng bôi thì làn da càng bị tổn thương.

Bác sĩ Thanh đã yêu cầu chị T. ngưng tất cả các loại sản phẩm chăm sóc da đang dùng. Khi điều trị da cho những bệnh nhân như chị T., bên cạnh thuốc men, liệu pháp tâm lý vô cùng quan trọng.

Bác sĩ Thanh đã phải cứng rắn đưa ra yêu cầu với chị T: “Nếu chị đưa tay lên mặt thì tôi sẽ không chữa cho nữa” bởi các bệnh nhân này thường không thể kiềm chế, khó tuân thủ lời dặn của bác sĩ, hay đưa tay lên mặt cào gãi và tự ý bôi các sản phẩm “dưỡng da” khiến quá trình điều trị bị ảnh hưởng.

Mùa xuân là mùa các thảm thực vật, cỏ cây hoa lá sinh sôi. Bên cạnh hai trường hợp vừa kể trên, còn có những ca dị ứng da do côn trùng, phấn hoa, phấn lá (biểu hiện viêm loét trên da như vết thương do kiến ba khoang gây ra). Một số người vốn có làn da nhạy cảm nên khi tiếp xúc với yếu tố dị nguyên mới lạ bất kỳ nào cũng có thể khởi phát tình trạng viêm da kích ứng.

Về viêm da kích ứng do yếu tố khí hậu, không chỉ những người đi du lịch tết ở miền Bắc mới bị. Bác sĩ Thanh còn ghi nhận cả các trường hợp trở về sau khi du xuân ở vùng biển. Thời tiết nắng nóng, đeo khẩu trang thường xuyên trong khoảng thời gian dài khiến mồ hôi ở gương mặt bị tăng tiết là một trong những nguyên nhân khiến vùng da mặt, nhất là những vị trí tì đè, cọ xát với khẩu trang bị viêm đỏ, nổi mụn.

Cần chăm sóc da đúng cách và đi khám kịp thời

Khi làn da có bất cứ biểu hiện bất thường, chị em cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được xác định đúng bệnh và điều trị kịp thời  - ẢNH: INTERNET
Khi làn da có bất cứ biểu hiện bất thường, chị em cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được xác định đúng bệnh và điều trị kịp thời - Ảnh: Internet

Tóm lại, theo bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, các bệnh nhân bị viêm da kích ứng sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán chủ yếu bắt nguồn từ ba nguyên nhân: môi trường (phấn hoa, côn trùng, ô nhiễm khói bụi, thay đổi khí hậu đột ngột); người có sẵn làn da nhạy cảm dễ bị khởi phát dị ứng khi gặp bất cứ yếu tố dị nguyên mới; tai biến do sử dụng mỹ phẩm.

Tùy từng nguyên nhân, mỗi bệnh nhân sẽ có hướng điều trị khác nhau. Việc trước tiên là bệnh nhân phải cắt được yếu tố gây khởi phát bệnh. Nếu do môi trường, khí hậu hay phấn hoa thì cần tránh những yếu tố trên tác động đến làn da. Nếu da bị kích ứng do mỹ phẩm thì phải lập tức ngưng tất cả các sản phẩm chăm sóc da, bôi lên da đang sử dụng.

Tiếp đến, bệnh nhân cần chăm sóc da đúng cách, tránh các yếu tố thúc đẩy khiến tình trạng bệnh thêm nặng (cào gãi; tự ý bôi kem, uống thuốc không có chỉ định của bác sĩ). Nếu làn da đơn thuần bị kích ứng, chưa có các tổn thương nghiêm trọng, chỉ cần cắt nguồn dị ứng, bôi kem dưỡng ẩm.

Với một số trường hợp, bác sĩ sẽ cho uống thuốc kháng viêm tối đa hai tuần là da sẽ hồi phục. Tuy nhiên, việc dùng thuốc kháng viêm phải theo chỉ định của bác sĩ.

Một số bệnh nhân tự ý mua thuốc về uống nhưng tình trạng bệnh không được cải thiện hoặc triệu chứng trên da chỉ dịu đi tạm thời, sau khi ngưng thuốc bệnh tái phát và da bị teo mỏng. Đó còn chưa kể đến các tác dụng phụ của thuốc kháng viêm có thành phần corticoid, dùng bừa bãi sẽ gây nghiện và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Nên nhớ, khi làn da có bất cứ biểu hiện nào bất thường, chị em cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được xác định đúng bệnh và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, phải ngưng tất cả các sản phẩm chăm sóc da đang dùng (kem làm săn chắc da, kem làm trắng da…). Khi da đang nhạy cảm, nếu cần, chỉ bôi kem có tính chất dưỡng ẩm thuần túy, càng ít thành phần hóa chất càng tốt. Nếu lúc này bệnh nhân tự ý bôi nhiều loại sản phẩm lên da, các triệu chứng bệnh bị chồng lấp, việc điều trị càng thêm khó khăn và phức tạp. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI