Dì Út của tôi

13/03/2015 - 14:16

PNO - PN - Ngoại tôi đông con, dì Nga là con út. Nghe ngoại và mẹ kể thời bao cấp nhà ngoại nghèo lắm, đến nỗi dì Út phải lên Sài Gòn giúp việc nhà. Dì Út hiền lành, siêng năng, rất được lòng chủ. Sau 5 năm làm việc, có chút vốn để...

edf40wrjww2tblPage:Content

Các dì các cậu tôi cũng như dì Út, luôn cố gắng thoát nghèo, làm đủ việc để con cái được sung sướng. Tôi và những chị em con nhà cậu, nhà dì đều được ba mẹ nuôi nấng tốt, tạo đủ điều kiện để học hành, nhưng không ít đứa mải ham chơi lêu lổng, dở dang việc học, để rồi cuối cùng chúng được ba mẹ cho vào “trường học” của dì Út ở Sài Gòn. Tôi nói “trường học” là bởi vì không chỉ dạy chúng tôi nghề làm tóc, dì dạy bao điều cần thiết cho những đứa con gái mới lớn xa nhà. Đến thời điểm này, dì Út đã dạy cho cả chục đứa cháu, đứa nào cũng thạo nghề, có cơ ngơi làm tóc đàng hoàng.

Ở xứ đầy nắng và gió, cái chân lại ưa đi, chẳng mấy khi tôi dùng khẩu trang hay găng tay. Vừa đặt chân tới nhà dì, dì Út mắt tròn mắt dẹt vì thấy tôi đen như than. Dì la: “Con gái nhất dáng nhì da, cái dáng không đẹp, lại còn không biết giữ làn da mượt mà". Dì mua kem cho tôi xức, giữ tôi trong mát, cắt lại mái tóc nhuộm có phần xơ xác của tôi. Độ chừng hơn ba tháng, ngay chính tôi cũng không ngờ. Tôi xinh xắn hơn hẳn, nhưng dì bảo, tính cách, tâm hồn của một cô gái mới quan trọng hơn nhiều so với vẻ bề ngoài. Nhiều lần tôi cãi tay đôi với các con nhỏ của dì, gọi mày xưng tao với các bé. Dì không la tôi trước mặt các bé, mà nhỏ nhẹ bảo tôi bỏ thói quen xưng hô ấy. Dì bảo tôi nên chiều chuộng em nhỏ một chút, con gái là phải mềm mỏng, nhẹ nhàng, nói năng chừng mực, đứng ngồi phải ngó trước ngó sau...

Di Út cua toi

Bản thân dì hết sức chỉn chu, từ việc đối xử với chồng con, với khách hàng, đến việc nhà, bếp núc. Tôi thấy mình ảnh hưởng thật nhiều điều từ dì. Những ngày mới vào nhà dì, tôi vẫn duy trì thói quen ăn bằng tô, và khi nào cảm thấy đói thì ăn. Dì không đồng ý, bắt phải ăn chén, và tới bữa thì ăn cùng với mọi người, còn khi thấy đói có thể ăn vặt. Đụng tới chuyện ăn uống, tôi rất ngại, nhưng phải công nhận dì Út khéo ăn nói, và tâm lý tới mức tôi không thể giận dì được. Dần dà, tôi từ bỏ thói quen cũ, dì khen tôi sống “ra dáng” hơn trước.

Tôi thương dì ở chỗ không chỉ truyền hết mọi bí quyết, mà những đứa cháu của dì, cả mấy đứa cháu bên chồng dì, khi đã lành nghề, dì chưa kịp nhờ đỡ được ngày nào, đã vội vàng trở về quê mở tiệm. Lo lắng cho chúng tôi, dì hay gọi điện thoại nhắc nhở, bảo ban. Thỉnh thoảng dì còn gửi email cập nhật các mẫu tóc mới.

Ngày xưa, nếu dì không cưu mang, chưa chắc chúng tôi đã được như bây giờ. Nhớ ngày ấy dì với hai con nhỏ, dượng đi làm suốt ngày, tiệm thì đông khách. Công việc cứ quay như chong chóng, vậy mà dì vẫn tranh thủ thời gian chỉ vẽ tận tình cho hết đứa này đến đứa khác, từ dạy nghề đến dạy đối nhân xử thế. Cũng có lúc tôi nghe dì than mình số khổ vì các cháu. Dì than xong rồi cười xòa: “Khổ mà các cháu nên người thì khổ mấy dì cũng vui”.

Tôi trở lại thăm dì nhân dịp vào thành phố có chút việc riêng. Dì bảo thấy tôi chững chạc, sắp có gia đình, dì mừng lắm. Dì dặn tôi dù sau này cuộc sống có thế nào cũng phải giữ lấy nghề, không được sống bám chồng. Yêu nghề thì nghề sẽ mang lại hạnh phúc cho mình, dì chắc chắn như thế.

 SONG NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI